Kinh tế vĩ mô 2014: Điểm sáng không thuộc về FDI

PV.

(Tài chính) Vai trò trụ cột của doanh nghiệp FDI có thể mạnh lên ở một số ngành đòi hỏi vốn lớn và công nghệ hiện đại như chế biến dầu mỏ, công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo cơ khí, còn lại các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chiếm vai trò chủ đạo.

Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chiếm vai trò chủ đạo. Nguồn: internet
Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chiếm vai trò chủ đạo. Nguồn: internet

Năm 2014 được dự đoán là năm sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh và hợp tác mới cho Việt Nam mà điển hình là sự kiện Việt Nam đang trong những vòng đàm phán cuối cùng để tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP, các hiệp định thương mại và hợp tác khác như Cộng đồng Kinh tế chung Đông Nam Á (AEC), Hiệp định thương mại tự do với châu Âu hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, điểm sáng của kinh tế vĩ mô trong năm tới không thuộc về doanh nghiệp FDI.

Cụ thể, hiện nay tỷ trọng của doanh nghiệp FDI trong GDP chỉ mới chiếm dưới 20%, đây không phải là một con số quá lớn để chúng ta có thể kỳ vọng làm thay đổi cả một nền kinh tế. Trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2013, tỉ lệ các doanh nghiệp FDI đăng ký vào Việt Nam ngày càng lớn cho thấy môi trường kinh doanh và những chính sách điều chỉnh thu hút đầu tư từ phía chính phủ dần phát huy tác dụng, và vai trò trụ cột của FDI ngày càng vững mạnh.

Tuy nhiên, trên thực tế, vốn FDI ở nước ta mới chỉ tập trung ở một số ngành như chế biến dầu mỏ, công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo và một số ngành đòi hỏi vốn lớn, công nghệ cao. Còn lại, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong các ngành năng lượng, giao thông vận tải, các ngành công nghiệp chế biến như dệt may, da giày, chế biến nông lâm thủy hải sản.

Một vấn đề đặt ra, khi các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong GDP có kích thích được kinh tế vĩ mô phát triển như mong muốn hay không? Về mặt lý thuyết, duy trì khu vực doanh nghiệp nhà nước quá lớn sẽ ảnh hưởng đến sản lượng tiềm năng và tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam, vì một nguồn lực lớn không được phân bố và sử dụng có hiệu quả. Do đó, nên duy trì doanh nghiệp nhà nước ở các lĩnh vực đặc biệt quan trọng mới có thể phát huy được vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế này.

Tuy nhiên, trên thực tế ở nước ta, kinh tế nhà nước vẫn phát huy được vai trò nếu có sự thay đổi về mặt sở hữu về quản trị đối với kinh tế khu vực nhà nước. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong nước đang chật vật để tồn tại. Nhiều kiến nghị rằng, Chính phủ cần kiên định các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, hướng tới nền kinh tế lành mạnh và ổn định trong dài hạn, đồng thời có chính sách ưu đãi cụ thể đối với các doanh nghiệp này thì khả năng phục hồi và phát triển vẫn rất lớn.

Hơn nữa, hiện nay khu vực doanh nghiệp FDI đã trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 20% GDP, trên 60% xuất khẩu, khoảng 45% sản lượng công nghiệp, 1/4 tổng đầu tư xã hội hàng năm. 

Điều quan trọng nhất trong việc thu hút FDI lại được đánh giá chưa được như kỳ vọng, biểu hiện: Khu vực FDI tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa có sức lan tỏa về công nghệ, kỹ năng quản lý, quản trị, chính vì thế trong thời gian qua mới có hiện tượng các doanh nghiệp trong nước lần lượt bị phá sản, làm ăn thua lỗ hoặc cụt vốn, còn các doanh nghiệp FDI vẫn trụ vững. FDI đã thu hút sự tham gia lớn hơn cho nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu cũng như các mạng sản xuất trên thế giới.

Mặc dù vậy, sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam rất yếu ớt đã tạo giá trị gia tăng thấp. Phân phối giá trị gia tăng tạo ra giữa nhà đầu tư nước ngoài và trong nước ở một số lĩnh vực cũng làm cho lợi ích của Việt Nam thu được có thể chưa thỏa đáng.

Chính vì vậy, vấn đề mấu chốt trong việc thu hút FDI hiện nay là tăng cường FDI có chất lượng, xét cả trên góc độ phát triển bền vững và hiệu ứng lan tỏa, điều này phụ thuộc vào việc cải thiện môi trường cạnh tranh, thực thi những cam kết đã và đang đàm phán cũng như cách thức xúc tiến đầu tư thương mại.

Năm 2014 được dự báo mức độ tăng trưởng kinh tế được dự báo duy trì 5,4%; Các chính sách tài khóa, tiền tệ được nhà nước quan tâm nới lỏng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng đến 8,3%, GDP là 5,8%, tốc độ tăng giá khoảng 7%… điều đó cho thấy sự lạc quan của chính phủ với nền kinh tế.

Trong tháng 9/2013, Chính phủ đã ra Nghị quyết về tăng cường thu hút và cải thiện chất lượng dòng vốn FDI, thông qua việc thay đổi một loạt các quy định. Điều này sẽ giúp môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, niềm tin của nhà đầu tư tăng trở lại. 

Dự báo năm 2014, FDI đăng ký sẽ tăng với mức trên 18 tỷ USD và vốn giải ngân đạt 10,5-11 tỷ USD. Đối với vốn ODA, với những cam kết của EU về nâng cao mức ODA cho Việt Nam trong giai đoạn 2014-2020 và Thụy Sỹ tăng 50% vốn ODA của Việt Nam giai đoạn 2013-2016, dự báo từ năm 2014 lượng vốn ODA vào Việt nam sẽ tăng ở mức khoảng 10-15% so với năm 2013. 

Cùng với đó, ước tính lượng kiều hối sẽ tăng khoảng 10% năm 2014 đồng thời có sự chuyển dịch tích cực vào các hoạt động sản xuất kinh doanh thay vì đổ vào thị trường bất động sản. Với các nguồn FDI, ODA, kiều hối tăng trưởng tốt, đóng góp nguồn ngoại tệ lớn cho tăng trưởng kinh tế, góp phần đưa cán cân tổng thể thặng dư đồng thời bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia. Đó là những điểm sáng của nền kinh tế.

Luồng vốn FDI sẽ mang đến những lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp trong nước ở các khía cạnh như học hỏi công nghệ, cung ứng nguyên vật liệu và các bộ phận sản xuất cho các doanh nghiệp đa quốc gia. Ngoài ra, sức ép về nguồn nhân lực có kỹ năng cao để đáp ứng yêu cẩu của các doanh nghiệp nước ngoài cũng tác động tích cực lên hệ thống giáo dục trong nước, buộc các trường đại học, cao đẳng phải thay đổi để thích ứng.