Kinh tế Việt Nam năm 2018: Hướng tới sự tăng trưởng ổn định

Theo Hoàng Hạnh/thuongtruong.com.vn

Trong báo cáo “Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế gần đây ở Việt Nam” vừa công bố, World Bank khẳng định, dự kiến GDP Việt Nam năm 2017 sẽ ở mức 6,7%, trùng khớp với mục tiêu chúng ta đặt ra. Viễn cảnh nền kinh tế cán đích thành công gần như chắc chắn, đặc biệt khi quân bài tín dụng vẫn chưa sử dụng đến.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

2017 tăng trưởng ngoạn mục

Mục tiêu GDP 6,7% sắp đạt được cũng sẽ giúp giải quyết những vấn đề trước mắt: cân đối chi tiêu công, việc làm cho người lao động, mức tín nhiệm quốc gia cao để đảm bảo sự an toàn của gánh nợ công... Trong báo cáo của World Bank, mức tăng trưởng GDP dự kiến cho năm 2018 là 6,5%. Đề bài Quốc hội đặt ra cho điều hành kinh tế năm 2018 cũng là GDP tăng trong khoảng 6,5-6,7%.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế độc lập, tỏ ra đồng tình hơn với mức 6,5% và đây là mức phù hợp mà không tạo quá nhiều áp lực lên nền kinh tế. Đến đây, lại phải trở về với câu hỏi muôn thuở: làm sao để tăng trưởng thực chất? Những điểm tối cũng cần phải được soi rọi để chuẩn bị cho những thành tích tốt hơn.

Thứ nhất, đã nhìn thấy rõ chu kỳ giảm có tính bền vững của GDP, tương ứng gần 1% của kinh tế Việt Nam trong mỗi 10 năm. Mức giảm dần của GDP có thể giải thích nếu quy mô và hiệu quả của nền kinh tế ngày càng tăng, điều đã xảy ra với các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, trong trường hợp của Việt Nam, hiệu quả nền kinh tế, đặc biệt của khu vực công, ngày càng giảm sút (hệ số đầu tư tăng trưởng ICOR tăng theo từng chu kỳ 5 năm, từ 2,8 giai đoạn 1996- 2000 tới 5,9 giai đoạn 2011-2015). Năm 2016, tăng cường độ vốn vẫn đóng góp tới hơn 60% vào năng suất lao động, trong khi yếu tố chất lượng lao động đóng góp gần như không đáng kể. Năm 2017, tổng vốn đầu tư phát triển, theo công bố của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ước tăng tới 33,4% GDP, cao hơn kế hoạch và cao hơn 12,6% so với năm 2016.

Thứ 2, năm 2017, rất nhiều lần ghi nhận giá vàng tăng, ngược xu hướng của thế giới, vốn bị tác động từ những tín hiệu tích cực của nền kinh tế toàn cầu. Điều này dẫn tới giả thiết, hoặc là kênh tích lũy bằng vàng vẫn an toàn, chứng tỏ phản ứng dè dặt của thị trường với tín hiệu tích cực của nền kinh tế; hoặc là vẫn có những bàn tay đen tác động đến giá vàng. Chỉ số VN-Index cũng vượt mốc 900 điểm, tăng 41% kể từ đầu năm 2017 và xếp thứ 3 về mức tăng trưởng trong các chỉ số chứng khoán trên thế giới từ đầu năm 2017. Sự lệch pha đáng kể giữa sự tăng trưởng kinh tế nói chung và chỉ số này khiến nghi ngại nói trên xem ra rất có cơ sở. Không thể có một nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững nếu dòng tín dụng đi vào những cuộc chơi vàng, chứng khoán hay bất động sản.

Thứ 3, nhiều khả năng, lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức 4% như mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, tính chung 11 tháng năm 2017, giá thực phẩm giảm 3,44% so với đầu năm làm CPI giảm khoảng 0,78 điểm phần trăm. Đáng lưu ý, giá thực phẩm trong năm 2017 không còn phản ứng ngay tức thì với những đợt tăng của giá xăng dầu như vài năm trước nữa, cho dù chi phí sản xuất chắc chắn chịu tác động bởi yếu tố này. Hạn mức chi để duy trì cuộc sống của người dân nói chung xem ra đã tới hạn, họ phải “thắt lưng buộc bụng’’ theo đúng nghĩa đen của thành ngữ này.

2018 phá “máu đông” nợ xấu

Sẽ có những đơn thuốc khác nhau để ổn định và nâng cao sức khỏe nền kinh tế Việt Nam như triệt để cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh quốc gia khởi nghiệp, hỗ trợ cho sự hình thành và vững mạnh của các tập đoàn tư nhân... Mỗi cách tiếp cận đều có những luận cứ thuyết phục. Trong bối cảnh này, quan điểm của các chuyên gia tài chính - ngân hàng có lẽ cần được cân nhắc cẩn trọng hơn. Hãy bắt đầu bằng việc phá cục máu đông nợ xấu, đồng nghĩa, minh bạch hóa hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, hỗ trợ và điều chỉnh để chúng vận hành theo chuẩn mực của hệ thống ngân hàng các nước có nền kinh tế thị trường hoàn thiện.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận xét: “Tài sản ứ đọng trong nợ xấu, sổ sách kế toán của ngân hàng vẫn lem nhem thì không ai biết được giá trị thực của các ngân hàng. Từ đó, sẽ không có được một sự cải thiện toàn diện hệ thống ngân hàng, lành mạnh hóa, tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng như nhiệm vụ đã đặt ra’’.

Theo vị chuyên gia, rào cản trong việc xử lý dứt điểm nợ xấu một mặt nằm ở chính những quy định hiện hành. Dù Nghị quyết 42 về vấn đề xử lý nợ xấu của Quốc hội đã chính thức có hiệu lực từ 15.8.2017, mở ra một cánh cửa là các ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm nhưng thực thi trên thực tế không hề dễ dàng. Từ phía ngân hàng, khi tất cả các bên, ngân hàng, chính quyền địa phương, cơ quan an ninh, người đi vay đều hợp tác thì mới đẩy mạnh được việc xử lý tài sản. Đứng từ phía người dân, quyền lợi của họ được bảo vệ ra sao bởi những tài sản đảm bảo thường có giá trị gấp đôi giá trị các khoản vay? Những biến động theo hướng có lợi của tài sản thế chấp bằng bất động sản của họ sẽ được tính toán như thế nào?

“Việc thành lập thị trường mua bán nợ, như được quy định trong Nghị quyết 42 nên được thực hiện trong năm 2018. Khi đó, đối tượng mua bán nợ sẽ được mở rộng, thay vì chỉ có 4 đối tượng liên quan tới ngân hàng và Nhà nước như hiện nay. Đặc biệt, có vậy, nợ xấu mới được bán theo giá trị trường, thay vì bán trên giá trị sổ sách như hiện nay. Những quy định liên quan để vận hành hiệu quả thị trường mua bán nợ cũng cần phải được bổ sung’’, ông Hiếu khuyến nghị.

Cản trở thứ 2 trong nỗ lực minh bạch nợ xấu nằm ở bản thân các ngân hàng và những khách hàng lớn của họ. Đưa ra ánh sáng những nhập nhèm, yếu kém, thất thoát... đồng nghĩa với việc phải từ bỏ quyền lợi và gánh chịu trách nhiệm. Ngược lại, nếu cứ mãi tù mù về nợ xấu, khó có thể kể đúng bệnh của nền kinh tế. Với trường hợp này, giải pháp chỉ có thể đến nếu đặt cao hơn tất cả là sức khỏe của nền kinh tế, gắn liền với sự tồn tại và vững mạnh của quốc gia. Rõ ràng, chúng ta không còn lựa chọn nào khác.