Kinh tế vĩ mô năm 2013: Khởi đầu giai đoạn ổn định

Theo Đầu tư Chứng khoán

Nhận định của các chuyên gia cho thấy, với nền tảng vẫn còn không ít điểm yếu, năm tới, kinh tế vĩ mô vẫn đối mặt với khá nhiều khó khăn, mặc dù tình hình sẽ khả quan hơn.Bởi vậy, việc đưa kinh tế vĩ mô vào quỹ đạo ổn định đòi hỏi phải vượt qua nhiều thách thức.

Kinh tế vĩ mô năm 2013: Khởi đầu giai đoạn ổn định

Tổng cầu của nền kinh tế vẫn yếu

Tại “Diễn đàn quốc tế: Tăng trưởng kinh tế năm 2012” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức, các chuyên gia nhìn nhận, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng đi vào chiều sâu, lấy chất lượng làm trọng chưa đạt kết quả mong muốn.

Theo TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn dựa vào những ngành sử dụng nhiều lao động, nhưng khả năng tạo việc làm ở những ngành này có xu hướng chậm lại. Điều này cho thấy, việc mở rộng quy mô ở các ngành sử dụng nhiều lao động sẽ không còn dễ như trước. Hai khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ vẫn chủ yếu có giá trị gia tăng thấp, nên không tạo ra sự đột phá về chuyển dịch cơ cấu ngành từ năm 2006 đến nay…

Với quan ngại tương tự, TS. Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhìn nhận, nối tiếp năm 2011, năm 2012 là năm thứ hai tăng trưởng GDP đạt mức dưới 6%. Đây là một chỉ báo cho thấy, kinh tế Việt Nam có thể sẽ đứng trước nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế kéo dài, nếu ngay từ bây giờ không có những cải cách toàn diện nền kinh tế với các giải pháp đồng bộ như: nâng cao hiệu quả đầu tư công, tái cấu trúc DNNN, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng... gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự suy giảm tăng trưởng năm 2012, theo ông Tuấn, là bởi tình trạng tắc nghẽn tín dụng, dẫn đến sụt giảm khá mạnh về vốn đầu tư toàn xã hội, gây ra sự suy yếu tổng cầu của nền kinh tế. Tuy đã triển khai nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng này, nhưng tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu và chưa có những cải thiện đáng kể.

Nguyên nhân trực tiếp quan trọng dẫn đến tình trạng suy yếu tổng cầu của nền kinh tế là do lượng hàng tồn kho công nghiệp, đặc biệt là xi măng, sắt thép, gạch ngói... tăng cao, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp đủ mạnh để thúc đẩy sự hồi phục của các lĩnh vực này. Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, riêng lĩnh vực xây dựng, có đóng góp khoảng 8 - 10% tăng trưởng GDP mỗi năm, nhưng năm 2011 - 2012, lĩnh vực này đang có tốc độ tăng trưởng âm.

Nhìn nhận về sự phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô năm 2012, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển ngân hàng cho rằng, đôi lúc còn thiếu sự đồng bộ. Chẳng hạn như chính sách quản lý giá xăng dầu thực hiện thiếu nhất quán, việc tăng giá xăng dầu vào thời điểm tháng 8, 9/2012 đã gây ra cú sốc tâm lý cho kỳ vọng lạm phát, trong khi đang cần củng cố lòng tin của thị trường. Việc thực hiện các giải pháp đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ cho DN từ chính sách tài khóa còn chậm so với các giải pháp chính sách tiền tệ.

Chưa hết mối lo lạm phát

Các chuyên gia dự báo, có nhiều yếu tố có thể tác động làm gia tăng lạm phát trong năm 2013, nhưng mức độ không lớn. Đó là giá hàng hóa thế giới, nhất là giá lương thực, thực phẩm tiếp tục có xu hướng tăng; tín dụng có khả năng phục hồi trở lại; quá trình giải ngân đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu chính phủ đang được xúc tiến mạnh mẽ...

“Kết quả chạy mô hình của chúng tôi cho thấy, lạm phát sẽ tăng nhẹ trong hai quý cuối năm 2012, giảm nhẹ trong 2 quý đầu năm 2013 và sẽ bắt đầu tăng trở lại từ quý III/2013. Một số tổ chức kinh tế dự báo, lạm phát có khả năng quay lại trong năm 2013”, bà Thanh cảnh báo, đồng thời cho rằng, trong bối cảnh như vậy, năm 2013, công tác điều hành kinh tế vĩ mô tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Phải xem năm 2013 là năm bản lề của một tương lai khả quan hơn cho những năm tiếp theo, nên cần thiết phải tập trung duy trì ổn định vĩ mô, giữ tăng trưởng ổn định; tháo gỡ khó khăn cho DN... Trong quá trình hoạch định chính sách, cần giữ quan điểm thận trọng. Do nguyên nhân sâu xa của lạm phát tại Việt Nam là lạm phát cơ cấu, nên chính sách tiền tệ và tài khóa trong giai đoạn tới vẫn chưa thể buông lỏng. Từ năm 2013 trở đi, các quyết sách điều hành vẫn cần phải đảm bảo thận trọng, linh hoạt và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ.

Các chuyên gia khuyến nghị, để nền kinh tế tăng trưởng nhiều hơn về chất, cần chú trọng tăng năng suất lao động bằng các giải pháp đầu tư chiều sâu cho cải tiến công nghệ; tiếp tục đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu khu vực DN, nhất là DNNN để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực có đóng góp quan trọng bậc nhất vào tốc độ tăng trưởng GDP…

Theo ông Hà Huy Tuấn, tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đang diễn ra khá chậm, nhưng quan trọng hơn là trong quá trình thực hiện cần thường xuyên có những đánh giá về những cái được và chưa được để rút ra kinh nghiệm, từ đó có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời. Cần có những đánh giá cụ thể về việc hợp nhất 3 ngân hàng Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn đã thực sự đem lại kết quả như mong đợi chưa, hiệu quả hoạt động của ngân hàng sau sáp nhập như thế nào?...

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt để giải quyết tình trạng suy giảm tổng cầu là cần đẩy nhanh việc giải phóng hàng tồn kho các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực xây dựng, bằng mở rộng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với nguồn vốn có được từ phát hành trái phiếu công trình, qua đó đẩy mạnh cầu đầu tư cũng như cầu tiêu dùng, góp phần nâng cao tổng cầu của nền kinh tế, đẩy nhanh tiến trình hồi phục tăng trưởng trong năm 2013.