Lắng nghe đối tác để sử dụng ODA hiệu quả hơn

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Việt Nam mong muốn các đối tác phát triển tham gia tích cực vào quá trình sửa đổi Nghị định 38 về quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, nhằm tăng cường hiệu quả hơn nữa việc sử dụng nguồn lực ODA. Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị đánh giá tình hình triển khai kết quả diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam năm 2013 ngày 5/11.

Lắng nghe đối tác để sử dụng ODA hiệu quả hơn
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Góp ý về cách sử dụng vốn ODA

Tại Hội thảo, các đối tác phát triển cho rằng việc quản lý và sử dụng vốn ODA của Việt Nam tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, cần có lịch trình cụ thể từng nội dung chính sách và liên tục đúc rút kinh nghiệm để đỡ lãng phí nguồn lực. Các đối tác cũng mong muốn, tiếp tục triển khai các dự án về nguồn nước, vệ sinh nông thôn…

Nhấn mạnh về chất lượng nguồn nhân lực, đối tác Nhật bản bày tỏ mong muốn Việt Nam cần tập trung đào tạo kỹ sư có trình độ, công nhân có tay nghề cao nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu nhân lực của các công ty đầu tư vào Việt Nam.

Về lồng ghép các chương trình dự án, đại diện các đối tác phát triển cho rằng: Việc triển khai các dự án phát triển ví dụ như cải thiện môi trường, giảm nghèo cần được lồng ghép vào các kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm và hằng năm với sự đóng góp nhiều hơn từ các tầng lớp xã hội khác nhau trong cộng đồng.

Về vấn đề phối hợp, đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đánh giá cao sự phối hợp chiều ngang của Việt Nam, đặc biệt là Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên sự phối hợp theo chiều dọc xuống các cấp thấp hơn ở một số địa phương còn khó khăn và hạn chế. Cụ thể, đại diện USAID tỏ ra băn khoăn khi các nhà tài trợ chưa có nhiều thông tin cụ thể, cập nhật về kết quả giảm nghèo cho các đối tượng thiểu số.

Các nhà tài trợ cũng mong muốn khu vực tư nhân được tạo điều kiện để có vai trò lớn hơn. Cần sớm ban hành việc sửa đổi Nghị định 71 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Nghiêm túc khắc phục những vướng mắc

Tại Hội thảo, các cơ quan liên quan của Việt Nam đã tích cực trao đổi để cùng tháo gỡ những vướng mắc, cũng như thảo luận về các khuyến nghị của các đối tác phát triển.

Về vấn đề lồng ghép các chương trình dự án, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hiện nay cũng đã bắt đầu cũng được lấy ý kiến tại Hội đồng nhân dân (với các đại biểu tới từ các lĩnh vực khác nhau trong cộng đồng). Sau đó kế hoạch này mới gửi lên các cấp cao hơn là Bộ KH&ĐT, Chính phủ, Quốc hội. Mới đây, Chính phủ cũng đã trình dự thảo Luật Đầu tư công trong đó có đề cập đến việc theo dõi giám sát của cộng đồng.

Về vấn đề nhân lực, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, việc phân bổ ngân sách cho công tác đào tạo nghề trước đây còn nhiều khó khăn. Tuy vậy trong  những năm gần đây, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.

Trong công tác đào tạo nghề hiện nay, không còn phải lo lắng về vấn đề thiếu tiền mà quan trọng là làm sao phân bổ cho hiệu quả. Việc Chính phủ đã phê duyệt 45 trường đào tạo nghề chất lượng cao sẽ cải thiện mạnh mẽ công tác phát triển đào tạo nghề trong thời gian tới.

Về vấn đề cải thiện nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, ông Hoàng Văn Thắng Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, có nhiều hoạt động của các tổ chức phi chính phủ mà các cơ quan tại địa phương không nắm được. Do đó, ông Thắng rất mong muốn các tổ chức phi chính phủ phối hợp với Văn phòng điều phối Quan hệ đối tác Cấp nước và Vệ sinh nông thôn để cùng tháo vướng mắc, chia sẻ những kinh nghiệm tốt tại các địa phương khác nhau.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định sẽ trân trọng tiếp thu và ghi nhận các ý kiến đóng góp và lưu ý xử lý phù hợp trong điều chỉnh và hoạch định chính sách. Thời gian tới, Thứ trưởng Dũng đề nghị các cơ quan liên quan của Việt Nam cần có hướng hành động cụ thể, mạnh mẽ, thiết thực hiệu quả hơn, có sự đổi mới cách tiếp cận và sự sáng tạo phù hợp thực tiễn.

Việt Nam mong muốn các đối tác phát triển tham gia tích cực vào quá trình sửa đổi Nghị định 38 về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, nhằm tăng cường hiệu quả hơn nữa việc sử dụng nguồn lực ODA.