Kinh tế Việt Nam trước cơ hội lớn năm 2015

ThS. TRẦN THỊ THÙY LINH

(Tài chính) Năm 2015, nền kinh tế Việt Nam hứa hẹn có bước chuyển mình trước những cơ hội lớn với việc chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và hoàn tất ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, đi liền với đó, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong chặng đường phía trước.

Năm 2015, kinh tế Việt Nam bước sang trang mới. Nguồn: internet
Năm 2015, kinh tế Việt Nam bước sang trang mới. Nguồn: internet

Hai cơ hội…

Năm 2015, kinh tế Việt Nam bước sang trang mới mang theo kỳ vọng về những bước chuyển mới trước hai cơ hội lớn: AEC chính thức được thành lập vào cuối năm 2015 và Việt Nam bước vào chặng nước rút chuẩn bị ký kết TPP.

AEC ra đời sẽ là bước ngoặt, đánh dấu sự hòa nhập toàn diện các nền kinh tế Đông Nam Á. AEC được định hướng sẽ trở thành một khu vực kinh tế ổn định và là thị trường thống nhất của 10 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam), thúc đẩy sự lưu thông tự do của hàng hóa, vốn, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề trong các nước với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế một cách công bằng; các rào cản pháp lý về ngăn cản thương mại, thu hút đầu tư của một nước ASEAN này trên một nước ASEAN khác được dỡ bỏ, mang lại cơ hội lớn cho các nước ASEAN thông qua một thị trường rộng lớn và bình đẳng với 600 triệu dân và tổng GDP mỗi năm khoảng 3.000 tỷ USD.

Cơ hội mở ra cho thấy, khi AEC đi vào hoạt động sẽ tạo ra một thị trường đơn nhất, khai thác được tối đa các ưu đãi thương mại tự do (FTA) mang lại, thuế suất lưu thông hàng hóa giữa các nước trong khu vực sẽ được cắt giảm dần về 0%. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi tham gia vào AEC, kinh tế của Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng thêm 14,5%, người tiêu dùng có cơ hội được dùng các loại hàng hóa tốt hơn, rẻ hơn, dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam hứa hẹn sẽ nhiều hơn. Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ có thị trường rộng hơn, có thể bán hàng sang các nước ASEAN gần như bán hàng trong nước.

Các thủ tục xuất, nhập khẩu cũng sẽ bớt rườm rà hơn và việc, tiến tới cho phép DN tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN thông quan hàng hóa sang các thị trường ASEAN. Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan với tổng số trên 99% dòng thuế của ASEAN 6 là 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Đây là thời điểm để các DN linh hoạt, nhạy bén, sớm nhận diện và nắm bắt những lợi ích tiềm năng từ AEC để thúc đẩy khả năng tăng quy mô kinh tế không chỉ khối thị trường này mà còn với các thị trường khác; trong đó có các thị trường ASEAN đã ký các Hiệp định FTA như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand…

Ngoài cơ hội từ AEC, năm 2015, Việt Nam còn đón thêm một cơ hội khác từ việc hoàn tất công đoạn cuối trong tiến trình đám phán ký kết TPP - Hiệp định thỏa thuận thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương có sự tham gia của 12 nước là Mỹ, Canada, Mexico, Peru, Chile, Australia, Newzealand, Malaysia, Singapore, Brunei, Việt Nam và Nhật Bản. Tính đến nay, TPP đã trải qua hơn 20 cuộc đàm phán chính thức và còn 20 lĩnh vực vẫn đang tiếp tục đàm phán nhưng phần lớn đã được thống nhất và dự kiến có thể kết thúc đàm phán vào đầu năm 2015. TPP định hướng tạo ra một khu vực thương mại lớn nhất thế giới với tổng dân số hơn 804 triệu người, sản lượng kinh tế đạt 27.807 tỷ USD, tương đương 40% GDP toàn cầu và 30% tổng doanh thu xuất, nhập khẩu thế giới.

Khi gia nhập TPP, Việt Nam được hưởng nhiều lợi thế. Trong đó, các DN dệt may nằm trong top đầu các ngành được hưởng lợi nhiều nhất vì 60% kim ngạch xuất khẩu của ngành Dệt may được xuất vào các nước thành viên TPP. Thuế suất xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam được đưa về 0% khi vào Mỹ - thị trường lớn nhất của Việt Nam trong các nước tham gia TPP… Rõ ràng, sự tham gia của Việt Nam vào AEC và TPP sẽ mang lại cơ hội phát triển kinh tế vượt bậc trong năm 2015 và trong các năm tiếp theo.

Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN đi vào hoạt động sẽ tạo ra một thị trường đơn nhất, khai thác được tối đa các ưu đãi thương mại tự do (FTA) mang lại, thuế suất lưu thông hàng hóa giữa các nước trong khu vực sẽ được cắt giảm dần về 0%.

Nhiều nỗi lo…

Liệu Việt Nam có thua ngay tại sân nhà? Đây chính là nỗi lo lớn nhất mà Việt Nam phải đặc biệt lưu tâm trước vô vàn sức ép từ hai cơ hội trên. Nỗi lo này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như:

Thứ nhất, trong cả AEC lẫn TPP, Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế kém phát triển nhất, các DN Việt Nam đứng trước 5 thách thức là cạnh tranh về hàng hóa, cạnh tranh về dịch vụ, cạnh tranh về thu hút đầu tư, đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại và yêu cầu với chất lượng hàng hóa cũng như phương thức kinh doanh ngày càng cao.

Thứ hai, người lao động Việt Nam có năng suất làm việc và kỷ luật lao động thuộc tốp thấp nhất trong khu vực. Thiếu lao động có trình độ, kỹ năng cao.

Thứ ba, sự chuẩn bị của Việt Nam khi bước vào “sân chơi chung” AEC và TPP tuy đã và đang diễn ra nhưng vẫn còn chậm so với tốc độ chung, nhiều chính sách còn chậm được sửa đổi và ban hành; việc quan tâm, tìm hiểu và đề ra các bước đi thích hợp của rất nhiều DN về AEC và TPP còn rất ít, nhiều người còn rất mơ hồ về AEC và TPP.

Chỉ không lâu nữa, Việt Nam sẽ phải cắt giảm thuế đối với các mặt hàng thường được loại trừ ra khỏi phạm vi các hiệp định FTA truyền thống như: Xăng dầu, thuốc lá. Chậm nhất là tới năm 2018, Việt Nam phải xóa bỏ các biện pháp hạn ngạch thuế quan đối với đường, muối, trứng gia cầm và thuốc lá. Đặc biệt, khi AEC hình thành, rất nhiều sáng kiến như: Cơ chế hải quan một cửa ASEAN, hệ thống tự chứng nhận xuất xứ, hài hòa hóa tiêu chuẩn và công nhận lẫn nhau... sẽ được triển khai. Chưa kể, ASEAN còn đẩy mạnh việc xử lý các biện pháp phi thuế quan và thúc đẩy cơ chế giải quyết tranh chấp; về dịch vụ và đầu tư, hướng tới mức độ tự do hóa cao, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, thông qua Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) và Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA). Và đương nhiên, khi không còn những ngăn cách về biên giới kinh tế, hàng hóa, dịch vụ và vốn được lưu chuyển tự do trong ASEAN thì bất cứ DN hay nhà đầu tư nào của ASEAN đều có cơ hội và thách thức như nhau trong thị trường chung AEC.

“Trái ngọt” TPP cũng vậy, không dễ hái, khi mà TPP yêu cầu rất chính xác về tiêu chuẩn, nguyên liệu xuất xứ… chưa kể, phần lớn các DN dệt may xuất khẩu của Việt Nam là DN FDI, chỉ có một số DN lớn trong nước như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Công ty cổ phần May 10 là có cơ hội, số đông còn lại là DN dệt may vừa và nhỏ trong nước rất khó có thể tham gia vào TPP. Điều này đồng nghĩa với việc ưu đãi về thuế khi tham gia TPP sẽ thuộc về DN FDI.

Vậy làm sao để biến cơ hội thành hiện thực? Trả lời câu hỏi này, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, không có cách nào khác là Việt Nam phải thực sự nỗ lực để thích nghi. Để biến cơ hội thành hiện thực phát triển kinh tế, Việt Nam sẽ phải nỗ lực vượt qua những sóng gió lớn, để nâng cao vị thế của mình; cần phải có những cải cách triệt để, trong đó chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, tuyên truyền phố biến là yếu tố quan trọng và then chốt để phát triển bền vững. Ngoài ra, cần theo dõi sát sao các thông tin, lộ trình cam kết về AEC, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... từ đó đưa ra định hướng đúng, xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý. Quan trọng hơn, cộng đồng DN phải có lộ trình thích nghi, thay đổi phù hợp bởi nếu rào cản thuế quan được gỡ bỏ hoàn toàn và mang lại lợi ích kinh tế lớn thì quy tắc xuất xứ nổi lên như một rào cản mới. Và để được hưởng các ưu đãi trên thì hàng hóa các nước trong khối ASEAN phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ theo tỷ lệ được quy định với từng mặt hàng. Để có thể thích nghi được vào “sân chơi chung” AEC và TPP, Việt Nam sẽ còn rất nhiều việc phải làm ngay từ những tháng đầu năm 2015. Tuy không thể giải quyết ngay trong “ngày một, ngày hai” nhưng đã tới lúc các ngành, các cấp, cũng như mỗi DN cần phải khởi động để cởi bỏ dần những nỗi lo khi hai cơ hội vàng AEC và TPP đang dần trở thành hiện thực.

Tài liệu tham khảo:

1. Thách thức khi Việt Nam tham gia TPP, Viện Nghiên cứu Kinh tế Quản lý Trung ương;

2. Các website: tapchitaichinh.vn; Saigonnline.vn; chinhphu.vn; Cafef. vn; thediplomat.com; Channelnewsasia.com; Insidertrade.com; businessspectator.com.au; dfat.gov.au/fta/tpp.