Lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu

Theo nhandan.org.vn

(Tài chính) Ðề ra chỉ tiêu tăng trưởng 12%, nhưng cả năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt khoảng 26,33 tỷ USD, không những không đạt kế hoạch mà còn giảm 5% so với năm 2012. Bước vào năm 2014, thành phố đang hướng đến những giải pháp quyết liệt nhằm lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu tích cực của nhiều năm trước.

 Lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu
Dây chuyền sản xuất thiết bị siêu nhỏ của Công ty Sonion trong Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Nguồn: internet

Theo UBND thành phố, nguyên nhân làm cho kim ngạch xuất khẩu giảm là do mặt hàng dầu thô giảm mạnh cả về lượng (giảm 7,7%) lẫn về giá (giảm 6,1%), khiến "hụt" hơn một tỷ USD. Bên cạnh đó, do chịu ảnh hưởng nguồn cung- cầu thế giới và do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh trong nước nên giá và lượng của một số mặt hàng xuất khẩu (nhất là nhóm hàng nông, lâm, thủy, hải sản) giảm mạnh so với cùng kỳ 2012.

Cụ thể, mặt hàng gạo giảm 47,3% về lượng và 7,2% về giá; cao-su giảm 15,1% về lượng và 16,8% về giá; hạt tiêu giảm 4,9% về giá; cà phê giảm 17% về lượng và 1,9% về giá; phân bón giảm 45,3% về lượng; chất dẻo nguyên liệu giảm 38,7% về lượng...; làm giảm hơn 1,7 tỷ USD, chiếm 8,8% kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô). Theo Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân, xuất khẩu giảm cũng do trong năm 2013 thành phố quản lý chặt hơn việc xuất, nhập khẩu vàng.

Hơn nữa, thay vì tập trung phần lớn về các cảng tại thành phố như trong nhiều năm qua, thời gian gần đây, hàng hóa xuất khẩu đã bị phân tán, chia cho các cảng ở các địa phương lân cận như Bà Rịa - Vũng Tàu, Ðồng Nai, Bình Dương, nên đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu thành phố. Ngoài ra, việc đầu tư chưa đồng bộ hạ tầng cảng cũng làm giảm kim ngạch xuất khẩu của thành phố trong năm 2013.

Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu của thành phố vẫn chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và có một số lĩnh vực vẫn tăng trưởng khá tốt trong năm 2013. Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố (HAWA) Ðặng Quốc Hùng cho biết: Ngành gỗ và mỹ nghệ vẫn đang có tốc độ phát triển khá khả quan. Các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu đều khá ổn định. Thời điểm cuối năm 2013, Công ty thủ công mỹ nghệ Kim Bôi tiếp tục xuất khẩu sang Hoa Kỳ một container loại lớn và sang Nhật Bản hai container rưỡi sản phẩm mỹ nghệ với tổng giá trị hơn 80 nghìn USD...

Ước tính, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 của ngành gỗ và mỹ nghệ tăng khoảng 15% so với năm 2012. Theo ông Hùng, để duy trì và nâng cao mức tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2014, cần quản lý và kiểm soát tốt hơn giá cả của các yếu tố đầu vào và chi phí nhân công và phải bảo đảm được sự ổn định đối với hai yếu tố này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc cải tiến và đổi mới công nghệ sản xuất để nâng cao năng suất và giảm giá thành sản phẩm. Cùng với đó, Nhà nước cũng cần vào cuộc cùng cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm giải pháp cắt giảm chi phí vận chuyển nói riêng và chi phí xuất khẩu hàng hóa nói chung.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm sản xuất và xuất khẩu máy công nghiệp, Giám đốc Công ty chế tạo máy IDT Nguyễn Ðình Ðầy cho rằng, do kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn nên các doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để tìm thêm những thị trường mới. Ðồng thời, chú trọng việc nghiên cứu và phát triển những sản phẩm mới để có thể tăng sức cạnh tranh cao hơn nữa.

Còn theo Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan thành phố Phạm Xuân Hồng, dù kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thuộc hiệp hội ở thành phố tăng 15% so với năm 2012, nhưng các doanh nghiệp cũng không được chủ quan. Trong xu hướng sức ép cạnh tranh, giá cả và chi phí sản xuất sẽ tăng, cho nên trong năm 2014, các doanh nghiệp cần kiên quyết thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp mạnh hơn. Có như vậy thì mới có thể giữ vững và cải thiện được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.

Theo dự báo của các chuyên gia và hiệp hội ngành nghề, trong năm 2014, xuất khẩu của thành phố vẫn có rất nhiều cơ hội thuận lợi để tăng trưởng tốt. Chẳng hạn như thị trường Nhật Bản, sẽ có thêm nhiều cơ hội cho mặt hàng thủy sản (nhất là cá tra và tôm), nhờ nước này đã nới lỏng điều kiện nhập khẩu cũng như gia tăng nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Nhật Bản cũng là nhà nhập khẩu ngày càng nhiều các mặt hàng gỗ và mỹ nghệ từ nước ta. Các sản phẩm công nghệ cao cũng có triển vọng trong năm 2014.

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Khu Công nghệ cao thành phố đạt khoảng 2,73 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2012. Không chỉ vậy, Khu Công nghệ cao cũng đã triển khai mạnh công tác xúc tiến đầu tư, nghiên cứu, phát triển sản xuất với số dự án còn hiệu lực tăng gần gấp đôi so với năm 2012. Chính sách của thành phố đối với năm 2014 là tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao; tăng sản phẩm chế biến và chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao.

Cùng với đó, giảm dần tỷ trọng hàng thô và sơ chế; hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng xa xỉ, thiết bị công nghệ lạc hậu, hàng hóa vật tư trong nước đã sản xuất được; ưu tiên nhập khẩu vật tư, thiết bị và công nghệ tiên tiến, phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững, tập trung xuất khẩu các mặt hàng có giá trị cao... Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân cho biết, thành phố sẽ sớm phân tích, tìm nguyên nhân cụ thể hơn đối với tình hình xuất khẩu ở từng mặt hàng, từ đó sẽ đề ra giải pháp hiệu quả hơn để thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng trở lại trong năm 2014.