Làn sóng đầu tư ra nước ngoài đang mạnh dần

Việt Hà

(Taichinh) - Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, xu hướng đầu tư ra nước ngoài không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường mà còn tạo thêm cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài đang có xu hướng gia tăng, không chỉ ở các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước mà ở cả khu vực tư nhân.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mở rộng mạng lưới đầu tư

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam gần đây không chỉ tăng trưởng nhanh chóng ở các thị trường truyền thống, mà còn mở rộng sang các quốc gia ở châu Mỹ La - tinh, châu Phi, châu Âu; cũng không chỉ tập trung ở những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp mà sang cả dịch vụ tài chính - ngân hàng, hàng không…

Các dự án quy mô lớn tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực viễn thông, nông - lâm nghiệp tại Lào, Campuchia và một số nước thuộc châu Âu, châu Phi. Xu hướng đầu tư sang các thị trường mới nổi, nhiều tiềm năng ngày càng rõ nét.

Sau 17 dự án đầu tư ra nước ngoài đã thực hiện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mới đây vừa ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm, khai thác và thăm dò dầu khí giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Gazprom Neft. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại mỏ Dolginskoe, Lô Tây Bắc vùng biển Pechora, cũng như cơ hội hợp tác trong các dự án trên đất liền tại Liên bang Nga.

Một tên tuổi lớn trong làng viễn thông Việt Nam là Tập đoàn Viettel cũng đang triển khai nhiều dự án lớn ở nước ngoài như Campuchia, Lào, Mozambique, Haiti, Tanzania... Ông Tào Đức Thắng - Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) cho biết, Viettel hiện đang đầu tư tại 9 thị trường nước ngoài, trong đó 7 thị trường đã đi vào kinh doanh cung cấp dịch vụ, 5 thị trường đã mang lại lợi nhuận. 2 thị trường mới cung cấp dịch vụ là Cameroon và Peru dự kiến sẽ có lãi trong năm nay.

Đặc biệt, tại các nước đã kinh doanh ổn định, Viettel đều dẫn đầu thị trường về doanh thu và thị phần. Trong năm 2014, Viettel Global đạt 14.166 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 27% và 2.972 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 43% so với năm 2013. Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam... cũng đã lần lượt có các dự án đầu tư ở nước ngoài.

Đặc biệt, năm 2014 đánh dấu sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư ra nước ngoài chiếm 88,5% tổng vốn đầu tư (11,5% còn lại là vốn của doanh nghiệp nhà nước).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 109 dự án đầu tư sang 28 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký của phía Việt Nam góp là trên 1,047 tỷ USD và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 22 dự án với tổng vốn tăng thêm đạt 739 triệu USD. Tính chung tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài (gồm cả cấp mới và tăng vốn) trong năm qua đạt trên 1,786 tỷ USD.

Tập đoàn FPT đã có mặt ở 19 quốc gia như Lào, Thái Lan, Campuchia, Singapore, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Myanma... Với mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020 từ thị trường nước ngoài, Tập đoàn FPT tiếp tục đầu tư vào các thị trường cũ và khai thác thị trường mới sang châu Âu sau thành công trong thương vụ mua Công ty RWE IT Slovakia, thành viên Tập đoàn RWE chuyên hoạt động trong lĩnh vực điện và gas. Năm 2014, doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT đạt trên 170 triệu USD.

Vinamilk đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ M&A, dồn vốn cho các dự án đầu tư ra nước ngoài để gia tăng nhanh năng lực cung cấp. Hiện, công ty này đã đầu tư cổ phần tại nhà máy sữa ở New Zealand, Mỹ, Ba Lan, Campuchia. Với chiến lược đẩy mạnh M&A tại thị trường quốc tế, Vinamilk đang từng bước hiện thực hóa tham vọng đạt doanh thu 3 tỷ USD và đứng vào top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017.

Trong lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Myanmar với dự án khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center, quy mô hiện tại lên tới 550 triệu USD. Ngoài ra, Tập đoàn này còn đầu tư ra nước ngoài trong 4 lĩnh vực khác là cao su, khoáng sản, thủy điện, mía đường với tổng giá trị đầu tư trên 1 tỷ USD.

Nova Group, công ty chuyên xây dựng các dự án bất động sản lớn tại thành phố Hồ Chí Minh, đang hợp tác với tập đoàn Kerry (Ireland) để phát triển dự án tại Ireland nhằm cung cấp sản phẩm sữa bột công thức dinh dưỡng cho trẻ em trong nước.

Lãnh đạo Nova Group cho biết, sẽ đầu tư trên 50 triệu đô la Mỹ, bao gồm hợp tác xây dựng chuỗi quản lý trang trại bò hiện đại tại Ireland, nơi có lợi thế cạnh tranh về chất lượng sữa nhờ điều kiện tự nhiên về thổ nhưỡng và khí hậu tốt và xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến ngày 31/12/2014, đã có tổng cộng 19,78 tỷ USD được các doanh nghiệp Việt đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Số vốn giải ngân lũy kế tính đến hết năm 2014 vào khoảng 6 tỷ USD.

Lợi nhuận chuyển về ước khoảng 800 - 900 triệu USD. Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn giải ngân khoảng 12 - 13% không phải là con số cao nhưng cũng đã là tốt.

Xu hướng tiếp tục tăng

Cục Đầu tư nước ngoài dự báo, năm 2015, có khoảng 150 dự án, với tổng vốn đăng ký 1,5 - 2 tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư ra nước ngoài; vốn thực hiện dự kiến khoảng 1 - 1,2 tỷ USD.

Trong giai đoạn 2015 - 2017, Viettel Global dự định đầu tư mới vào 8 thị trường với tổng nguồn vốn lên đến gần 47.500 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương đã đạt được thỏa thuận với đối tác Nga về việc xây dựng nhà máy chế biến thủy sản và kho lạnh tại Moscow với mức đầu tư khoảng 30 triệu USD. Nếu công việc thuận lợi, trong năm nay, công ty sẽ bắt đầu triển khai dự án.

Trong khi đó, đầu tư ra nước ngoài với các dòng sản phẩm chiến lược, gia tăng năng lực cung ứng, đa dạng hóa sản phẩm là nhiệm vụ được Vinamilk đưa vào trọng tâm lớn trong năm 2015 và những năm kế tiếp.

Vinamilk đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhà máy 23 triệu USD tại Campuchia mà Vinamilk nắm giữ 51% vốn, có công suất 19 triệu lít sữa nước, 64 triệu hộp sữa chua và 80 triệu túi sữa đặc có đường, sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.

Tập đoàn Hoa Sen cũng định hướng đầu tư ra nước ngoài như một hướng phát triển mới, trong đó công ty đang ngắm hướng đến đầu tư ở quốc gia như Myanmar, Indonesia và Thái Lan.

Tiềm ẩn rủi ro

Bên cạnh những dự án thành công, một số dự án không triển khai được hoặc chấm dứt trước hạn, chậm tiến độ do những biến động của môi trường đầu tư, thời điểm đầu tư, do kinh doanh thua lỗ, không hiệu quả.

Nguyên nhân của tình trạng trên, bên cạnh những yếu tố chủ quan như khó khăn về vốn, quản trị chưa hiệu quả, còn do những yếu tố khách quan như sự khác biệt về thị trường, rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, thủ tục pháp lý, biến động kinh tế, chính trị tại địa bàn đầu tư và việc không lường hết các rủi ro tiềm ẩn...

Một số doanh nghiệp cho biết, họ gặp khó khăn khi giá thuê đất tăng cao, sự khác biệt về chính sách quản lý và thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó, sự tham gia của các cơ quan đại diện nhà nước ở nước ngoài như đại sứ quán, tổng lãnh sự quán hay cơ quan thương vụ chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt trong việc hỗ trợ xúc tiến đầu tư dự án.

Một số dự án đầu tư ra nước ngoài tiêu biểu

Dự án đầu tư mạng viễn thông tại Tan-da-ni-a của Viettel (355,2 triệu USD);

Dự án đầu tư mạng viễn thông tại Brun-đi của Viettel (170 triệu USD);

Dự án trồng cao su tại Campuchia của công ty cổ phần (CTCP) An Đông Mia (80,4 triệu USD);

Dự án trồng cao su tại Campuchia của CTCP Cao su Tây Ninh (64,7 triệu USD);

Dự án trồng cao su tại Campuchia của CTCP Dầu Tiếng - Kratie (63,8 triệu USD);

Dự án trồng cao su tại Campuchia của CTCP Tân Biên - Kampongthom (61,98 triệu USD);

Dự án thăm dò, khai thác dầu khí Lô PM304 tại Malaysia điều chỉnh tăng vốn thêm 465,32 triệu USD.