Lo ngại áp dụng PPP tùy tiện

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Việc lựa chọn áp dụng phương thức đối tác công - tư (PPP) cho một dự án đầu tư hạ tầng là một khó khăn cho cả cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương và trung ương và có khả năng gây lãng phí lớn nguồn lực công.

 Lo ngại áp dụng PPP tùy tiện
Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được chọn thí điểm theo hình thức PPP. Nguồn: internet

Chưa có dự án PPP nào được triển khai

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hiện các nước đang phát triển là những nước có nhiều dự án PPP nhất.

Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam đang đứng ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực về khả năng thu hút vốn tư nhân vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng của Việt Nam giai đoạn 1990-2011 chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng, khoảng gần 5 tỉ USD; lĩnh vực viễn thông khoảng trên 2 tỉ USD; lĩnh vực giao thông trên 1 tỉ USD.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2010-2020 với mục tiêu đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, trong đó đột phá trọng tâm là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Bản chất của PPP là một hình thức hợp tác giữa Nhà nước và khu vực tư nhân, nhằm huy động nguồn vốn của khu vực tư nhân (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) trong phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục...

Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số vốn cần để đầu tư cơ sở hạ tầng vào khoảng 160-170 tỉ USD. Tuy nhiên, dự báo nguồn vốn trái phiếu chính phủ và vốn ODA trong khoảng 5 năm tới chỉ đạt khoảng 100-110 tỉ USD và Việt Nam cần phải huy động thêm 50-60 tỉ USD trong khoảng thời gian còn lại để đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng.

Báo cáo nghiên cứu “Phương thức PPP: Kinh nghiệm quốc tế và khuôn khổ thể chế tại Việt Nam” Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa công bố cho rằng: Phương thức PPP là xu thế huy động đầu tư phổ biến từ lâu trên thế giới. Đặc biệt đối với Việt Nam, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách hạn hẹp, nhu cầu đầu tư hạ tầng, dịch vụ xã hội rất cao thì việc kêu gọi các nguồn lực xã hội có mục tiêu hai bên cùng có lợi cho cả Nhà nước và nhà đầu tư là tất yếu.

Theo đó, Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công tư ban hành ngày 9/11/2010 có hiệu lực từ ngày 15/1/2011 với thời gian thí điểm từ 3 đến 5 năm, đã bước đầu vận dụng mô hình PPP hiện đại trong thu hút vốn đầu tư tư nhân.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai thí điểm, sự chậm trễ trong triển khai thí điểm mô hình PPP đang khiến hình thức đầu tư này không đạt kỳ vọng như ban đầu.

Theo nhóm tác giả Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, kể từ khi Quyết định 71 được ban hành cho đến nay, vẫn chưa có dự án theo mô hình PPP nào được triển khai. Cho đến thời điểm tháng 4/2012, các bộ, ngành, địa phương đã đề xuất 30 dự án triển khai đầu tư theo hình thức PPP. Tuy nhiên, sau khi rà soát các dự án được đề xuất cho thấy tất cả các dự án này đều phải thực hiện lại từ bước đầu tiên.

Nguy cơ lãng phí nguồn lực công

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc lựa chọn áp dụng phương thức PPP cho một dự án đầu tư hạ tầng là một khó khăn cho cả cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương và trung ương và có khả năng gây lãng phí lớn nguồn lực công. Bởi lẽ, sử dụng phương thức PPP đặc biệt tốn kém cho các giai đoạn chuẩn bị dự án do những yêu cầu chặt chẽ và ở mức cao về kỹ thuật, tài chính, pháp luật, tư vấn quốc tế… nhất là việc soạn thảo một Hợp đồng dự án có chất lượng trong Hồ sơ mời thầu.

Chính quyền ở cấp địa phương trong nhiều trường hợp không tiên liệu được tất cả những chi phí này, chỉ thấy được một hình thức đầu tư dự án mới đang trong giai đoạn thí điểm, đang được tạo nhiều điều kiện thuận lợi từ cơ chế quản lý và cung cấp tài chính.

"Do vậy, rất có khả năng sẽ đề xuất áp dụng phương thức PPP tùy tiện trong khi nhiều dự án hoặc có quy mô quá nhỏ, hoặc hoàn toàn có khả năng áp dụng các phương thức đầu tư giản tiện hơn" - báo cáo bày tỏ lo ngại.

Kinh nghiệm triển khai các dự án PPP ở một số nước cho thấy: Nhà nước cần thận trọng khi quyết định triển khai mỗi dự án và cam kết cung cấp những điều kiện để các nhà đầu tư tư nhân thực hiện. Những dự án được chấp thuận cần dựa trên những nhu cầu thực sự cấp bách và được điều tra, nghiên cứu, tính toán thận trọng để tránh những trường hợp công trình sẽ không được khai thác có hiệu quả khi xây dựng xong.

Trong dài hạn, nhóm tác giả của báo cáo khuyến nghị: Việc xây dựng một đạo luật về PPP là cần thiết nhằm luật hóa các quy định đã được áp dụng ổn định và khả thi về PPP, nhưng quan trọng hơn là đạo luật về PPP cho phép quy định những cơ chế đặc thù chỉ áp dụng cho dự án PPP, mà chưa được nêu hoặc vượt các quy định thông thường tại Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai sửa đổi, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp...

Báo cáo nghiên cứu viết: "Luật về PPP cũng sẽ là cơ sở bảo đảm cho quyền và lợi ích của nhà đầu tư được đảm bảo cao nhất, qua đó khuyến khích nhiều nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực vốn lớn và rủi ro là cơ sở hạ tầng. Kinh nghiệm của Đức trong việc xây dựng và thực hiện Luật Thúc đẩy PPP có thể nghiên cứu áp dụng cho trường hợp của Việt Nam". 

Trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tài trợ, Báo cáo nghiên cứu “Phương thức PPP: Kinh nghiệm quốc tế và khuôn khổ thể chế tại Việt Nam” đã giới thiệu bản chất, đặc điểm của mô hình hợp tác công - tư và những yêu cầu đối với quản lý các dự án PPP; xem xét thực tiễn ứng dụng mô hình PPP ở một số nước (trong các dự án cụ thể) và bài học rút ra cho Việt Nam.

Nghiên cứu cũng đánh giá môi trường thể chế PPP và việc áp dụng PPP ở Việt Nam, đặc biệt là những bất cập và những nội dung cần sửa đổi trong Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức BOT, BTO và BT, và Quyết định 71 nêu trên.

Từ đó, Báo cáo đưa ra khuyến nghị những vấn đề cần lưu ý để hoàn thiện khuôn khổ thể chế PPP cho Việt Nam.