Liên kết vùng: “Điểm tựa” thu hút đầu tư

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Liên kết vùng theo chiều dọc hiện nay đang được xem là nguyên nhân của tình trạng nhiều “nền kinh tế” trong một nền kinh tế quốc gia.

Liên kết vùng: “Điểm tựa” thu hút đầu tư
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Bằng chứng rõ ràng là việc chạy đua quyết liệt trong trong việc xây dựng những dự án các loại trên địa bàn các tỉnh mà từ lâu, cả trên phương tiện truyền thông cũng như các diễn đàn chính thức, chúng được xem như những “phong trào”, những “hội chứng” của các tỉnh trong việc xây dựng các nhà máy rượu, bia, xi măng, thủy điện, cảng biển, sân bay, khai thác khoáng sản, khu đô thị… Điều này đã kéo theo nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.

Bất cập từ thực tế

Hiện nay ở Việt Nam có các 6 vùng kinh tế - xã hội, gồm: vùng núi và Trung du Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng song Cửu Long; 4 vùng kinh tế trọng điểm: vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng song Cửu Long. Tính đến nay cả nước có 260 khu công nghiệp và khu chế xuất, gần 30 khu kinh tế cửa  khẩu; 15 khu kinh tế ven biển. Tổng diện tích các khu công nghiệp khoảng 72 ngàn ha.

Các khu công nghiệp được phân bổ trên 57 tỉnh, thành. Tập trung chủ yếu ở 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phía Bắc và miền Trung. Các  khu công nghệ gồm: Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội); Khu công nghệ cao Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) và Khu công nghệ cao Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng)… Ngoài ra, còn có các hành lang kinh tế, các loại vùng đặc biệt nhưng “lỏng” hơn như vùng núi, vùng đồng bằng, trung du, vùng biển, hải đảo…

Trong những năm gần đây hình thành Ban chỉ đạo của 3 vùng mới: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ… Trong hệ thống các vùng kể trên, chỉ có các vùng, lãnh thổ theo cấp quản lý hành chính là có cấp quản lý theo chính quyền. Các khu kinh tế, khu công nghiệp là có ban quản lý, các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ có ban chỉ đạo và các vùng kinh tế trọng điểm có ban điều phối.

Trong bối cảnh chuyển sang kinh tế thị trường, nền kinh tế Việt Nam cũng có đầy đủ các kiểu liên kết vùng, bao gồm các hình thức liên kết tự nhiên của quá trình phát triển, trong đó nổi bật nhất là hiểu liên kết mang tính lan tỏa. Dạng liên kết này diễn ra một cách tự nhiên, khách quan trong quá trình phát triển.

Chủ thể chính của loại hình liên kết này là các doanh nghiệp (DN), các đơn vị sự nghiệp và gia đình, cá nhân. Đây là loại liên kết giữa các chủ thể đóng trên địa bàn của các vùng khác nhau với nhau (liên kết theo chiều ngang) và mang nặng tính thị trường, gồm các giao dịch mua bán, các loại hợp đồng, cổ phần công ty…

Tiếp đó là liên kết theo quan hệ phân cấp giữa chính quyền Trung ương và địa phương (liên kết dọc giữa cơ quan quản lý vùng lớn với vùng nhỏ), nên mang nặng tính mệnh lệnh hành chính. Ngoài ra còn có liên kết giữa các vùng (địa phương), chủ yếu do cơ quan quản lý cấp địa phương với nhau (liên kết theo chiều ngang) và mang tính hành chính tự nguyện. Loại hình liên kết này mới được quan tâm nhiều hơn trong những năm gần đây.

Vì nhiều lý do về thể chế, cho đến nay các liên kết vùng theo chiều dọc (TW và địa phương) vẫn là loại liên kết chủ yếu, thậm chí trong một số trường hợp còn lấn át các loại liên kết ngang. Điều này đã gây ra một số vấn đề nổi cộm trong nền kinh tế: đó là tình trạng thiếu  thống nhất về những thông tin kinh tế cơ bản, khiến cho việc tìm hiểu môi trường kinh doanh trở lên khó khăn, thậm chí gia tăng chi phí tìm hiểu và gia nhập thị trường.

Đây là vấn đề tồn đọng từ lâu và vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, khiến cho sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh chậm được cải thiện. Bên cạnh đó, cuộc chạy đua xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng (bến cảng, sân bay…), khu đô thị, khu công nghiệp và một số loại sản phẩm với cơ cấu kinh tế na ná như nhau giữa các tỉnh, khiến cho trong một số lĩnh vực, không sử dụng hết công suất, xuất hiện tình trạng dư cung, dẫn đến lãng phí nguồn lực.

Việc xuất hiện tình trang tranh chấp tài nguyên theo kiểu “tranh giành” và xử lý ô nhiễm môi trường kiểu “đùn đẩy”. Không hiếm những ví dụ về các cơ sở sản xuất quy hoạch khu công nghiệp ở tình trạng gây ô nhiễm môi trường, làm thiệt hại kinh tế, sức  khỏe con người… nhưng chưa có cơ chế xử lý thỏa đáng.

Gần đây còn xuất hiện hiện tượng các tỉnh, thành gia tăng hoạt động xúc tiến đầu tư riêng rẽ, tuy thể hiện được tinh thần năng động, tích cực… nhưng ở góc độ của các nhà đầu tư thì đây lại là một cách làm “lợi bất cập hại” thiếu tính tổ chức và thống nhất về chính sách, đường hướng và thông tin.

“Xốc” liên kết vùng để phát triển bền vững

Thực tế nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, đặc biệt là mục tiêu chiến lược đến năm 2020 cơ bản trở thành nước hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Vì vậy có 4 lý do để “xốc” lại vấn đề liên kết vùng, đó là xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như suy giảm mức tăng nguồn vốn đầu tư.

Nếu như giai đoạn 2006-2010, tỉ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GDP bình quân là 39,3%/năm, thậm chí có năm đạt trên 40% thì tỉ lệ này đang nhanh chóng giảm xuống, năm 2012 là 30,5% và năm 2013 khoảng dưới 30%. Tăng trưởng giảm sẽ dẫn đến tỉ lệ huy động ngân sách/GDP giảm. Ngoài ra, mức nợ công vẫn được coi là trong tầm kiểm soát nhưng vẫn đang trong xu thế tăng lên…

Rõ ràng, trong những năm tới nếu không có các giải pháp đột phá trong việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân và FDI thì tốc độ tăng trưởng sẽ không tăng lên đươc. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp hiện có, trên phạm vi vùng, việc tăng cường liên kết kêu gọi đầu tư phát triển trở thành nhu cầu khẩn thiết.

Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm hình thành một mô hình tăng trưởng kinh tế mới có cơ cấu kinh tế hợp lý hơn và dựa nhiều hơn vào yếu tố khoa học công nghệ để tiết kiệm hơn các chi phí đầu vào, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Trên thực tế, tái cơ cấu kinh tế , chuyển đổi mô hình tăng trưởng sẽ giống như một giai đoạn mới của công cuộc đổi mới, bao gồm cả những thay đổi về thể chế lẫn công nghệ, các quan hệ thị trường và cách thức quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế. Vì vậy, liên kết vùng để thu hút đầu tư theo tư tưởng của tái cơ cấu kinh tế , chuyển đổi mô hình tăng trưởng là một nhiệm vụ mới, đồi hỏi phải có định hướng mới trong phân công và hợp tác giữa các địa phương cũng như sự quan tâm nhiều hơn đến yếu tố khoa học – công nghệ của sản xuất và sự lựa chọn các đối tác cũng như dự án đầu tư.

Ngoài ra, để đảm bảo an sinh xã hội, tìm kiếm việc làm, giảm đói nghèo, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, số lượng DN phá sản  và ngừng hoạt động tăng cao, nguy cơ lạm phát tăng trở lại vẫn còn, hàng tồn kho cao, thị trường bất động sản đình trệ… vẫn là những thách thức lớn trong những năm trước mắt. Tăng cường thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là sử dụng vốn đầu tư một cách hiệu quả, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội và bảo vệ môi trường cũng là một nhiệm vụ mới đối với liên kết vùng.

Việc thực hiện ba đột phá chiến lược bao gồm: đột phá về thể chế kinh tế, phát triển nguồn nhân lực và phát triển kết cấu hạ tầng để giải tỏa “điểm nghẽn” có ý nghĩa quyết  định đối với việc thực hiện các mục tiêu được xác định trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2011 – 2020.

Trong điều kiện các chính sách tạo động lực cho phát triển kinh tế từ thời kỳ hậu đổi mới đến nay đã phát huy hết tác dụng, cần có các giải pháp đột phá mạnh mẽ về thể chế nhằm tạo động lực thu hút các nguồn lực cho sự phát triển trở thành nhu cầu bắt buộc. Vì vậy, nhu cầu liên kết, phân công và phối hợp trên quy mô vùng cả trong đột phá về thể chế, phát triển nguồn nhân lực và phát triển cơ cấu hạ tầng để tạo ra sức hấp dẫn thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển là rất cấp thiết.

Điều chỉnh lại cơ chế phân cấp

Chúng tôi đề xuất  một số khuyến nghị nhằm tăng cường công tác phối hợp, liên kết vùng để phát triển và thu hút đầu tư.

Thứ nhất, đổi mới nhận thức về tư duy phát triển vùng và liên kết vùng, theo đó cần nhận thức đúng đắn vai trò, vị trí của phát triển kinh tế vùng trong hệ thống kinh tế quốc dân và vai trò của liên kết vùng trong hệ thống các quan hệ quản lý kinh tế vĩ mô, nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quan điểm phát triển chung và vì lợi ích phát triển toàn cục, quốc gia.

Thứ hai, xem xét lại cơ chế phân cấp giữa TW và địa phương và chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương, giảm nhiệm vụ về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách…tăng nhiệm vụ bảo vệ môi trường kinh doanh, dịch vụ công… gắn phân cấp địa phương với đảm bảo nguồn lực thực hiện. Đây là biện pháp có tính căn bản, lâu dài, liên quan đến sửa đổi một số văn bản Luật hiện hành.

Cuối cùng, nghiên cứu hình thành cơ chế quản lý phát triển kinh tế vùng. Hiện tại mới có các Ban chỉ đạo vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ và Ban điều phối các vùng kinh tế trọng điểm. Như vậy, về nguyên tắc, còn nhiều địa phương và vùng chưa được xác định cơ chế quản lý rõ ràng. Để phát huy được cao nhất các tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương và khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, mâu thuận, hiệu quả thấp...

Trong đầu tư phát triển, cần có sự phân công, hợp tác giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng. Nhưng để làm được điều này một cách thống nhất, hiệu quả, cần xác định một cơ chế rõ ràng dưới  sự điều hành và giám sát chung của Nhà nước. Sáng kiến hình thành Tổ điều phối liên kết các tỉnh duyên hải miền Trung có thể là mô hình liên kết giữa các địa phương đáng tham khảo và rút kinh nghiệm để nhân rộng và hình thành cơ chế quản lý phát triển kinh tế vùng.