Kinh tế Việt Nam 2017: Kỳ vọng khởi sắc

TS. Nguyễn Minh Phong

Việt Nam bước vào năm 2017 với tâm thế tiếp tục nỗ lực đổi mới và hành động để bứt phá. Mặc dù nhiều cơ hội nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo nền kinh tế phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thách thức “đa dạng”

Năm 2017, Việt Nam tiếp tục đối mặt những khó khăn hội tụ từ môi trường kinh tế và chính trị thế giới tiềm ẩn nhiều bất ổn truyền thống và phi truyền thống.

Ngoài ra, còn nhiều áp lực đến từ thiên tai và biến đổi khí hậu; hệ thống tài chính vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực ngân hàng, vấn đề nợ xấu tiếp tục đặt ra nhiều thách thức cho phát triển kinh tế bền vững. Đáng quan ngại là nhập siêu từ khu vực Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC), Hàn Quốc và Nhật Bản có xu hướng  tiếp diễn.

Lạm phát sẽ gia tăng áp lực cả do tăng dư nợ tín dụng và quy mô nợ, tăng lương, tăng giá và phí các dịch vụ công, cũng như do tăng giá xăng dầu ngoại nhập. Giá vàng và tỷ giá ngoại tệ trong nước tiếp tục biến động theo thị trường thế giới. 

Tuy tăng trưởng có khả quan hơn, nhưng nhìn chung dự báo thị trường thế giới vẫn còn nhiều khó khăn và có thể tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), việc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) tăng lãi suất cơ bản cuối năm 2016, đồng thời gợi mở khả năng sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm nay, không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Một trong những thay đổi rõ rệt nhất là sự lên giá của đồng USD.

Trong khi đó, đồng Việt Nam hiện vẫn đang được neo giữ với USD sẽ có xu hướng tăng giá thực so với các đồng tiền còn lại. Điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, áp lực thất nghiệp và giảm nghèo đói vẫn là thách thức không nhỏ cho các vùng, địa phương còn nhiều khó khăn và đang bị ô nhiễm môi trường nặng nề.

Cơ hội và kỳ vọng lớn lao

Tuy nhiên, cơ hội và kỳ vọng đặt vào năm 2017 cũng ngày càng cao, với tăng trưởng kinh tế năm 2017 sẽ được cải thiện khá, dự kiến có khả năng đạt mức 6,7%, cao gấp đôi mức trung bình toàn thế giới và thuộc nhóm tăng cao hàng đầu khu vực. Đặc biệt, động thái tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước vẫn được duy trì liên tục như nhiều năm qua.

Động lực phát triển tiếp tục được duy trì và cộng hưởng từ các kết quả  cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, tạo xung lực mới cho khu vực tư nhân trở thành động lực, cũng như nhờ giá năng lượng và nông sản thế giới dự báo phục hồi mạnh trong năm 2017. Xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục tăng mạnh nhờ ứng dụng công nghệ cao và lần đầu vượt xuất khẩu gạo, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất siêu nông nghiệp lên hơn 7 tỷ USD. Đặc biệt, việc nhiều kết quả nghiên cứu khoa học, giống mới, quy trình công nghệ và tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.

Môi trường đầu tư được cải thiện đã khai thông rộng hơn các dòng vốn đầu tư xã hội, thể hiện ở sự gia tăng dư nợ tín dụng ngân hàng, gia tăng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động, từ dòng vốn bổ sung đầu tư mở rộng và tăng vốn thực hiện (cả vốn đầu tư nước ngoài - FDI) và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Theo nhiều chuyên gia, tư duy về phát triển doanh nghiệp cần phải thay đổi. Doanh nghiệp thành lập phải mạnh, chứ không phải cứ “li ti”, sinh ra nhưng thiếu sức sống, thành lập ra nhưng không sống được. Việc tạo môi trường để doanh nghiệp sống được quan trọng hơn là nhiều doanh nghiệp sinh ra mà không có anh nào “khỏe”. Thiết lập môi trường kinh doanh lành mạnh, làm giảm số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ cho tập đoàn tư nhân lớn, phát triển mạnh. Không phải ưu đãi kiểu thiên vị hay cho “miếng bánh” vô điều kiện, mà là hỗ trợ tập đoàn lớn làm trụ cột cho doanh nghiệp nhỏ bám vào cùng phát triển. Một nền kinh tế cạnh tranh không thể không có doanh nghiệp lớn.

Hơn nữa, theo tinh thần Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII, Việt Nam sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước và nợ công. Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP. Bên cạnh đó, sẽ có sự phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn; giữa thị trường vốn cổ phiếu và trái phiếu; giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp; giữa dịch vụ tín dụng và các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; thị trường vốn đầu tư mạo hiểm và tín dụng tiêu dùng đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Việt Nam tiếp tục bảo đảm thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết; đồng thời, cơ chế vay quản lý nợ công sẽ đậm tính thị trường hơn, nhất là cơ chế cho vay lại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh từ nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ. Mỹ sẽ vẫn là thị trường xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất, còn Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu và nhập siêu lớn nhất của Việt Nam…

Những yếu tố thuận lợi trên đem lại kỳ vọng về một nền kinh tế ngày càng khởi sắc, tạo ra môi trường khởi nghiệp, môi trường kinh doanh thuận lợi để nước ta có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% như Quốc hội đề ra.