Kinh tế - tài chính trong nước tuần qua có gì “hot“?

PV. (Tổng hợp)

Tạp chí điện tử Tài chính điểm lại các thông tin kinh tế - tài chính nổi bật trong tuần vừa qua (từ 26/2 đến 02/03/2018).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tháng 2/2018, PMI Việt Nam tăng 53,5 điểm
Theo Nikkei, PMI Việt Nam (chỉ số nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất) tăng từ 53,4 điểm của tháng 1 lên 53,5 điểm trong tháng 2, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ của sức khỏe lĩnh vực sản xuất. Các điều kiện kinh doanh liên tục được cải thiện kể từ tháng 12/2015. Sản lượng sản xuất tăng nhanh nhất trong 10 tháng qua, trong khi hoạt động mua hàng tăng mạnh nhất kể từ cuối năm 2016.

Chỉ riêng 2 tháng, vốn đăng ký của nhà đầu tư ngoại đạt 3,34 tỷ USD

Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 3,34 tỷ USD, bằng 98,2% so với cùng kỳ năm 2017. Tính đến ngày 20/02, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được khoảng 1,7 tỷ USD, tăng 9,7% so cùng kỳ năm 2017. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 16 ngành, lĩnh vực. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,83 tỷ USD, chiếm 54,6% tổng vốn đầu tư đăng ký; Xây dựng đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 345,4 triệu USD; Tiếp đến là kinh doanh bất động sản (312,1 triệu USD)...

2 tháng đầu năm 2018, cả nước xuất siêu 1,08 tỷ USD 

Cụ thể, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,68 tỷ USD; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,76 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 33,62 tỷ USD, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,66 tỷ USD, tăng 25,7%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt gần 24 tỷ USD, tăng gần 22%. Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 6,2 tỷ USD, tăng gần 65% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ xếp thứ 2 với 6 tỷ USD, tăng 14%; EU đạt 5,8 tỷ USD, tăng 15%; ASEAN đạt 3,5 tỷ USD; Nhật Bản đạt 2,6 tỷ USD và Hàn Quốc đạt 2,6 tỷ USD, tăng mạnh hơn 36%.

Kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 32 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt hơn 13 tỷ USD, tăng hơn 16%; Khu vực FDI đạt hơn 19 tỷ USD, tăng hơn 14%. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,4 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2017. Tiếp đến là Hàn Quốc đạt 7 tỷ USD; ASEAN đạt 4,4 tỷ USD; Nhật Bản đạt 2,5 tỷ USD; EU đạt 1,8 tỷ USD; Hoa Kỳ đạt 1,4 tỷ USD.

Thị trường chứng khoán tăng điểm trên cả ba sàn

Tính chung cả tuần, VN-Index có 4 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 5,42 điểm (0,49%) lên 1.121,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 220,15 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 7.094,29 tỷ đồng/ngày.

HNX-Index có 3 ngày tăng và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 1,15 điểm (0,91%) lên 128,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 63,19 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 1.092,16 tỷ đồng/ngày.

Upcom-Index có 4 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,35 điểm (0,58%) lên 60,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 12,58 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 253,67 tỷ đồng/ngày.

GDP của Việt Nam sẽ cao hơn mức trung bình ở châu Á

Trong năm 2018, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phát triển ngành sản xuất và GDP của Việt Nam sẽ cao hơn mức trung bình ở châu Á. Theo GS. Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển kinh tế ổn định, thu hút ngày càng nhiều dự án nước ngoài lớn, ngành ngoại thương tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao. Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp Việt Nam thứ 55/137 nước và Báo cáo 2017 về mức độ dễ dàng kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) xếp Việt Nam thứ 82 trong số 190 nước.