Lạm phát sẽ ổn định quanh mức 7%

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Tại báo cáo đánh giá kinh tế 9 tháng, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC) nhận định, những nỗ lực trong việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã đem lại cho nền kinh tế Việt Nam những kết quả tích cực trong 3 quý đầu năm 2013.

Lạm phát sẽ ổn định quanh mức 7%
Xu hướng lạm phát dài hạn đang giảm dần và ổn định quanh mức 7%. Nguồn: internet

Đặc biệt, xu hướng lạm phát dài hạn đang giảm dần và ổn định quanh mức 7%.

Mục tiêu tăng trưởng 5,5% vẫn khó

Theo đó, tăng trưởng GDP trong quý 3/2013 đạt cao hơn dự kiến (tăng 5,54%), góp phần đưa GDP 9 tháng năm 2013 đạt mức tăng (5,14%) khá hơn đôi chút so với cùng kỳ năm 2012 (5,1%, tính theo giá so sánh 2010). Dự báo do yếu tố mùa vụ, tăng trưởng GDP quý IV/2013 sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng cao hơn so với quý III/2013.

Dù vậy, mục tiêu tăng trưởng 5,5% cho cả năm 2013 sẽ vẫn khó khăn, bởi những yếu tố nền tảng tạo nên tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay đều chưa có sự hồi phục mạnh mẽ.

Cụ thể, sản xuất của nền kinh tế có xu hướng cải thiện nhưng chậm. Mặc dù chỉ số phát triển công nghiệp có xu hướng tăng dần qua từng tháng và đạt mức tăng 5,4% trong 9 tháng/2013, cao hơn so với cùng kỳ năm 2012, nhưng tốc độ tăng nhập khẩu của các mặt hàng tư liệu phục vụ sản xuất vẫn chỉ ở mức khá khiêm tốn.

Đồng tình quan điểm này của Ủy ban, một chuyên gia kinh tế bổ sung, sự khó khăn của sản xuất còn biểu hiện ở chỗ tồn kho lại có dấu hiệu tăng trở lại trong mấy tháng gần đây, dù mức độ là khá nhẹ. Việc chỉ số PMI Việt Nam của HSBC trong 4 tháng liên tiếp gần đây đều đạt dưới mức 50 điểm cũng phần nào phản ảnh những khó khăn này.

Trong khi đó, tổng cầu vẫn còn khá yếu. Với cầu tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ 9 tháng chỉ tăng 5,3%, thấp hơn nhiều mức tăng 6,7% của cùng kỳ năm 2012.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện 9 tháng năm 2013 cũng chỉ tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31,2% GDP; trong khi 9 tháng năm 2012, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 8,6% và bằng 35,8% GDP.

“Tổng cầu thấp sẽ tiếp tục là một trong những nguyên nhân khiến sản xuất của nền kinh tế trong quý IV khó có điều kiện tăng mạnh đột biến so với quý III/2013”, Ủy ban nhấn mạnh.

Lạm phát ổn định quanh mức 7%

Theo NFSC, về tổng thể, lạm phát trong 9 tháng đầu năm đã được kiểm soát ở mức thấp (tăng 4,63% so với đầu năm) và ổn định hơn so với nhiều năm trở lại đây, biểu hiện qua mức độ phân tán của tốc độ tăng CPI so với giá trị trung bình đạt mức khá ổn định trong 9 tháng năm 2013, thấp hơn nhiều so với năm 2012 và năm 2011.

Lạm phát trong những tháng gần đây, đặc biệt là trong 2 tháng 8 và 9, tăng chủ yếu là do tác động của việc điều chỉnh giá hàng hóa cơ bản, và dịch vụ công (y tế, giáo dục) và một phần do yếu tố mùa vụ mà không chịu nhiều tác động của những yếu tố cơ bản (như mở rộng chính sách tiền tệ hay chính sách tài khóa).

Phân tích kỹ các thành phần của lạm phát cho thấy, thành phần chu kì của lạm phát sau khi đạt đỉnh vào tháng 8/2011 đã liên tục giảm xuống và chạm đáy vào tháng 7/2012, thành phần này chỉ thực sự có tác động nhẹ trở lại vào tháng 7 và tháng 8/2013 và gần như không gây tác động đáng kể nào đến CPI trong tháng 9/2013.

Theo đánh giá của NFSC, xu thế này nhiều khả năng sẽ được duy trì trong những tháng cuối năm 2013. Mặt khác, thành phần xu hướng mang tính dài hạn của lạm phát đang tiếp tục giảm nhẹ và ổn định quanh mức 7%. Vì vậy tốc độ tăng CPI trong những tháng cuối năm 2013 vẫn sẽ chủ yếu phụ thuộc vào việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản.

“Lạm phát được kiểm soát trong một thời gian khá dài, xu hướng lạm phát dài hạn đang giảm dần và ổn định quanh mức 7% là những tín hiệu tích cực tạo nền tảng cho sự ổn định lạm phát cho trung hạn”, NFSC nhận định và cho rằng “Đây là mục tiêu quan trọng cần được duy trì trong giai đoạn tới nhằm tạo lập sự ổn định vĩ mô cho trung hạn của Việt Nam”.