Kinh tế Việt Nam năm 2013: Hoá giải vòng luẩn quẩn

Theo Thời báo Ngân hàng

Quan trọng nhất là những chính sách kịp thời từ phía cơ quan quản lý để ổn định tâm lý người dân cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hơn lúc nào hết, Chính phủ phải kiên quyết với mục tiêu lớn lao nhất là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô thông qua đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhất.

Kinh tế Việt Nam năm 2013: Hoá giải vòng luẩn quẩn
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khép lại năm 2012, kinh tế vĩ mô lấp ló những điểm sáng như chỉ số giá tiêu dùng cuối năm chỉ tăng 6,81%, giảm mạnh so với tốc độ phi mã 18,3% của năm ngoái, hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Ngoại trừ những lần tăng giá xăng dầu và điện, người tiêu dùng không phải hứng chịu các cú sốc giá lương thực, thực phẩm. Nền kinh tế cũng ghi nhận một số tín hiệu tích cực như tỷ giá cả năm ổn định, dự trữ ngoại hối tăng gấp đôi…

Kinh tế Việt Nam 2013 sẽ sáng sủa hơn, đó là nhận định của đại đa số các chuyên gia kinh tế. Điểm tựa thêm vững là gói giải cứu mới trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó tập trung giảm thuế, phí, hạ lãi suất... để giải phóng hàng tồn kho, xử lý nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho DN mà Chính phủ tiếp tục công bố từ cuối tháng 12/2012.

Nhưng các DN lại không lạc quan như vậy. Đọng lại trước thềm năm mới 2013, là những khó khăn hiển hiện ở mọi ngóc ngách của nền kinh tế. Cái giá phải trả cho việc thắt chặt tiền tệ và tài khóa để kiềm chế lạm phát là GDP năm 2012 chỉ đạt 5,03%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6-6,5% mà Quốc hội đề ra. Lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ Việt Nam xuất siêu, nhưng chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu sụt giảm khi sản xuất đình đốn.

55.000 DN ngừng hoạt động, cả triệu người thất nghiệp, hàng trăm nghìn tỷ đồng có nguy cơ mất trắng khi bất động sản đóng băng.

Tái cấu trúc được cho là bản lề mở cánh cửa cho một chu kỳ kinh tế mới. Nhưng nhìn lại cả năm 2012, nền kinh tế vẫn lùng bùng trong tái cấu trúc, khi những bất cập chưa thể hóa giải, lớn nhất là tồn kho và nợ xấu. Đây là 2 điểm nghẽn lớn nhất khiến cỗ máy kinh tế không thể vận hành trơn tru.

“Vòng quay vốn đang diễn ra rất chậm. Trong điều kiện bình thường của nền kinh tế, vòng quay tiền trung bình vào khoảng 2,5 lần/năm, nay giảm xuống chỉ còn 1 lần/năm, thậm chí chỉ xấp xỉ 0,9 lần. Điều đó cho thấy, nền kinh tế đang rơi vào tình trạng đình trệ trong sản xuất, kinh doanh”, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết.

Lật lại vấn đề vì sao vòng quay tiền chậm, ông Nghĩa cho rằng, nguyên nhân quan trọng là do lòng tin suy giảm về triển vọng kinh tế. Khi lòng tin suy giảm, DN không dám mở rộng quy mô, thậm chí thu hẹp lại, còn người tiêu dùng cũng tằn tiện trong chi tiêu… Một vòng luẩn quẩn thứ 2 về tồn kho, nợ xấu lại xuất hiện.

Kinh tế sẽ rơi vào đâu trong 3 kịch bản kinh tế được các chuyên gia vẽ ra trong năm 2013. Tăng trưởng GDP trong năm nay sẽ là 5% hay 6,34% phụ thuộc vào việc khơi dậy niềm tin cho thị trường. Điều này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong thông điệp gửi đi trước thềm năm mới 2013 “nâng cao chất lượng thể chế và khả năng phản ứng chính sách, tạo lập niềm tin cho thị trường”.

Hiện thực hóa thông điệp này, các chuyên gia cho rằng cần phải cụ thể hơn bằng những hành động từ Chính phủ. Quan trọng nhất là những chính sách kịp thời từ phía cơ quan quản lý để ổn định tâm lý người dân cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hơn lúc nào hết, Chính phủ phải kiên quyết với mục tiêu lớn lao nhất là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô thông qua đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhất.

“Làm thế nào để DN giảm bớt khó khăn vì đằng sau đó là vấn đề xã hội. Làm thế nào để DN phải sống được. Trong một nền kinh tế không thể “hửng nắng” lên được ngay khi chúng ta nói tái cơ cấu thì phải làm thật, không nói chơi, không để bất ổn. DN cũng phải cười được, phải có bánh chưng Tết ăn thì nền kinh tế mới phát triển được”, TS. Võ Trí Thành chia sẻ.