Kinh tế Việt Nam 2013: Kỳ vọng gói giải pháp hỗ trợ

TS. Trần Du Lịch

Năm 2012, kinh tế nước ta có dấu hiệu phục hồi tốc độ tăng trưởng, nhưng rất chậm. Những khó khăn trước mắt sẽ tiếp tục kéo dài trong nửa đầu năm 2013 và nền kinh tế vẫn ở trong tình trạng trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng. Tuy nhiên, năm 2013 vẫn có thể kỳ vọng sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn từ những giải pháp hỗ trợ thị trường của Chính phủ.

Kinh tế Việt Nam 2013: Kỳ vọng gói giải pháp hỗ trợ
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tích tụ khó khăn từ nhiều năm

2012 là năm thứ 5, tính từ 2008, sự bất ổn của kinh tế vĩ mô kéo dài, hàng loạt giải pháp Chính phủ phải ứng phó qua từng năm, trong đó nổi bật là ứng phó với áp lực lạm phát cuối năm 2007 đầu năm 2008.

Bước vào năm 2012, tác dụng của các biện pháp giảm tổng cầu (chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt theo Nghị quyết 11 của Chính phủ) đã tác động, kìm hãm sức mua của thị trường và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động, phá sản, giải thể tăng nhanh từ đầu năm.

Hệ thống ngân hàng từ quý IV/2011 lâm vào nguy cơ đổ vỡ dây chuyền do mất thanh khoản của một nhóm ngân hàng thương mại yếu kém.

Nợ xấu tăng nhanh, đặc biệt các khoản tín dụng về bất động sản và cung cấp tín dụng tập trung thái quá vào một nhóm tập đoàn kinh tế, kể cả khu vực tư nhân, đã làm tăng rủi ro tín dụng và sự kém hiệu quả trong việc phân bố nguồn lực tài chính.

Từ quý II/2012, nền kinh tế nước ta thể hiện càng rõ nét đặc điểm như một cơ thể vừa thiếu máu, vừa không tiếp nhận được máu. Doanh nghiệp thiếu vốn hoạt động, nhưng ngân hàng không tăng được tín dụng.

Nợ xấu như “cục máu đông” gây tắc nghẽn hệ tuần hoàn, “sức khỏe” của nền kinh tế suy giảm nặng, niềm tin thị trường giảm sút; doanh nghiệp thiếu phương hướng hoạt động.

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII đã xác định mục tiêu kinh tế tổng quát của năm 2013: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng… với tốc độ tăng GDP khoảng 5,5% và kiểm soát CPI dưới 8%.

Bên cạnh những tồn tại tích tụ từ nhiều năm trước chưa giải quyết được căn bản, xuất hiện thêm nhiều khó khăn mới, cùng với tác động bất ổn của thị trường thế giới, nên ngay từ đầu năm 2012 Nhà nước và Chính phủ đã chủ trương tiếp tục tập trung các giải pháp ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Kỳ vọng lạm phát cao nên trên thực tế vẫn tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt theo tinh thần Nghị quyết 11 (áp dụng từ quý I/2011).

Tổng cầu nền kinh tế giảm nhanh, thể hiện qua mức tăng GDP quý I/2012 chỉ 4% (bằng 2/3 mức tăng của quý IV/2011). Từ quý II, Chính phủ triển khai Nghị quyết 13 nhằm kích thích tăng tổng cầu và hỗ trợ thị trường, với các biện pháp như dãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho một số đối tượng; hoãn nợ tiền sử dụng đất năm 2011 cho doanh nghiệp bất động sản… đã mang lại kết quả nhất định, nhưng chưa kích thích tăng được tổng cầu của nền kinh tế.

Thừa tiền nhưng thiếu vốn!

 Chính sách tiền tệ tập trung vào mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá, xử lý linh hoạt theo tín hiệu thị trường nên có đến 5 lần giảm lãi suất huy động tiền gửi; hạ lãi suất cho vay xuống 15%/năm, đồng thời tập trung xử lý thanh khoản của ngân hàng thương mại thông qua việc “bơm” thêm tiền cho hệ thống bằng các công cụ của Ngân hàng Nhà nước.

Từ đó, hệ thống ngân hàng thương mại có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết tín dụng cho doanh nghiệp, trong đó ưu tiên một số lĩnh vực như xuất khẩu, nông nghiệp…

Nhưng nhìn chung nền kinh tế vẫn rơi vào tình trạng “thừa tiền nhưng thiếu vốn”. Chính sách tài khóa phần nào nới lỏng đầu tư công theo mức bội chi ngân sách, thực hiện giải ngân theo kế hoạch và phát hành trái phiếu trong kế hoạch được Quốc hội cho phép; tăng lương cơ bản vào ngày 1/5/2012; thực hiện biện pháp dãn thuế…

Những nỗ lực nêu trên đã mang lại những kết quả nhất định: Tốc độ suy giảm tăng trưởng kinh tế đã dừng lại trong quý I và tăng trở lại từ quý II, dù mức tăng khá chậm: GDP quý I tăng 4%, quý II tăng 4,66%, quý III tăng 5,6% và ước cả năm 2012 tăng trên 5%; CPI theo chiều hướng giảm, thậm chí trong 2 tháng 6 và 7 tăng trưởng âm; dự kiến CPI cả năm giảm thấp so với chỉ tiêu đề ra; xuất khẩu tăng khá so với năm 2011; nhập siêu giảm mạnh…

Có thể thấy năm 2012 các loại thị trường đều chưa thể khởi sắc, đầu tư chưa thể tăng nhanh, sức mua vẫn tăng chậm, thị trường bất động sản “ấm” hơn đôi chút, nhưng chưa thể phục hồi, thị trường chứng khoán chưa lấy được niềm tin và đang trong thời kỳ tự tái cơ cấu…

Cần gói giải pháp đồng bộ

Tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến khá phức tạp. Dự báo mới nhất của các tổ chức tài chính quốc tế như IMF thì kinh tế năm 2013 sẽ khó khăn hơn năm 2012. Tốc độ  tăng trưởng chung của thế giới sẽ chậm lại. Có thể nói trong năm 2013 tình hình kinh tế thế giới còn diễn biến thất thường, sẽ có tác động bất lợi đối với những nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta.

Với diễn biến tình hình 2012, những vấn đề tồn tại hiện nay nên cần có gói giải pháp đồng bộ để giải quyết 3 vấn đề: hàng tồn kho, xử lý nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. 3 vấn đề này thực tế có quan hệ nhân quả, hữu cơ với nhau, nên không thể giải quyết riêng rẽ.

Có thể Chính phủ nên ban hành gói giải pháp hỗ trợ thị trường, trong đó công cụ lãi suất là công cụ chủ động. Khác với gói giải pháp kích cầu thực hiện năm 2009, trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu suy thoái, Chính phủ phải tăng đầu tư công và hỗ trợ lãi suất; gói giải pháp hỗ trợ thị trường lần này tậptrung vào khâu xử lý “điểm nghẽn” của tín dụng và tăng sức mua của thị trường, trong đó quan tâm đặc biệt đến tồn kho sản phẩm bất động sản.

Trong giải pháp về tín dụng cần áp dụng biện pháp đặc biệt như khoanh nợ và tiếp tục cho vay mới các doanh nghiệp có điều kiện tồn tại và phát triển; các doanh nghiệp đang thực hiện các dự án nhà ở có thị trường; các dự án BOT, BT trong lĩnh vực hạ tầng đang ngưng trệ do thiếu nguồn tín dụng; ngăn chặn xu hướng tăng số doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, giải thể do thiếu vốn lưu động; mở rộng tín dụng tiêu dùng; thị trường bất động sản với những phân khúc còn tiềm năng, tạo điều kiện giải ngân vốn vay người mua bất động sản…

Tất cả những giải pháp này phải trên nền tảng kéo giảm lãi suất huy động tiền gửi và giảm mạnh lãi suất cho vay xuống. Trước mắt chưa thể bàn đến chuyện thị trường hóa lãi suất được thì phải áp dụng biện pháp tình thế là biện pháp hành chính, áp dụng cả 2 đầu lãi suất: quy định nghiêm ngặt trần lãi suất cho vay và trần lãi suất tiền gửi trong một thời hạn nhất định gắn với thời kỳ củng cố hệ thống ngân hàng thương mại.

Cụ thể lãi suất huy động kéo xuống 8%/năm, lãi suất cho vay tối đa 12%/năm. Như vậy doanh nghiệp mới giảm được chi phí, khơi thông vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, không nên làm riêng lẻ mà phải có cả giải pháp thì mới tác động hiệu quả. Nếu hạ lãi suất mà không có gói giải pháp kèm theo thì có hạ doanh nghiệp cũng không vay được.

Trong chính sách tài khóa cần tiếp tục thực hiện biện pháp dãn thời hạn nộp thuế, thời hạn nộp tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế… theo tinh thần Nghị quyết 13 của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 về hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi tăng trưởng, dù là yếu ớt và vẫn ở trong tình trạng tăng trưởng dưới tiềm năng (so với công suất đã đầu tư), năm 2013 dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục, nếu các chính sách vĩ mô được triển khai minh bạch, nhất quán và đồng bộ để tạo niềm tin cho thị trường.