Làm gì để giảm thiểu chương trình "giải cứu" nông sản?

Theo Nguyễn Trang/nhadautu.vn

Tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2018 diễn ra sáng 24/4, các chuyên gia khuyến cáo, việc đổi mới và ứng dụng công nghệ trong phát triển chuỗi cung ứng nông sản sẽ giúp hạn chế bớt các chiến dịch “giải cứu” lâu nay.

Chuỗi cung ứng nông sản hoạt động chưa hiệu quả. Nguồn: internet
Chuỗi cung ứng nông sản hoạt động chưa hiệu quả. Nguồn: internet

Chuỗi cung ứng nông sản hoạt động chưa hiệu quả

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, đến nay cả nước có khoảng 700 chuỗi giá trị nông sản an toàn nhưng chỉ 50% chuỗi hoạt động có hiệu quả. Các chuỗi nông sản hoạt động thấp là do chi phí giao dịch cao, công nghệ chế biến thấp, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Các chuỗi nông sản hoạt động thấp là do chi phí giao dịch cao, công nghệ chế biến thấp, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Khó khăn nhất trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp là chưa tìm kiếm được doanh nghiệp đầu tàu đồng hành cùng nông dân. Ngoài ra, nhận thức của người dân về tổ chức sản xuất, xây dựng kế hoạch, kiểm soát lẫn nhau khi hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp còn hạn chế.

“Khó khăn lớn nhất trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp là lựa chọn và tìm kiếm được doanh nghiệp đầu tàu, các doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo, sản xuất nhỏ, vùng sâu xa. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về vấn đề tổ chức sản xuất cùng xây dựng, kiểm soát lẫn nhau khi hợp tác với doanh nghiệp còn hạn chế”, TS. Đào Thế Anh nói.

PGS, TS Nguyễn Đức Thành - Đại diện cơ quan điều phối Liên minh Nông nghiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho biết, đổi mới chuỗi cung ứng bằng cách áp dụng khoa học công nghệ hiện đại là một hướng đi mới giúp doanh nghiệp trao đổi hiệu quả hơn với khách hàng, sản phẩm nông nghiệp làm ra đáp ứng được yêu cầu của thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Các chuyên gia cho rằng, để chuỗi giá trị nông sản phát triển bền vững, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn với lãi suất thấp để thu mua sản phẩm cho người dân với giá ổn định; cải cách các hiệp hội ngành hàng để tăng cường quản trị và năng lực cạnh tranh chuỗi.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác công tư, đầu tư cơ sở hạ tầng với các doanh nghiệp nước ngoài để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất nông sản quy mô lớn theo hướng tập trung, hiện đại để doanh nghiệp có thể áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu…

Ứng dụng công nghệ Blockchain vào nông nghiệp

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Lina Network, Vũ Trường Ca cho biết, Blockchain được nhắc đến nhiều qua Bitcoin. Nhưng đó chỉ là một ứng dụng nhỏ của công nghệ này. Khi áp dụng trong chuỗi cung ứng thì khách hàng có thể cập nhật ngay các thông tin liên quan đến sản phẩm. Chi phí truy xuất nguồn gốc cũng giảm rất mạnh, thậm chí có thể là 0 đồng. Bởi lẽ chi phí cho bộ giải pháp này không tăng theo số lượng đơn vị sử dụng.

Giải pháp Lina Network được xây dựng trên nền tảng Ethereum Blockchain, tối ưu bằng thiết kế lai để bảo đảm việc theo dõi nguồn gốc sản phẩm theo thời gian thực. Với chuỗi cung ứng thông thường có các điểm mù, ví dụ như người bán có gửi đủ đơn đặt hàng không thì blockchain cho phép thể hiện chi tiết một tài sản trong hệ thống đang ở đâu, trạng thái thế nào và ai đang nắm giữ tài sản đó. Ngoài ra, các tổ chức trong chuỗi cung ứng sản phẩm có thể dự đoán khi sản phẩm tới nơi có trạng thái thế nào. Đặc biệt, vì dữ liệu trong blockchain là minh bạch với mọi người và được cập nhật tức thời nên có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm ở mọi thời điểm…

Theo ông Trường Ca, việc ứng dụng blockchain vào trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp có thể tạo niềm tin với người tiêu dùng về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm của mình cung cấp.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được dự báo sẽ tạo ra động lực thúc đẩy sản xuất phát triển theo chiều sâu, tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu, giảm tác hại môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ thích hợp tới từng người tiêu dùng, thúc đẩy mạnh mẽ năng lực sản xuất. Trong bối cảnh chung đó, nông nghiệp 4.0 bao gồm nhiều ứng dụng cách mạng đa dạng, từ các thiết bị cảm biến và công nghệ kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo, các thiết bị bay tự động, robot nông nghiệp, quản trị trang trại thông minh, ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý và truy xuất nguồn gốc...