Lạm phát năm 2017: Nhận diện các yếu tố tác động

TS. Nguyễn Ngọc Tuyến

Lạm phát được xác định là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô ở Việt Nam từ trước tới nay. Nhận thức rõ vai trò của lạm phát, trong những năm gần đây, Chính phủ đã xác định mức cụ thể và coi lạm phát hàng năm là một chỉ tiêu phải được kiểm soát một cách chặt chẽ bên cạnh các chỉ tiêu kinh tế quan trọng khác. Phân tích diễn biến chỉ số giá tiêu dùng năm 2016 cũng như nhận diện những yếu tố tác động, bài viết đưa ra một số dự báo lạm phát trong năm 2017.

Chính phủ đã xác định mức cụ thể và coi lạm phát hàng năm là một chỉ tiêu phải được kiểm soát một cách chặt chẽ. Nguồn: Internet.
Chính phủ đã xác định mức cụ thể và coi lạm phát hàng năm là một chỉ tiêu phải được kiểm soát một cách chặt chẽ. Nguồn: Internet.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng đáng kể trong năm 2016
Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 xác định: “Chỉ tiêu lạm phát năm 2016 là dưới 5%”. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, diễn biến lạm phát năm 2016 được biểu hiện cụ thể ở một số nội dung sau:
Thứ nhất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2016 tăng 4,74% tăng đáng kể so với năm 2015, chấm dứt xu hướng giảm dần trong 5 năm trở lại đây. Thống kê cho thấy, CPI tháng 12/2016 tăng so tháng 12 năm trước là 4,74%. Nếu xem xét cả giai đoạn từ năm 2011- 2016 có thể thấy, CPI  liên tục giảm từ 2011 – 2015, cụ thể năm 2011 CPI tăng 18,13%; năm 2012: 6,81%; năm 2013: 6,04%; năm 2014: 1,84%; năm 2015: 0,63% và mức tăng 4,74% của năm 2016 đã chấm dứt xu hướng giảm liên tục của CPI trong giai đoạn 5 năm gần đây.
Lạm phát năm 2017: Nhận diện các yếu tố tác động - Ảnh 1 
Thứ hai, so với năm 2015, CPI năm 2016 tăng với khoảng cách khá lớn, tuy nhiên mức tăng này lại không quá cao so với trung bình 5 năm (2012 – 2016) và trung bình 6 năm (2011 – 2016). Nếu mức tăng 4,74% năm 2016 so với 0,63% của năm 2015 thì CPI năm 2016 đã có mức tăng với khoảng cách khá lớn so năm trước. Mức trung bình 5 năm (2012-2016) là 4,01% và trung bình 6 năm (2011 – 2016) là 6,36%.
Thứ ba, mức tăng CPI thực tế gần sát với mức dự kiến của Chính phủ, điều này chứng tỏ công tác quản lý, điều hành giá đã ngày càng chủ động, có hiệu quả và cơ bản là đạt được mục tiêu đề ra.
Nếu xem xét riêng về mức độ tăng CPI thực hiện các năm 2011 – 2016 so với dự kiến thì chênh lệch giữa số thực hiện và số dự kiến còn khá lớn. Trong khoảng thời gian, chỉ có 2 năm CPI thực hiện và CPI dự kiến là gần sát với nhau (năm 2013, chỉ tiêu dự kiến là 6,5% và thực hiện là 6,04%; năm 2016, dự kiến là dưới 5% và thực hiện là 4,74%), còn lại là có chênh lệch với khoảng cách lớn giữa số thực hiện và số dự kiến. 
Lạm phát năm 2017: Nhận diện các yếu tố tác động - Ảnh 2
Nếu xem xét trong cả một giai đoạn, công tác quản lý, điều hành giá cả tiêu dùng của Chính phủ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo số liệu thống kê về diễn biến CPI các năm và chỉ tiêu dự kiến từ đầu năm trong giai đoạn 2011- 2016 cho thấy, trong suốt cả giai đoạn, duy nhất năm 2011 là năm CPI thực hiện (18,13%) cao hơn nhiều so với chỉ tiêu dự kiến đầu năm (7%), còn lại các năm từ 2012 – 2016, chỉ tiêu CPI thực hiện đều thấp hơn chỉ tiêu dự kiến.

Nếu tính chung cả giai đoạn 2011 – 2016, CPI bình quân dự kiến từ đầu năm tăng là 6,75%/năm, còn số liệu về tình hình thực hiện CPI bình quân năm tăng là 6,36%. Như vậy, khoảng cách sai lệch giữa chỉ tiêu thực hiện so với kế hoạch là không lớn, số thực hiện chủ yếu thấp hơn số dự kiến. Điều đó có nghĩa là Chính phủ đã khá chủ động trong công tác quản lý, điều hành giá, đảm bảo đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô đã đặt ra trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay. 

Điểm khác biệt lớn dễ nhận thấy của năm 2016 so với các năm trước đó là: Những năm trước, CPI tăng và chênh lệch lớn so với dự kiến đều xuất phát từ nhiều yếu tố tác động mà Nhà nước không nhận biết hoặc không đánh giá được; Còn năm 2016, yếu tố chủ yếu làm CPI tăng lại chính là xuất phát từ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ ban hành và điều này cho thấy tính chủ động trong quản lý điều hành giá của Nhà nước.

Lạm phát năm 2017: Nhận diện các yếu tố tác động - Ảnh 3

Thứ tư, năm 2016, CPI của nhóm dịch vụ y tế có mức tăng lớn nhất, tiếp đến là nhóm giáo dục. Cả hai nhóm trên là yếu tố chủ yếu tác động tới mức tăng CPI cả năm 2016. Số liệu thống kê CPI theo 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ quan trọng các năm 2013 –2016 cho thấy, trong số 11 nhóm hàng hoá, dịch vụ thì 9 nhóm là có mức độ tăng ở các năm với mức tương đương nhau và ít có biến động lớn (lương thực, thực phẩm; đồ uống, thuốc lá; may mặc, dày dép; vật liệu xây dựng; đồ dùng gia đình; giao thông; bưu chính viễn thông; văn hoá, thể thao và khác).

Riêng nhóm dịch vụ y tế và giáo dục có mức độ biến động giữa các năm là tương đối lớn. Điển hình như: CPI của nhóm dịch vụ y tế, năm 2013 tăng 18,97%; năm 2014 tăng 2,25%; năm 2015 tăng 1,79% và năm 2016 tăng cao nhất là 55,72%. Tương tự, nhóm giáo dục năm 2016 cũng có mức tăng là 10,81%.

Như vậy, trong khi phần lớn CPI của các nhóm sản phẩm hàng hoá, dịch vụ đều tăng với mức độ tương đối đồng đều nhau giữa các năm, thì việc tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục mạnh trong năm 2016 đã trở thành nguyên nhân chính đẩy CPI cả năm tăng mạnh.

 Lạm phát năm 2017: Nhận diện các yếu tố tác động - Ảnh 4

Thứ năm, CPI các tháng trong năm đều là số dương (nghĩa là đều tăng so với tháng trước), tháng sau tăng hơn tháng trước. Đây cũng là điểm khác biệt của CPI năm 2016 với một số năm trước đây.

Số liệu CPI theo tháng các năm 2014 – 2016 cho thấy, năm 2014 có 3 tháng CPI giảm (chỉ số là số âm) và năm 2015 có 4 tháng giảm so tháng trước, riêng năm 2016 thì chỉ số CPI các tháng đều là số dương (đều tăng hơn so với tháng trước). Thực tế này chứng tỏ Chính phủ đã dự báo khá chính xác về biến động của CPI các tháng và có những điều chỉnh kịp thời để ổn định thị trường và giá cả trong nước.

Thứ sáu, CPI theo tháng năm 2016 phụ thuộc nhiều vào việc điều chỉnh giá một số nhóm sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá như: dịch vụ y tế, giáo dục và giao thông. Những tháng có CPI tăng cao trên 0,5% gồm: Tháng 3 là 0,57%; tháng 5 là 0,54%; tháng 9 là 0,54% và tháng 10 là 0,83%, tương ứng với các mức tăng đó, tháng 3 dịch vụ y tế tăng 24,34%; tháng 5 nhóm dịch vụ giao thông tăng 20,9%; tháng 9 dịch vụ giáo dục tăng 7,19% và tháng 10, dịch vụ y tế tăng 10,7%.

Nếu loại trừ yếu tố giá dịch vụ y tế (sử dụng mô hình kinh tế lượng) thì CPI năm 2016 chỉ tăng ở mức khoảng 2,2 – 2,5%.

Lạm phát năm 2017: Nhận diện các yếu tố tác động - Ảnh 5

Tóm lại, sau chuỗi thời liên tiếp giảm, năm 2016, CPI đã có xu hướng tăng trở lại. Điều này cho thấy,  Chính phủ đã thực sự chủ động và công tác điều hành giá cả thị trường đã và đang được thực hiện theo hướng tích cực; Biến động về giá của một số dịch vụ như: y tế, giáo dục và giao thông là nguyên nhân chính dẫn tới việc tăng chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2016; Chính sách về tiền tệ và tài khoá của Chính phủ trong năm chưa thực sự có những tác động mạnh tới kinh tế và giá cả thị trường.

Một số dự báo về CPI năm 2017

Diễn biến CPI hàng năm phụ thuộc nhiều vào yếu tố nội tại của nền kinh tế và một số yếu tố từ những biến động về chính trị, kinh tế và xã hội thế giới. Năm 2017, các yếu tố tác động tới giá cả, thị trường Việt Nam có thể nhận diện cụ thể gồm:

Một là, một số nền kinh tế lớn có khả năng chi phối và dẫn dắt kinh tế thế giới (đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc) đang có nhiều dấu hiệu tích cực về tăng trưởng vào cuối năm 2016. Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế thế giới trong năm 2017 và tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Hai là, tình hình chính trị thế giới sẽ và tiếp tục có xu hướng ổn định hơn trong năm 2017.

Ba là, giá dầu trên thị trường thế giới năm 2017 nhiều khả năng ít biến động mạnh so với năm 2016.

Bốn là, kinh tế trong nước sẽ tiếp tục ổn định và phát triển. Tăng trưởng kinh tế năm 2017 của Việt Nam dự báo khởi sắc hơn năm 2016. Các chính sách quản lý, điều hành nền kinh tế, đặc biệt là chính sách tài khoá, tiền tệ tiếp tục thực hiện theo hướng chủ động, thận trọng, chặt chẽ, tiết kiệm và góp phần phát triển kinh tế bền vững, giá cả, thị trường ổn định.

Năm là, kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại, đồng USD sẽ mạnh lên, đặc biệt việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ làm cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam khó khăn hơn; tỷ giá có thể sẽ có biến động tăng cao hơn năm 2016 và điều này có thể tác động làm cho CPI tăng trong năm 2017.

Sáu là, giá cả một số sản phẩm, dịch vụ do nhà nước quản lý (giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện, giá nhiên liệu) tiếp tục có xu hướng điều chỉnh tăng trong năm 2017. Đây cũng là một trong những yếu tố tác động khiến cho chỉ số CPI tăng trong năm nay.

Từ cơ sở trên, có thể dự báo rằng: Nếu trong năm 2017, giá dịch vụ y tế, giáo dục tiếp tục được điều chỉnh tăng cao, thì CPI sẽ tăng trong khoảng 5 – 5,5%; còn nếu giá dịch vụ y tế, giáo dục không điều chỉnh tăng, thì CPI cả năm sẽ tăng quanh ngưỡng 3- 3,5%.         

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội tháng, năm 2016;

2. Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

3. Niên giám thống kê các năm 2015, 2016.