Kỳ vọng xuất khẩu dệt may với 3 kịch bản

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Dệt may trong nhiều năm liền là mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất. Với kết quả của 7 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này cả năm 2013 có thể vượt qua mốc 18 tỷ USD.

 Kỳ vọng xuất khẩu dệt may với 3 kịch bản
Mặt hàng dệt may của Việt Nam hiện có mặt ở trên 50 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nguồn: internet

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7/2013, kim ngạch dệt may đã đạt 9,702 tỷ USD, cao hơn mức cả năm từ 2009 trở về trước; tăng 17,1% hay tăng 1,417 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2012.

Tính khả thi về mốc kim ngạch xuất khẩu 18 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm 2013 được dự báo theo 3 kịch bản.

Thứ nhất, nếu kim ngạch dệt may mỗi tháng trong 5 tháng cuối năm bằng với mức bình quân 7 tháng đầu năm (tức đạt 1,386 tỷ USD/tháng), kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm sẽ đạt 16,63 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2012. Đây là tốc độ tăng khá thấp so với tốc độ tăng của các kỳ từ đầu năm tới nay.

Thứ hai, nếu tốc độ tăng của kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm đạt bằng với tốc độ tăng so với cùng kỳ của 7 tháng đầu năm 2012 (tăng 17,1%, với kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2012 đạt 15,093 tỷ USD), thì kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2013 sẽ đạt 17,674 tỷ USD. Tốc độ tăng này cao hơn tốc độ tăng chung và tốc độ tăng của tháng 7 còn cao hơn nữa, nên kỳ vọng những tháng tới có thể tăng cao hơn tốc độ tăng của 7 tháng.

Thứ ba, nếu kim ngạch xuất khẩu bình quân 1 tháng trong 5 tháng cuối năm đạt bằng với mức của tháng 7 (mức khá cao, tăng tới 21,9% so với tháng 7) và cao hơn nhiều so với kim ngạch xuất khẩu bình quân (hơn 1,314 tỷ USD/tháng của 6 tháng đầu năm), thì kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm 2013 sẽ đạt 18,78 tỷ USD, tăng tới 24,4% so với năm 2012. Đây là tốc độ tăng khá cao, chưa có kỳ nào từ đầu năm đến nay đạt được.

Dung hoà các kịch bản trên, có thể kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm 2013 vượt mốc 18 tỷ USD.

Kỳ vọng này vừa có tính khả thi, vừa có tính tích cực. Cần nhớ rằng, tốc độ tăng kim ngạch dệt may năm 2012 so với năm 2011 chỉ tăng 7,5%, bình quân 2 năm 2011- 2012 tăng 16%/năm.

Tăng trưởng xuất khẩu dệt may đạt được ở cả hai khu vực: Khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI. Khu vực kinh tế trong nước sau 7 tháng đạt trên 3,89 tỷ USD, chiếm 40,1% tổng số. Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 5,81 tỷ USD, chiếm 59,9% tổng số. Đó là tỷ trọng rất cao, ít người ngờ tới, nhưng được lý giải do tận dụng lực lượng lao động dồi dào và giá cả còn rẻ là một trong những mục tiêu quan trọng được các nhà đầu tư nước ngoài khai thác.

Về thị trường, mặt hàng dệt may của Việt Nam hiện có mặt ở trên 50 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Qua 7 tháng đã có 37 thị trường đạt trên 10 triệu USD, trong đó có 11 thị trường đạt trên 100 triệu USD, đặc biệt có 2 thị trường đạt trên 1 tỷ USD.

Đứng đầu trong các thị trường nhập khẩu dệt may của Việt Nam là Hoa Kỳ, qua 7 tháng, nước này đã  nhập khẩu tới 50,2% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam và là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất, chiếm 37,3% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Do vậy, việc tăng giảm kim ngạch nhập khẩu dệt may từ Việt Nam có tác động lớn đến quy mô và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và tổng kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ của Việt Nam.

Nhật Bản là thị trường lớn thứ hai, chiếm trên 12,9% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam, chiếm 16,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản từ Việt Nam.

Một số nước khác, tuy chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, nhưng lại chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào các thị trường này, như: Hàn Quốc chiếm 7% và chiếm 18,9%; Đức chiếm 3,7% và chiếm 9,9%; Tây Ban Nha chiếm 2,7% và chiếm 21,6%; Anh chiếm 2,7% và chiếm 12,3%; Canada chiếm 2,2% và chiếm 26,4%...

Nhìn nhận thách thức

Tuy nhiên, sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam cũng còn một số hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ.

Trước hết là tính gia công còn lớn, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển. Mặc dù, nếu tính trực tiếp, thì ngành này đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu, nhưng kim ngạch nhập khẩu các nguyên vật liệu, phụ liệu trực tiếp (cho cả việc sản xuất sản phẩm tiêu thụ trong nước và sản xuất sản phẩm cho cả xuất khẩu) vẫn còn khá lớn.

Trong 7 tháng, nhập khẩu bông 675 triệu USD, xơ sợi các loại 871 triệu USD, vải các loại 4,708 tỷ USD, nguyên phụ liệu dệt may, da giày 2,105 tỷ USD... Đó là chưa kể một số hoá chất, một số loại dầu...

Hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, do hiệu quả đầu tư, năng suất lao động còn thấp; chất lượng, mẫu mã chuyển biến chưa nhiều. Sản xuất và xuất khẩu dệt may chủ yếu khai thác lợi thế về giá nhân công còn rẻ. Do vậy, tiền lương của người lao động còn thấp, cường độ lao động cao... Hàng dệt may của Việt Nam còn bị cạnh tranh trên sân nhà với hàng nhập khẩu và cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu.