Lấn cấn FDI dệt may

Theo Báo đầu tư

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành dệt may đang có xu hướng chững lại trong những năm gần đây.

Công lớn Theo kế hoạch, trong quý III/2012 tới, nhà máy thứ ba của Công ty TNHH Hansae Việt Nam, đặt tại Khu công nghiệp (KCN) Tân Hương (Tiền Giang) sẽ đi hoạt động, bổ sung thêm 30 triệu sản phẩm dệt may/năm. 2 nhà máy trước đó, là Hansae TP.HCM và Hansae Tây Ninh, đã đạt năng lực sản xuất khoảng 70 triệu sản phẩm dệt may/năm. Mặc dù là một năm không thuận trong kinh doanh, song quyết định đầu tư thêm 30 triệu USD của Hansae Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong top 10 doanh nghiệp FDI trong xuất khẩu, với kim ngạch đạt trên 160 triệu USD trong 5 tháng đầu năm nay.

Ông Kim Chul Ho, Tổng giám đốc Hansae Việt Nam cho biết, Công ty đang tạo việc làm cho 15.000 lao động, với mức tiền lương 4.400.000 đồng/công nhân/tháng. Đặc biệt, ông này cho biết là doanh nghiệp không lo lắng gì về đơn hàng cho cả năm 2012 như nhiều doanh nghiệp khác. “Với tốc độ xuất khẩu như nửa đầu năm nay, dự kiến năm 2012, Công ty sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu gần 400 triệu USD”, ông Kim Chul Ho nói. Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Hansae Việt Nam là một trong những doanh nghiệp FDI có công lớn trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành những năm qua.

Đặc biệt, ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Vitas khẳng định, sự tham gia của khu vực FDI trong dệt may, đặc biệt giai đoạn đầu mở cửa của kinh tế Việt Nam, đã giúp Việt Nam có tên trên bản đồ dệt may thế giới, là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu thứ 8 trên thế giới và là nhà xuất khẩu thứ 4 vào Mỹ. Như nhiều doanh nghiệp FDI khác, lợi thế của Hansae Việt Nam là mạng lưới thị trường rộng khắp và 100% sản phẩm làm ra để cung cấp cho các khách hàng nổi tiếng thế giới, dưới sự hỗ trợ của công ty mẹ là Tập đoàn may mặc Hansae Hàn Quốc. Lượng nhiều, chất ít Tổng hợp số liệu từ Vitas cho thấy, đỉnh cao của thời kỳ FDI vào ngành dệt may thuộc về giai đoạn 2000 – 2008, trong đó, đỉnh điểm là năm 2002 với 149 dự án.

Từ năm 2009 đến năm 2011, FDI bắt đầu có xu hướng giảm dần, tuột khỏi mốc 3 chữ số, đạt tương ứng là 63, 72 và 80 dự án mỗi năm. 4 tháng đầu năm 2012, có 11 dự án FDI đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 19 triệu USD. Nhưng, dù tiếp nhận hơn 1.500 dự án, nhưng tổng vốn đăng ký vào ngành dệt may không lớn như nhiều ngành công nghiệp khác, do các nhà đầu tư chủ yếu nhắm vào ngành may (vốn đầu tư thấp, nguồn nhân lực rẻ), chứ chưa để tâm vào ngành sợi, dệt nhuộm vốn yêu cầu lớn về đầu tư công nghệ, thời gian thu hồi vốn chậm. Đặc biệt, nhìn vào xuất xứ các nhà đầu tư, có thể thấy sự tham gia dày đặc của các nhà đầu tư từ Hàn Quốc. Mặc dù không phủ nhận đóng góp lớn của các doanh nghiệp này, song ngay cả Hansae Việt Nam hay hầu hết doanh nghiệp FDI khác trong ngành, hoạt động chủ yếu là gia công. Đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu hiếm khi được nhắc tới.

Theo Báo cáo Đầu tư công nghiệp Việt Nam 2011 của Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO) vừa công bố cuối tháng 6/2012, các nhà đầu tư xuất xứ từ Hàn Quốc đứng đầu bảng xếp hạng trong số các nhà đầu tư đầu tư vào các ngành công nghệ thấp, hoặc không áp dụng công nghệ tại Việt Nam. “Điều này được giải thích bởi tỷ lệ lớn các doanh nghiệp Hàn Quốc có mặt trong các ngành dệt may, da giày”, Báo cáo phân tích. Cũng không thể né tránh tình trạng chủ doanh nghiệp FDI trong ngành nợ lương, nợ thuế, bỏ trốn về nước… đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương. Còn nhớ, hồi tháng 4, không chỉ một, mà tới 3-4 cơ quan cùng truy lùng tung tích của Công ty TNHH Kwang Sung Vina (KCN Tam Phước, Đồng Nai). Lý do là công ty này đang hơn 7,4 tỷ đồng tiền thuế.

Ở một góc nhìn khác, theo ông Ân, “chất ít” trong FDI ngành dệt may một phần do chưa thu hút được doanh nghiệp lớn, đặc biệt là chưa hình thành được tổ hợp sợi, dệt, nhuộm lớn có khả năng đáp ứng được nguyên phụ liệu tại chỗ. Hiện tại, dù đạt kim ngạch xuất khẩu tới 14 tỷ USD trong năm 2011, nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu vẫn lên tới trên 9 tỷ USD. Đây là điểm yếu nhất của ngành may Việt Nam, nhưng ông Ân cũng khẳng định đây là dư địa để ngành có thể tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, nếu được cải thiện đúng hướng. “Khi đó, tức khắc sẽ có những nhà đầu tư FDI tầm cỡ vào Việt Nam để đầu tư”, ông Ân tin tưởng.