Kinh tế quý I/2013: Thông điệp từ các con số

Theo Chinhphu.vn

Về kết quả thực hiện kinh tế quý I/2013 có thể nêu ra 5 thông điệp liên quan đến chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2013 đối với các lĩnh vực: tăng trưởng kinh tế; xuất khẩu; thu, chi ngân sách; kiềm chế lạm phát; vốn đầu tư.

Trước hết mặc dù phải ưu tiên thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nhưng so với cùng kỳ năm trước, GDP vẫn tăng 4,89%. Đây là tốc độ có thể được coi là tích cực. Kết quả tích cực này được thể hiện xét trên một số mặt. Trước hết là tốc độ tăng GDP quý I năm nay đã cao hơn của quý I/2009 (tăng 3,14% được coi là “đáy” tính theo quý trong nhiều năm qua) và đã cao hơn của quý I/2012 (tăng 4,75%) mà năm 2012 là năm được coi là “đáy” trong 13 năm qua.

Chỉ số tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành (nông, lâm nghiệp - thuỷ sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ), trong đó công nghiệp - xây dựng đã tăng cao hơn tốc độ chung, dịch vụ tiếp tục tăng cao hơn tốc độ chung.

Kinh tế quý I/2013: Thông điệp từ các con số - Ảnh 1

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Đây là tín hiệu khả quan để tăng trưởng kinh tế 2013 có thể cao hơn năm 2012 như mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, để tín hiệu trên thành hiện thực, thì đòi hỏi các quý còn lại của năm 2013 phải có sự phấn đấu quyết liệt để tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng quý I năm nay và cao hơn tốc độ tăng của các quý trong năm 2012. Muốn vậy, phải khẩn trương khắc phục các điểm nghẽn của nền kinh tế, đó là nợ xấu, tồn kho, bất động sản, khẩn trương hạ lãi suất, tiếp tục cắt giảm, giãn hoãn các khoản phải nộp ngân sách…

Đối với lĩnh vực xuất khẩu, mục tiêu đề ra cho cả năm 2013 là tăng 10% so với năm 2012, tức là phải đạt 126 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu quý I dù mới đạt 29,7 tỷ USD, nhưng đã tăng tới 19,7% so với cùng kỳ năm trước và thực tế trong quý I đã có 2 tháng (tháng 1 và tháng 3) vượt qua mốc 11 tỷ USD, nên cả năm 2013 sẽ vượt kế hoạch là có tính khả thi.

Đây có thể coi là năm thứ 4 xuất khẩu liên tục thực hiện vượt tương đối xa so với kế hoạch đề ra.

Tất nhiên việc cẩn trọng trong việc lập kế hoạch cho năm nay không phải là không có căn cứ, khi lượng xuất khẩu năm trước của một số mặt hàng nông sản liên tục đạt cao và có giới hạn về nguồn, khi sản xuất công nghiệp gặp khó khăn (với khó khăn ở đầu vào), về thị trường (với các hàng rào kỹ thuật và giảm giá đồng tiền của các nước)...

Trong khi đề cao sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thì cũng phải nhận thấy xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước thua kém khu vực có vốn đầu tư nước ngoài về tốc độ tăng và sự sụt giảm về tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Kinh tế quý I/2013: Thông điệp từ các con số - Ảnh 2

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Về thu, chi ngân sách, tính đến 15/3, tổng thu ngân sách mới đạt 16,7% dự toán năm nay, trong khi đó trong đó thu nội địa đạt 17,1%, thu từ dầu thô đạt 21%, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 13,1%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 17%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 18,7%; thu từ thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước đạt 17,4%; thuế thu nhập cá nhân đạt 18,2%, thuế bảo vệ môi trường đạt 15,8%, thu phí, lệ phí đạt 17,5%.

Tổng chi ngân sách đến 15/3 đạt 17,6% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 15,4%, chi phát triển sự nghiệp kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước đạt 18,9%, chi trả nợ và viện trợ đạt 19,6%.

Có 3 điểm đáng lưu ý: tỷ lệ thực hiện so với dự toán năm còn thấp các con số tương ứng của cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thực hiện so với dự toán năm của tổng thu thấp hơn so với của tổng chi; việc chi trả nợ, viện trợ đạt tỷ lệ cao hơn của tổng thu, tổng chi là một cố gắng lớn, nhưng tỷ trọng cũng đã ở mức khá cao (so với tổng chi bằng 12%, so với tổng thu bằng 15,1%).

Thông điệp thứ tư là kiềm chế lạm phát (CPI) theo mục tiêu năm 2013 tăng 6 - 6,5%. Quý I, CPI đã tăng 2,39%, thấp hơn con số tương ứng 2,54% của cùng kỳ năm 2012. Đó là tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, nhiệm vụ còn lại của năm 2013 theo mục tiêu là tăng 3,53 - 4,01%, bình quân 1 tháng tăng 0,39 - 0,44%. Đó là nhiệm vụ không dễ, bởi nhìn lại mức tăng CPI trong 9 tháng còn lại của năm 2012 cho thấy có tới 3 tháng tăng rất thấp, 2 tháng giảm và tính chung 5 tháng này đã giảm 0,05%; chỉ có 4 tháng tăng cao hơn (từ tháng 8 đến tháng 11, đặc biệt là tháng 9 tăng cao).

Kinh tế quý I/2013: Thông điệp từ các con số - Ảnh 3

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thông điệp thứ năm là vốn đầu tư toàn xã hội tính theo giá thực tế thì tăng 5,5%, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì bị giảm, có nguồn còn bị giảm tương đối sâu. Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GDP quý I năm nay đạt 29,6%, đã thấp khá xa so với cùng kỳ năm trước (36,2%). Đây là kết quả tích cực, phù hợp với công cuộc tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế giảm sự lệ thuộc vào vốn đầu tư. Theo tính toán từ mục tiêu năm 2013, với tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GDP là 30%, với tốc độ tăng GDP là 5,5%, theo đó hệ số ICOR đã giảm mạnh so với năm trước (5,5 lần so với 6,7 lần), tức là hiệu quả đầu tư theo mục tiêu 2013 cao hơn nhiều so với năm 2012.

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện trong quý I chưa hoàn toàn theo hướng này (hệ số ICOR vẫn ở mức gần 6,1 lần, dù đây mới là cảnh báo, bởi hiệu quả đầu tư, hệ số ICOR phải xét trong dài hạn). Vấn đề đặt ra là cùng với việc giảm tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GDP (nhất là vốn của khu vực nhà nước), cần đặc biệt quan tâm đến hiệu quả đầu tư; nếu không nâng cao hiệu quả đầu tư, thì để GDP tăng trưởng 5,5%, lại phải có tỷ lệ vốn đầu tư/GDP cao hơn, vừa không nâng được chất lượng tăng trưởng, vừa gây ra tái lạm phát, tăng nợ công...

Tổng quát lại có thể nói ngoài việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết các điểm nghẽn, thì việc đẩy mạnh công cuộc tái cơ cấu (nhất là cơ cấu hệ thống ngân hàng), đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược… đòi hỏi một lượng tài khoá, tiền tệ không nhỏ, tức là tổng cầu có thể không còn “co lại” như trước mà tăng lên trong khi, vẫn phải kiên định và nhất quán với việc ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát theo mục tiêu.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần cẩn trọng trong việc thực hiện lộ trình giá thị trường trên cơ sở có sự kiểm tra, kiểm soát để minh bạch chi phí, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương, cân nhắc liều lượng và thời điểm điều chỉnh, tránh lặp lại trước đây. Quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động vì đây là nguyên nhân sâu xa, là yếu tố tiềm ẩn của lạm phát.