Kinh tế Việt Nam được nhận định đã thoát đáy

Theo VnEconomy

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố bản báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam tháng 11 và 11 tháng năm 2012, trong đó đưa ra một số nhận định đáng chú ý về kinh tế vĩ mô.

Kinh tế Việt Nam được nhận định đã thoát đáy
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất

Nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô như chỉ số sản xuất công nghiệp (11 tháng tăng 4,6% so với cùng kỳ), chỉ số hàng tồn kho (11 tháng tăng 20,9% so với cùng kỳ)… đã có những chuyển biến tích cực hơn so với những quý đầu năm, dù vậy xu hướng cải thiện là yếu ớt và thiếu sự ổn định rõ nét.

Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là, dù đang trong thời điểm cuối năm nhưng sức mua của hộ gia đình vẫn khá thận trọng, điều này khiến cho tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đang có dấu hiệu tăng chậm dần đáng lo ngại. Điều này cho thấy tổng cầu của nền kinh tế dù đã được cải thiện nhưng chưa có những động lực để bật lên mạnh mẽ.

Ủy ban cho rằng, cùng với chính sách thắt chặt chi tiêu đầu tư công theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP, sự tắc nghẽn của nguồn vốn tín dụng ngân hàng là những nguyên nhân chính khiến cầu đầu tư suy giảm khá mạnh.

Dù vậy, điều đáng mừng là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, nền kinh tế Việt Nam vẫn có được sự bổ trợ ngoài dự đoán từ nguồn kiều hối và nguồn vốn đầu tư FDI được duy trì khá ổn định, những nhân tố này đã tạo nên đối trọng đáng kể giúp nguồn vốn đầu tư và do đó là tăng trưởng kinh tế năm 2012 không suy giảm quá sâu.

Cùng với những điểm nhấn vừa nêu, sự ổn định của tỷ giá hối đoái và tốc độ tăng xuất khẩu đạt mức cao hơn khá nhiều so với dự kiến (dự báo tăng khoảng 18% trong năm 2012).

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho hay, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 6,52% so với tháng 12 năm và tăng 7,08%  so với tháng 11/2011.  Đây là cơ sở để Ủy ban này đưa ra nhận định rằng việc điều hành chính sách một cách thận trọng và nhất quán là nguyên nhân chính giúp lạm phát được kiềm chế ổn định trong những tháng qua.

Tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, những yếu tố mang tính chi phí đẩy làm gia tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng cuối năm là không lớn. Vì vậy, giả định CPI tháng 12 tăng khoảng 1% so với tháng 11, lạm phát cả năm sẽ ở mức dưới 8%.

Lo lắng về lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động


Tình hình kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp vẫn trong giai đoạn rất khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động trong tháng 11 đang tiếp tục tăng so với 9 tháng đầu năm và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cho đến thời điểm gần cuối năm 2012, doanh nghiệp Việt Nam ở đại đa số các ngành nghề vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức trên mọi phương diện, đặc biệt là ở hai khâu chủ yếu là “đầu vào” và “đầu ra” của sản phẩm.

Ngoài những khó khăn đã biết ở khâu tiêu thụ sản phẩm chậm dẫn đến lượng hàng tồn kho cao, các doanh nghiệp hiện nay cũng đang chịu những khó khăn rất lớn do phải chi phí sản xuất đang tăng rất cao.

Qua những đáng giá tổng thể về tình hình doanh nghiệp và nền kinh tế nêu trên, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, đây là thời điểm Chính phủ cần sớm hành động quyết liệt, đưa ra những giải pháp cụ thể đi thẳng vào giải quyết vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể ở đây là có thể mạnh dạn hạ lãi suất huy động và lãi suất cơ bản khoảng 1% so với lãi suất quy định hiện nay, đồng thời khống chế trần lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không vượt quá 150% lãi suất cơ bản theo luật định, nhằm giảm chi phí tài chính  cho doanh nghiệp.

Chính phủ cũng có thể đẩy mạnh bảo lãnh vay tín dụng ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh cho chủ đầu tư những dự án BOT hiện đang rất cần vốn để hoàn thành (ví dụ như dự án Quốc lộ 14…).

Đồng thời, Chính phủ cần sớm thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu công trình cho năm 2013 nhằm chủ động kiểm soát lượng vốn đầu tư của nền kinh tế trong trường hợp tăng trưởng tín dụng năm 2013 tiếp tục đạt mức thấp như năm 2012 nhằm đảm bảo mức tổng vốn đầu tư toàn xã hội cần thiết để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm 2013 vẫn sẽ được duy trì ở mức tương đương 30% GDP như mục tiêu đã đề ra. 

Vẫn theo tính toán của cơ quan này, giả định tăng trưởng tín dụng năm 2013 chỉ đạt mức tăng 12 - 14 - 16%, để đạt được mức tổng vốn đầu tư toàn xã hội tương đương 30% GDP thì vốn đầu tư cần có thêm lượng vốn tương ứng khoảng 130 - 100 - 70 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, tùy theo điều kiện thực tế, có thể phát hành trái phiếu công trình với tổng khối lượng cần thiết tương ứng với những tính toán nêu trên để bù đắp lượng vốn đầu tư thiếu hụt, nỗ lực giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 5,5% trong năm 2013.

“Nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể thực sự hồi phục tăng trưởng mạnh mẽ khi niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với vấn đề kiểm soát lạm phát và xử lý nợ xấu được giải quyết. Vì vậy, ngoài việc kiên định với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình tái cấu trúc các ngân hàng thương mại và xử lý nợ xấu, coi đó là một trong những khâu đột phá trong công cuộc cải cách nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đưa ra những thông điệp rõ ràng, được tuyên truyền rộng rãi và dễ hiểu đối với người dân về vấn đề tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu, nhằm thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc cải cách hệ thống tài chính Việt Nam”, báo cáo viết.