Làm cách nào để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam?

Theo Anh Quyền/kinhtevadubao.vn

Mục tiêu ngành Nông nghiệp đặt ra trong năm 2018 là tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành tăng khoảng 3%, kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là giải pháp hữu hiệu.

Xuất khẩu nông sản còn nhiều thách thức. Nguồn: Internet
Xuất khẩu nông sản còn nhiều thách thức. Nguồn: Internet

Nhiều thách thức

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu đến 180 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt đã tiếp cận được các thị trường khó tính, như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Canada. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng và thặng dư, góp phần cải thiện cán cân thương mại. Giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 32,1 tỷ USD năm 2016 và năm 2017 ước đạt mức 36,4 tỷ USD, với 10 nhóm ngành hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD: gạo, cà phê, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ, sắn, tiêu, điều, cao su, tôm và cá tra.

Có thể nói, 2017 là năm đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hoạt động xuất khẩu nông sản, với việc gia tăng các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, trước mắt hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam còn nhiều thách thức.
Theo ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xu hướng gia tăng bảo hộ của các nước đối với lĩnh vực nông nghiệp đang ngày càng gia tăng, kể cả các nước lớn, như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc...
Bên cạnh đó, việc đàm phán mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vào các nước càng ngày càng khó khăn và kéo dài (trung bình từ 5 - 7 năm). Các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm của các nước đối với hàng nông sản nhập khẩu ngày càng thắt chặt.

Trong khi đó, ông Bùi Huy Hoàng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho biết: Năm 2018, cơ hội xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc có rất nhiều thuận lợi, nhưng sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn ở thị trường chủ lực này do Trung Quốc hiện đang xây dựng các hàng rào kỹ thuật rất chặt chẽ về hàng nông sản nhập khẩu, đi đôi với việc tăng cường kiểm tra. Cùng với đó, nông sản Việt Nam cũng đang chịu cạnh tranh rất gay gắt với nông sản của nhiều nước trong khu vực tại thị trường Trung Quốc, nhất là với Thái Lan, Đài Loan. Đặc biệt đối với mặt hàng gạo, bên cạnh Thái Lan, gần đây Campuchia cũng nổi lên là đối thủ rất lớn của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. 

Cần tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020 của Ngành. Mục tiêu ngành Nông nghiệp đặt ra trong năm 2018 là tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành tăng khoảng 3%, kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, cần phải nâng cao giá trị xuất khẩu của các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Theo đó, việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là giải pháp hữu hiệu.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, ông TS. Đặng Kim Khôi - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, hiện nay, nông sản Việt Nam đang tham gia ở khâu thấp nhất, phần lớn sản phẩm xuất khẩu ở dạng thô, sơ chế với hàm lượng giá trị gia tăng nội địa thấp. Gần 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến còn hạn chế, chất lượng và giá trị xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Nông sản Việt Nam chủ yếu cạnh tranh bằng giá thấp và số lượng.

“Gắn việc thúc đẩy tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu trong các chiến lược phát triển ngành thông qua: Tích hợp chuỗi giá trị vào trong các chính sách phát triển ngành nông nghiệp; Xây dựng các mục tiêu chính sách cụ thể tăng khả năng đưa nông sản gắn với từng khâu trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu bền vững” ông Sơn đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Sơn cho rằng, cần xây dựng môi trường thể chế chính sách thuận lợi thúc đẩy các chủ thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời khuyến khích các chủ thể trong nền kinh tế tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, đặc biệt là doanh nghiệp thông qua tăng cường các chính sách thu hút đầu tư doanh nghiệp vào sản xuất, chế biến thông qua đổi mới chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận các nguồn lực.

Theo TS. Hồ Thanh Thủy (Viện Kinh tế Chính trị học), để thúc đẩy các sản phẩm nông sản Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các trường đại học, các viện nghiên cứu và các nhà khoa học tạo ra ngày càng nhiều các sản phẩm khoa học – công nghệ có chất lượng cao phục vụ nông nghiệp.

“Cần tiếp tục tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, có khả năng đề kháng tốt trước dịch bệnh. Công nghệ sinh học tập trung giải quyết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và góp phần cải thiện môi trường nông nghiệp, nông thôn để tạo ra một nền nông nghiệp sạch, bền vững”, TS. Thủy nói.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần cung cấp thông tin, như: Các định hướng lớn, sản phẩm nông sản, việc đàm phán mở cửa thị trường để trên cơ sở đó cho các tham tán thương mại tại các nước có thông tin làm việc hỗ trợ cho sự phát triển.

Cùng với đó, ông Vượng cũng đề nghị các tham tán thương mại các nước thường xuyên cung cấp thông tin, đặc biệt là các thông tin thị trường, phân tích về thị trường để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có định hướng xuất khẩu vào những thị trường nào có lợi thế hơn.

“Các tham tán thương mại cũng cần thường xuyên chủ động để phối hợp để làm tốt hơn nhiệm vụ xúc tiến thương mại, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, tăng cường trao đổi thông tin thị trường để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đáp ứng được các yêu cầu của các quốc gia khó tính”, Thứ trưởng Vượng nói.