Lãng phí cơ hội từ FTA

Theo Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được đàm phán ký kết, thị trường tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam ngày càng mở rộng nhưng đến nay tỷ lệ tận dụng ưu đãi, từ các FTA của Việt Nam mới chỉ đạt 40%. Dường như "miếng bánh" hấp dẫn mà FTA đem lại nhiều khi mới chỉ dừng trên lý thuyết.

 Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ FTA của Việt Nam mới chỉ đạt 40%. Nguồn: Internet
Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ FTA của Việt Nam mới chỉ đạt 40%. Nguồn: Internet

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu (XK) 9 tháng đầu năm 2018, ước đạt 178.91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới.

Ai hưởng lợi?

Năm 2017, trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Việt Nam, có 28 thị trường XK đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 thị trường đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, 4 thị trường trên 10 tỷ USD (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Cũng theo Bộ Công Thương, kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều FTA quan trọng đã được ký kết thời gian qua và chuẩn bị có hiệu lực. Với 16 FTA đã và đang được đàm phán ký kết, trong đó 10 FTA đã có hiệu lực, thị trường tiêu thụ của hàng hóa Việt Nam đang ngày càng mở rộng.

Đặc biệt, 9 tháng đầu năm 2018, Bộ Công Thương tính toán, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với con số khoảng 35% của các năm trước. "Kết quả này có phần đóng góp không nhỏ của công tác tuyên truyền về hội nhập và cách thức tận dụng cam kết hội nhập, công tác cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Bộ Công Thương thời gian vừa qua", ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ FTA như vậy vẫn là một con số quá khiêm tốn so với tiềm năng có thể đạt được.

Theo ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), tính tổng giá trị, thời gian qua, FTA giúp XK hàng hóa của Việt Nam tăng mạnh song chủ yếu tăng ở khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). 9 tháng đầu năm 2018, kim ngạch XK của khối FDI chiếm tỷ trọng khoảng 71% trong tổng kim ngạch XK của cả nước.

DN FDI xuất siêu thì Việt Nam xuất siêu và ngược lại. Như vậy, với Việt Nam, mục tiêu tham gia FTA để gia tăng XK đã đạt được, song đối tượng hưởng lợi chính là DN FDI.

"Tôi cho rằng với FTA, Nhà nước đã mất nhiều công sức để tham gia đàm phán, khá tốn kém, song lợi ích đem lại chưa như kỳ vọng", ông Phương nêu quan điểm.

Dẫn chứng từ thực tiễn của ngành đồ gỗ sau hơn 2 năm FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) chính thức có hiệu lực, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, cho biết giá trị XK và tỷ lệ tận dụng các ưu đãi từ VKFTA đang nghiêng về các DN FDI của Hàn Quốc đang đầu tư, sản xuất tại Việt Nam.

DN FDI có lợi thế hiểu rõ các tiêu chuẩn, đặc trưng riêng về đồ gỗ ở thị trường Hàn Quốc, còn DN Việt Nam cần thời gian để tìm hiểu, nắm bắt thị hiếu của người dân Hàn Quốc, đồng thời phải đáp ứng các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa theo quy định của VKFTA mới được hưởng ưu đãi.

Ông Choi Dae Kyoo, chuyên gia dịch vụ hải quan và thuế (Trung tâm hỗ trợ FTA Hàn Quốc – Việt Nam), cho rằng một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến DN Việt Nam chưa tận dụng tốt ưu đãi từ VKFTA là sự thiếu hiểu biết về phương pháp quản lý xuất xứ, phân loại danh mục trong nguồn nguyên liệu cũng như những hạn chế trong việc xây dựng các chế độ công nhận lẫn nhau về chứng nhận xuất xứ.

Khẳng định FTA sẽ trở thành vô nghĩa nếu như DN Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết đối với ngành hàng dệt may, đa phần các FTA đều yêu cầu hàng hóa phải đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải trở đi.

Tuy nhiên, nhiều DN vẫn chưa đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu thay đổi cách sản xuất, qua đó tận dụng cơ hội thúc đẩy XK từ FTA, mà vẫn giữ tâm thế ngồi chờ thị trường, chờ khách hàng đến.

Không chỉ bỏ qua nhiều ưu đãi mà FTA đem lại ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, mà ngay thị trường ASEAN, nhiều DN Việt vẫn không thể nắm bắt. Thị trường ngay gần sát Việt Nam song nhiều DN cho biết vẫn thiếu vắng thông tin, chưa nắm rõ "đường đi nước bước" để tấn công thị trường đầy tiềm năng này. Trong khi đó, nhiều nước ASEAN đã và đang XK hàng hóa ồ ạt vào Việt Nam.

Tinh tế và thực dụng hơn

Theo đánh giá của các chuyên gia, ở các nước khi đàm phán các FTA, các ngành hàng liên quan đều có hiệp hội lên tiếng ủng hộ hay phản biện tùy theo quyền lợi của mình. Dựa trên lợi ích quốc gia, các đoàn đàm phán sẽ có sự "cân đong đo đếm" cho phù hợp. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có sự chuẩn bị như vậy, các DN vẫn coi đó là việc của Chính phủ.

Bên cạnh đó, để tận dụng tốt hơn cơ hội từ FTA, thúc đẩy XK hàng hóa, DN mong muốn Chính phủ và cơ quan chức năng đẩy mạnh khâu phổ biến những chính sách, thông tin, hướng dẫn DN tiếp cận được các đối tác trong từng FTA. Đặc biệt, phải nỗ lực cải thiện thể chế – đây là lực đẩy giúp DN tận dụng được các cơ hội XK.

Bởi vậy, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhấn mạnh trong lộ trình chuẩn bị cho các FTA, Việt Nam cần "tinh tế và thực dụng" hơn nữa. Đồng thời, việc các FTA này ít được nhìn nhận với vai trò thúc đẩy cải thiện thể chế kinh tế hơn cũng đặt ra rủi ro cải thiện thể chế kinh tế có độ "vênh" với các chuẩn mực quốc tế.

Do vậy, thời gian tới cần tiếp tục rà soát nội dung cam kết trong các FTA và điều ước quốc tế mà Việt Nam đang đàm phán, đã hoàn tất đàm phán và đã ký kết để có những điều chỉnh về quy định pháp luật phù hợp.

Trong đó, tiếp tục rà soát và xây dựng lộ trình giảm dần các đối xử mang tính phân biệt, khác biệt (chẳng hạn như tiếp cận đất đai, tín dụng, mua sắm chính phủ…) có thể ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DN tư nhân và DN nhà nước.

Đồng thời, nâng cao năng lực thể chế và kỹ thuật của phòng vệ thương mại, củng cố quan hệ hợp tác của Cục Phòng vệ thương mại với cộng đồng DN. Cân nhắc các yếu tố về hài hòa và hợp tác pháp lý để nâng cao năng lực và có những điều chỉnh phù hợp, không trái với cam kết.

Đặc biệt, thường xuyên tham vấn cộng đồng DN, người lao động và các nhóm xã hội khác nhằm có các biện pháp chuẩn bị phù hợp cho việc thực hiện các FTA và điều ước quốc tế khác.

Thực tế cho thấy, các FTA được ký kết đã tạo nhiều ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, từ đó góp phần gia tăng kim ngạch thương mại của Việt Nam và mở cửa dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt (Mỹ – Trung Quốc) diễn ra căng thẳng hơn, có thể ảnh hưởng rất lớn tới XK của Việt Nam. Bởi vậy, nếu không thay đổi và có sự chuẩn bị, việc bỏ lỡ các cơ hội từ FTA đem lại là một điều đáng tiếc cho chính Việt Nam.