Lấy lại “phong độ” cho xuất khẩu

Theo kinhtevadubao.vn

Tính đến nay, tăng trưởng xuất khẩu 10 tháng mới chỉ khoảng 8,5%, trong khi đó, mục tiêu đặt ra cả năm là 10%, hơn nữa, nhiều mặt hàng giảm khá sâu cả về lượng và giá trị. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Xuất khẩu 10 tháng đạt 81,6% kế hoạch năm

Theo Bộ Công Thương, nếu như năm 1986, kim ngạch xuất khẩu cả nước chỉ đạt 789 triệu USD thì đến năm 2014, con số này đã hơn 150 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình giai đoạn 1987-2014 đạt 25,5%, gấp nhiều lần tốc độ tăng GDP trung bình của giai đoạn này (6,9%). Nhiều mặt hàng, như: hạt điều, gạo, thủy sản, dệt may… kim ngạch xuất khẩu thuộc top đầu thế giới. Nhìn chung, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế cả nước.

Tuy nhiên, trong 10 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu mới chỉ đạt gần 134,6 tỷ USD, bằng 81,6% kế hoạch năm, tăng trưởng xuất khẩu khoảng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, mục tiêu cả năm là 10%.

Trả lời phỏng vấn trên Báo Hải quan điện tử, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, để đạt được mục tiêu cho cả năm, bình quân 2 tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu phải đạt gần 15,2 tỷ USD/tháng..

Theo Thứ trưởng Tuấn Anh, nguyên nhân khiến xuất khẩu chưa đạt mục tiêu là do ảnh hưởng từ khó khăn chung của tình hình thế giới. Đặc biệt, có những mặt hàng giá giảm sâu như nguyên liệu khoáng sản (dầu thô, than đá); nông, lâm, thủy sản (tôm, gạo…) khiến cho kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 8,5%. Theo đó, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (tôm đông lạnh, thủy sản chế biến, nông lâm thủy sản sơ chế) chịu tác động mạnh của thị trường thế giới, kim ngạch giảm đến 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do thị trường thế giới liên tục giảm giá nhiều mặt hàng. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh rất mạnh, nhưng sản phẩm Việt Nam lại chưa được định hình về chất lượng và thương hiệu nên chịu nhiều thua thiệt, không đáp ứng được hàng rào kỹ thuật của quốc gia nhập khẩu…

Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam vẫn ở mức thấp. Khoảng 90% nông sản xuất khẩu ở dạng thô hoặc sơ chế, chất lượng thấp; mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu gia công, lắp ráp cho nước ngoài. Thêm nữa, do chưa có thương hiệu, hàng Việt Nam xuất khẩu phải chấp nhận giá bán thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại. Đơn cử như giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan từ 3%-5%. Cá tra hiện chiếm hơn 90% thị phần thế giới nhưng giá bán thấp hơn 20%-30% sản phẩm tương tự.

Cần tận dụng lợi thế từ hội nhập

Trước bối cảnh hội nhập sâu rộng, xuất khẩu nước ta càng đứng trước nhiều sức ép và thách thức. Dẫn lời Thứ trưởng Trần Tuấn Anh trên Báo điện tử Chính phủ, ông cho biết, giải pháp trong thời gian sắp tới, cần đồng bộ giữa các bộ, ngành, tạo ra các “cú hích” và tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận phát triển thị trường một cách bền vững.

Trong đó có thể kể ra một số giải pháp cụ thể, như: hỗ trợ tín dụng, nguồn nhân lực, hạ tầng giúp doanh nghiệp có điều kiện đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, tăng khả năng tiếp cận các thị trường mới; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đặc biệt là các thị trường đã dày công đàm phán các hiệp định thương mại tự do, như: Nhật, Hàn, Liên minh Kinh tế Á-Âu…

Bên cạnh đó, việc thông tin cho doanh nghiệp để tiếp cận hệ thống phân phối của những thị trường đó cũng là yếu tố quan trọng bởi chỉ có thể phát triển được nếu tìm được các đối tác và xây dựng hệ thống phân phối ổn định.

Các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá các thị trường sở tại đang rất cần đến vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Đồng thời, cần phổ biến, giới thiệu, hướng dẫn về các hiệp định thương mại tự do mới đã hoặc sắp ký kết. Điều này không chỉ giúp cho cộng đồng doanh nghiệp mà còn cả người dân và xã hội, để có được có sự đồng thuận cao, hỗ trợ cho nền kinh tế.

Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, tận dụng cơ hội từ hội nhập, mới đây, Bộ Công Thương đang tổ chức lấy ý kiến nhằm xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thời kỳ 2015 – 2020, định hướng đến năm 2030”.

Đề án xây dựng với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới thông qua tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu của “Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030”.

Dẫn lời ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất - nhập khẩu (Bộ Công Thương) tại buổi lấy ý kiến xây dựng Đề án cho biết, Dự thảo cần chú trọng 3 yếu tố quan trọng:

Thứ nhất, bám sát vào Quy hoạch các ngành sản xuất đã được phê duyệt để lựa chọn mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Thứ hai, gắn chặt mục tiêu đề án với khung khổ hội nhập ta đã và đang tích cực triển khai.

Thứ ba, cần có giải pháp để huy động sự “vào cuộc” của hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp bởi đây chính là lực lượng quan trọng nhất giúp hàng hóa nâng cao sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Đề án cũng cần đánh giá và vạch ra giải pháp mang tính lâu dài; định hướng để sản phẩm có thể tham gia tốt vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Có như vậy, sản phẩm mới có năng lực cạnh tranh tốt, xuất khẩu bền vững.