Avinash Satwalekar - Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Đầu tư VCBF:

Lạc quan vào môi trường đầu tư Việt Nam


Đó là nhận định của ông Avinash Satwalekar - Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Đầu tư của Công ty Liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF) trong bài viết gửi đến Tạp chí Tài chính dịp đầu Xuân Đinh Dậu 2017…

Năm 2016, nền kinh tế Việt Nam duy trì đà tăng trưởng cao với GDP tăng 6.2%. Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tiếp tục gặt hái được lợi nhuận cao khi chỉ số VN-Index tăng 14.8%, đánh dấu năm năm tăng trưởng liên tiếp của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Avinash Satwalekar - Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Đầu tư Công ty Liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF).

Ông Avinash Satwalekar - Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Đầu tư Công ty Liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF).

Tại thời điểm cuối năm 2016, lợi nhuận của cả hai quỹ mở của VCBF đều vượt xa lợi nhuận tham chiếu với Quỹ Đầu tư cân bằng chiến lược (TBF-VCBF) đạt lợi nhuận 15,5% so với lợi nhuận tham chiếu 11,0% và Quỹ Đầu tư cổ phiếu hàng đầu (BCF-VCBF) đạt lợi nhuận 18,4% so với lợi nhuận tham chiếu 7,0%.


Năm 2016 là một năm đặc biệt với đầy những diễn biến bất ngờ. Đây là năm con Khỉ và thực tế diễn biến của thị trường vốn toàn cầu có vẻ trùng khớp với tính khí của loài vật này.

Năm 2016 bắt đầu với nỗi lo tăng trưởng từ Trung Quốc, rồi đến sự kiện Anh quyết định rời Liên minh Châu âu, và kết thúc với chiến thắng bất ngờ của Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ.

Năm qua cho thấy rủi ro chính trị không còn là vấn đề riêng của các thị trường mới nổi. Trên thực tế, rủi ro chính trị đã trở thành một rủi ro hiện hữu ở các thị trường phát triển và có thể sẽ còn tiếp diễn trong tương lai gần, và do đó sẽ có thể làm gia tăng sự không chắc chắn ở các thị trường vốn toàn cầu.

Sự khác biệt giữa rủi ro và sự không chắc chắn là rủi ro có thể được định giá, còn sự không chắc chắn (các cú sốc) thì lại không thể định giá, và do đó tạo ra biến động.

Năm 2017 có thể cũng sẽ khó dự đoán được như năm 2016 với các cuộc bầu cử sẽ diễn ra tại Pháp, Đức, và Hà Lan, và kết quả các cuộc bầu cử này có thể sẽ quyết định số phận của Liên minh châu Âu. Trung Đông tiếp tục bất ổn và căng thẳng leo thang gần đây giữa Israel và Palestine đã làm mọi thứ đảo lộn.

Bất chấp các diễn biến không dự báo được trên toàn cầu, Việt Nam vẫn tăng trưởng vững vàng trong năm 2016. Điều này được thể hiện trên các khóa cạnh sau:

Thứ nhất, tăng trưởng GDP, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong hai quý đầu, đã kết thúc tốt đẹp ở mức 6,2%. Tăng trưởng kinh tế được dẫn dắt bởi ngành sản xuất và xây dựng. Chỉ số PMI thể hiện sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế và đó là một trong những cơ sở để Chính phủ lạc quan với mục tiêu tăng trưởng 6,7% của năm 2017.

Thứ hai, vốn đăng ký của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, ghi nhận 20,9 tỷ USD trong năm 2016. Đây là năm thứ tư liên tiếp vốn FDI đăng ký đạt trên 20 tỷ USD. Quan trọng hơn, vốn FDI giải ngân tức là vốn thực sự đầu tư vào đất nước là 15,8 tỷ USD, tăng 9,0%. FDI là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.

Mặc dù, chúng ta đã mong chờ Mỹ phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng điều này hiện không xảy ra dưới chính quyền của Trump.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy khả năng sẽ có một phiên bản "TPP 2.0" để giải quyết các vấn đề mà Tổng thống D.Trump thấy quan trọng. Dù thế nào, chúng tôi vẫn tự tin vào khả năng thu hút vốn FDI của Việt Nam dựa trên cơ sở các hiệp định tự do thương mại đã được ký kết trong vài năm qua và sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc của các doanh nghiệp FDI.

Cuối cùng, thị trường vốn cũng ghi nhận sự phát triển nhờ vào việc Chính phủ quyết liệt cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Một số doanh nghiệp lớn đã được niêm yết cuối năm 2016 góp phần gia tăng đáng kể sự hấp dẫn đầu tư của Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2017 và những năm sau.

Bên cạnh nhiều điểm tích cực thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam, chúng tôi cho rằng cũng có một vài vấn đề cần quan tâm trong năm 2017 như:

Một là, sự gia tăng nợ công và những hệ lụy. Ngân hàng Thế giới đánh giá mức nợ công chiếm 64,6% GDP trong năm 2016 là một thách thức  và nếu mức này tiếp tục tăng sẽ làm giảm khả năng thực hiện đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng vốn rất cần thiết đối với Việt Nam.

Hai là, nếu Mỹ dần dịch chuyển sự quan tâm khỏi châu Á, Việt Nam có thể phải đương đầu với một nước Trung Quốc quyết liệt hơn.

Cuối cùng, định giá cổ phiếu tại Việt Nam đang dần tăng lên trong vài năm qua và hiện đang tiệm cận mức định giá của các thị trường trong khu vực do Việt Nam đã được các nhà đầu tư "tái phát hiện" trong vài năm qua.

Bước sang năm 2017, một số yếu tố bên ngoài sẽ có ảnh hưởng đến các thị trường như khả năng các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tác động đến việc đi vay và chi tiêu của doanh nghiệp, hay gần hơn đối với Việt Nam là sự tác động từ xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại và từ mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc.

Dù vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục lạc quan về tương lai dài hạn và sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Là nhà đầu tư cơ bản dài hạn, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm các công ty có sự tăng trưởng mạnh mẽ liên tục, có đội ngũ quản lý giàu năng lực và định giá cổ phiếu hợp lý.

Chúng tôi tin rằng, với môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch, kinh tế vĩ mô ổn định, năm 2017 Việt Nam tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng theo mục tiêu đề ra. Cùng với một danh mục đầu tư của VCBF sẽ đem lại sự tăng trưởng tài sản cho các Quý nhà đầu tư, các khách hàng khi đặt niềm tin vào VCBF.