Lo ngại rủi ro tín dụng BOT

Theo Minh Thư/baodauthau.vn

Việc cấp tín dụng và thu hồi vốn vay của các tổ chức tín dụng đối với các dự án giao thông trong thời gian qua gặp nhiều rủi ro, đặc biệt là các rủi ro xuất phát từ chính dự án và khách hàng vay vốn. Ngân hàng Nhà nước một lần nữa đưa ra nhận định này trong một báo cáo mới đây.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhiều rủi ro thu hồi vốn vay

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã tham gia tài trợ vốn cho các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng, cho vay từ 85 - 90% tổng mức đầu tư của các dự án PPP có tài trợ vốn của ngân hàng. Tính đến 30/6/2017, tổng mức cam kết cấp tín dụng đối với các dự án PPP là 177.433 tỷ đồng, tổng số dư cấp tín dụng là 97.242 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông là 91.664 tỷ đồng. Hiện nay, các ngân hàng vẫn đang tiếp tục xem xét cho vay đối với các dự án giao thông lớn, quan trọng theo hình thức BOT như VietinBank cam kết cho vay trên 10.000 tỷ đồng đối với Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; VietinBank cam kết cho vay 6.000 tỷ đồng và BIDV cam kết cho vay 2.500 tỷ đồng với Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận…

Trong một báo cáo đầu tháng 10 này, Ngân hàng Nhà nước nhận định, vướng mắc lớn nhất của các ngân hàng khi cho vay các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông xuất phát từ chính dự án và nhà đầu tư thực hiện dự án. Các dự án BOT giao thông thường có tổng mức đầu tư lớn, nhưng mức vốn tự có yêu cầu thấp (chỉ chiếm từ 10 - 15%), hầu hết các nhà đầu tư có năng lực tài chính hạn chế. Trường hợp tổng mức đầu tư phát sinh tăng, nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc bổ sung vốn tự có tham gia hoặc hỗ trợ nguồn trả nợ khi nguồn thu của dự án không đạt như dự kiến.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT có mức rủi ro cao hơn so với các khoản cấp tín dụng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh thông thường, do hầu hết các dự án có thời gian thu hồi vốn dài, giá trị tài sản bảo đảm chủ yếu là tài sản hình thành từ vốn vay (chiếm gần 80% tổng giá trị tài sản bảo đảm, trong đó nhiều ngân hàng có 100% tài sản bảo đảm là các tài sản hình thành từ vốn vay) nên rất khó định giá. Nếu các dự án không được triển khai, chậm tiến độ hoặc dự án không phát huy hiệu quả kinh tế như dự kiến thì cũng gây ra nhiều khó khăn cho tổ chức tín dụng trong việc thu hồi vốn và xử lý tài sản bảo đảm.

Từ thực tế triển khai dự án BOT thời gian qua có thể thấy việc thu hồi vốn đối với rất nhiều khoản vay trong số hơn 90 nghìn tỷ đồng đã cho vay dự án BOT đã và đang đứng trước nhiều rủi ro rất hiện hữu. Việc một số dự án đi vào thu phí không đúng tiến độ do chậm giải phóng mặt bằng, thi công, hoàn tất hồ sơ xin thu phí… chắc chắn dẫn đến chậm nguồn thu để trả nợ. Hay nhiều dự án BOT trước đây các ngân hàng cho vay trong hợp đồng BOT đều dự kiến lộ trình tăng phí theo chu kỳ 3 năm/lần, nhưng trong thời gian qua, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã đàm phán với các nhà đầu tư để giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ của nhiều dự án. Ngoài ra, còn nhiều dự án khi đi vào thu phí gặp phải sự phản đối của chủ phương tiện và người sử dụng dịch vụ đường bộ, điển hình là trạm Quốc lộ 6, trạm Quốc lộ 32, trạm cầu Hạc Trì, trạm Quốc lộ 3, trạm Bến Thủy, trạm Cầu Rác, trạm Km1064 Quốc lộ 1 tỉnh Quảng Ngãi…

Chọn nhà đầu tư đủ năng lực để giảm rủi ro

Rất nhiều chuyên gia đã chỉ ra những rủi ro tín dụng đối với dự án BOT trong bối cảnh nhà đầu tư chủ yếu được lựa chọn thông qua chỉ định thầu, nhà đầu tư không bảo đảm năng lực, tài chính, không góp đủ vốn chủ sở hữu, công trình thi công kém chất lượng… Nguồn vốn vay chiếm 85 - 90% tổng mức đầu tư dự án BOT, đồng nghĩa nếu dự án rủi ro về nguồn thu thì ngân hàng cho vay là đối tượng gánh chịu lớn nhất.

Các đoàn kiểm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đều nhấn mạnh đến yếu tố phải đấu thầu rộng rãi, cạnh tranh thực sự để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực cả về tài chính và kinh nghiệm. Đó là đầu vào quan trọng để bảo đảm chất lượng dự án về sau, giảm rủi ro thu hồi vốn.

Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo về trào lưu làm dự án BOT nhiều trường hợp có thể xuất phát từ lợi ích nhóm, chứ không phải từ lợi ích công, từ sự cần thiết phải đầu tư, phải có dự án BOT đó. Vì thế, cần phải chặt chẽ ngay từ việc lựa chọn dự án thực hiện theo hình thức BOT dựa trên đánh giá đầy đủ về sự cần thiết phải đầu tư... Và chính các ngân hàng thương mại cũng phải có đánh giá kỹ lưỡng về dự án, về khách hàng trước khi cho vay. Nếu chính ngân hàng không thận trọng hoặc bị chi phối bởi lợi ích nhóm thì khoản vay chắc chắn tiềm ẩn rủi ro.

Ngân hàng Nhà nước thì khuyến nghị, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về đầu tư theo hình thức PPP và Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ nhằm tăng tính khả thi, hiệu quả của dự án, bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực thật sự, các nhà đầu tư cần nâng cao năng lực tài chính, tăng phần vốn chủ sở hữu tham gia dự án.