Lãi suất ngoại tệ về 0%, GDP tăng mạnh

Theo chinhphu.vn

Lãi suất tiền gửi bằng USD về mức 0%, GDP 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ, nhiều đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam từ các tổ chức nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp trong nước... là những thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Lãi suất USD còn 0%

Trong một quyết định đưa ra hồi đầu tuần, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm; mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm từ ngày 28/9.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết trong quá trình chỉ đạo điều hành chính sách, cơ quan này luôn quán triệt phương châm nâng cao vị thế của VND và thực hiện từng bước việc hạn chế đôla hóa theo chủ trương của Chính phủ.

Theo đó, những năm qua, NHNN đã giảm dần trần lãi suất huy động ngoại tệ xuống còn 0,25%/năm áp dụng đối với tổ chức và 0,75%/năm áp dụng đối với cá nhân. Với cách thức điều hành này, cùng với sự phối hợp đồng bộ các giải pháp công cụ về tiền tệ và ngoại hối đã đem lại sự ổn định cho thị trường tiền tệ và ngoại hối trong những năm qua.

Vị đại diện NHNN đánh giá thị trường tiền tệ và ngoại hối thời gian qua “về cơ bản là ổn định”, tuy nhiên, vẫn có một bộ phận tổ chức, cá nhân “có biểu hiện găm giữ ngoại tệ”.

Chính vì thế, NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động ngoại tệ về 0%/năm áp dụng với tổ chức và 0,25%/năm áp dụng với cá nhân nhằm nâng cao sức hấp dẫn của VND và từ đó hạn chế tình trạng “đô la hóa”.

Ngân hàng ANZ và nhiều chuyên gia kinh tế trong nước nhận định động thái này làm giảm hấp dẫn của việc gửi tiết kiệm USD, đồng nghĩa với việc tăng lợi thế cho đồng VND, đồng thời việc này không ảnh hưởng đến thanh khoản USD và là “dấu hiệu rõ ràng về chính sách chống đô la hóa”.

GDP tăng cao, thêm nhiều kỳ vọng

Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2015 ước tính tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó quý I tăng 6,12%, quý II tăng 6,47% và quý III tăng 6,81%.

Trong mức tăng 6,50% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,08%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,57%, đóng góp 3,12 điểm phần trăm, khu vực dịch vụ tăng 6,17%, đóng góp 2,38 điểm phần trăm.

Cũng theo cơ quan này, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 9 ước tính đạt 14,3 tỉ USD, tăng 1,2% so với tháng trước.

Tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 124,5 tỉ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 120,7 tỉ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng đạt 125,5 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng 12,6% của 9 tháng năm 2014.

“Báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam” do khối nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC công bố ngày 2/10 cho biết do mức tăng trưởng GDP quý III cao hơn dự kiến, HSBC nâng mức dự báo GDP năm 2015 từ mức 6,3% lên 6,6%. Còn trong năm 2016, GDP của Việt Nam tăng 6,7%.

* Ở một giác độ khác, theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình sản xuất kinh doanh của DN quý III so với quý trước, có 36,6% DN được hỏi đánh giá tình hình khả quan hơn, 19,9% đánh giá gặp khó khăn và 43,5% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Đánh giá xu hướng kinh doanh trong quý IV, có 46,8% DN đánh giá sẽ tốt lên so với quý III, 14,4% dự báo kém đi và 38,8% DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

* Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu (GCR) 2015-2016 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố hôm 29/9 cho thấy, GCI của Việt Nam đạt 4,3 điểm, xếp ở vị trí 56/140 nền kinh tế được WEF khảo sát năm nay. So với mức 4,23 điểm và vị trí 68 trong số 144 nền kinh tế khảo sát kỳ 2014-2015, Việt Nam đã tăng 12 bậc.

* Theo bảng xếp hạng của World Market Indices, chứng khoán Việt Nam đã tăng 3,2% trong vòng 6 tháng tính đến cuối tháng 9/2015, trở thành thị trường tăng mạnh thứ ba tính trong khoảng thời gian này.

Xăng tăng, dầu giảm

Chiều 3/10, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, giá xăng RON 92 tăng 189 đồng/lít; xăng E5 tăng 189 đồng/lít.

Trong khi đó, giá các mặt hàng dầu được điều chỉnh giảm. Cụ thể, dầu diesel 0.05S giảm 163 đồng/lít; dầu hỏa giảm 74 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S giảm 206 đồng/kg.

Sau khi điều chỉnh, giá xăng RON 92 không cao hơn 18.139 đồng/lít; xăng E5 không cao hơn 17.644 đồng/lít. Dầu diesel không quá 13.723 đồng/lít.

* Sáng 1/10, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tổ chức lễ Khởi công xây dựng Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1. Nhà máy có diện tích khoảng 150ha, được Chính phủ giao cho TKV làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 2,2 tỉ USD.

Dự kiến, nhà máy sẽ phát điện vào năm 2020 với số giờ vận hành công suất đạt 6.000h, hằng năm cung cấp khoảng 6,6 tỉ kWh điện vào lưới điện quốc gia.

Đầu tư xây dựng 25 cầu

Trong tuần, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư 25 cầu để thay thế 31 cầu đã dừng hoặc điều chuyển sang các dự án khác, thuộc Dự án tín dụng ngành Giao thông vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2 sử dụng vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

* Ngoài ra, một cây cầu khác là cầu Yên Xuân đã chính thức được khởi công với tổng mức đầu tư hơn 900 tỉ đồng vào sáng 2/10. Đây là hạng mục bổ sung vào Dự án BOT tuyến tránh TP. Vinh và mở rộng Quốc Lộ 1, đoạn Nam cầu Bến Thủy-tuyến tránh TP. Hà Tĩnh.

Cầu đường bộ Yên Xuân bắc qua sông Lam và cách cầu đường sắt Yên Xuân hiện tại khoảng 2,5 km về phía thượng lưu. Chiều dài toàn tuyến khoảng 3,6km, trong đó chiều dài phần cầu là 1,89 km và chiều dài đường hai đầu cầu khoảng 1,4 km.