Kinh tế vĩ mô 2014: Cơ hội hưởng hiệu ứng lan tỏa

Theo vietnamplus.vn

(Tài chính) Tăng trưởng GDP giai đoạn 2014-2015 sẽ khó đạt mức cao, song có thể diễn ra theo hai kịch bản khá tích cực. Và dù theo kịch bản nào thì tăng trưởng GDP của Việt Nam, theo các chuyên gia, cũng từ mức 5,67% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 7%.

Kinh tế vĩ mô 2014: Cơ hội hưởng hiệu ứng lan tỏa
Tăng trưởng GDP giai đoạn 2014-2015 sẽ khó đạt mức cao, song có thể diễn ra theo hai kịch bản khá tích cực. Nguồn: internet

Đây là nội dung Báo cáo dự báo các chỉ tiêu kinh tế cơ bản của Ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia (NCEIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngày 12/12.

Đà tăng trưởng được cải thiện

Kịch bản thứ nhất với nhiều khả năng xảy ra hơn, khi nền kinh tế giải quyết được những khó khăn với chính sách điều hành dần đi vào cuộc sống. Khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2014 có thể đạt 5,67% và CPI là 7%.

Kịch bản thứ hai là tăng trưởng cao cũng có thể xảy ra nếu nền kinh tế trong nước phát triển theo hướng kịch bản chủ đi kèm với các tác động tích cực từ đà phục hồi kinh tế thế giới đồng thời tận dụng lợi thế từ việc mở rộng đầu tư qua các hiệp định thương mại. Dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 sẽ đạt ở mức 6,2%, CPI vẫn duy trì tại mức 7%.

Theo bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia, kết quả điều hành chính sách của Chính phủ trong năm 2013 đã phát huy tác dụng, đà tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện. 

Nhận định chung từ các chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô được Chính phủ ưu tiên trong giai đoạn 2012-2013 về cơ bản đã được thiết lập. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi cho thấy vẫn còn còn chậm và chưa vững chắc. 

Và cùng với những kết quả đạt được thì những yếu tố rủi ro cũng đang song hành.

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn

Báo cáo từ nhóm Dự báo chỉ ra, mặc dù tín hiệu phục hồi của nền kinh tế đã có nhưng chưa rõ rệt. Bởi, các chỉ tiêu phục hồi còn yếu và mang tính thời điểm trong khi khó khăn lớn nhất cản trở sản xuất kinh doanh hiện tại như sức cầu kém, nghẽn mạch… về cơ bản chưa được giải quyết dứt điểm.

“Những nút thắt chính cản trở phát triển kinh tế như nợ xấu, hiệu quả đầu tư thấp, tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm và hầu như chưa đạt được kết quả đáng kể,” báo cáo nêu rõ.

Bà Thu chỉ dẫn, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm tăng khá chậm, tính đến hết quý III/2013 chỉ tăng được 6,1% so với cùng kỳ năm 2012. Bên cạnh đó, quy mô vốn cũng bị thu hẹp, tỷ trọng vốn/GDP giai đoạn trước 2008 là 40% thì đến giai đoạn hiện tại chỉ trên, dưới 30%. 

“Điều này đang tác động làm giảm cơ hội sản xuất kinh doanh đồng thời ảnh hưởng khiến tốc độ trưởng khó đạt ở mức cao trong năm 2013 cũng như trong vài năm tới,” bà Thu nói.

Nguồn từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch cụ quý III/2013 chỉ đạt 14,26% so với cùng kỳ năm trước là 20,69%. 

Nhóm nghiên cứu Dự báo cho rằng, con số này có cải thiện hơn sơ với các quý liên tiếp trước đó (quý I & II/2013 tương ứng 11,34% và 12,04%), song đây vẫn là mức thấp so với thông lệ.

Theo bà Kim Chi, CPI trung bình năm 2013 giảm mạnh so với 2012, tương ứng khoảng 6,4% so với 9%, nhưng điều này có được một phần từ tổng cầu yếu.

Về thị trường tiền tệ, lãi suất tín dụng đã giảm và đây là tín hiệu đáng mừng. Nhưng trên thực tế, doanh nghiệp vẫn rất khó khăn khi tiếp cận vốn do không đáp ứng được tiêu chuẩn cho vay từ phía ngân hàng.

“Doanh nghiệp cần vốn, nhưng thanh khoản của nền kinh tế vẫn rất hạn chế, tốc độ tăng tín dụng 11 tháng đầu năm mới đạt gần 7,2% tương đương với cùng kỳ năm trước,” bà Chi nhấn mạnh.

Con số báo cáo từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, hiệu quả đầu tư của Việt Nam liên tục giảm, hệ số MP (Marginal Product) đạt từ mức 25,6% năm 1999 xuống còn 7,6% năm 2012.

Các chuyên gia quan ngại, với quy mô vốn ít đi trong khi hiệu quả sử dụng vốn lại không được cải thiện sẽ làm giảm động lực cạnh tranh của nền kinh tế, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn trong lâu dài.

Cơ hội hưởng hiệu ứng lan tỏa 

Giới chuyên gia cũng cho rằng, cơ hội lớn nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện nằm ở yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô và xu hướng tăng trưởng trở lại của kinh tế thế giới.

Chỉ số CPI duy trì ở mức không cao, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, dự trữ ngoại tệ, an sinh xã hội cải thiện… là điều kiện “cần” vô cùng quan trọng cho sự phục hồi của hệ thống doanh nghiệp.

Cùng với đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá sẽ tiếp tục tăng đáng kể trong 2014, đây cũng là động lực mở ra những cơ hội lan tỏa đến với các doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, với xu thể mở rộng thị trường và sự tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, sức cạnh tranh quốc tế về đầu tư cũng như chi phí sản xuất và giá bán sản phẩm cũng trở nên ngày càng gay gắt. Thị trường tự do không chỉ là cơ hội mà cũng là thách thức với doanh nghiệp nội địa.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Ban thông tin Doanh nghiệp và Thị trường (NCEIF) đưa ra kiến nghị, Chính phủ cần quyết liệt hơn trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khu vực huyết mạnh của nền kinh tế.

Cụ thể, chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư với các thủ tục nhanh gọn, nâng cao điều kiện cơ sở hạ tầng; ban hành giải pháp hiệu quả giải phóng khoảng 100 nghìn tỷ đồng hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản; đơn giản hóa thủ tục vay vốn từ gói khích cầu 30 nghìn tỷ đồng.

Mặt khác, chính phủ cần thúc đẩy thị trường trong nước đồng thời ngăn chặn hàng lậu, hàng giả; giải quyết nợ xấu để tạo ra tài sản thế chấp và mở ra các kênh huy động vốn linh hoạt; đẩy mạnh các chương trình thoái vốn đầu tư ngành, cổ phần hóa doanh nghiệp…

“Nếu cơ chế, chính sách được thực hiện tốt, thì năm 2014 được dự báo là thời điểm cộng hưởng phát huy tác dụng và tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế chuẩn bị bước vào một chu kỳ tăng trưởng chất lượng cao hơn và bền vững hơn,” ông Hoàng nhấn mạnh.