Lo ngại thuế chống trợ cấp “bóp nghẹt “ xuất khẩu tôm

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Mặc dù Bộ Thương mại Mỹ công bố thuế chống trợ cấp tôm với mức giảm đáng kể so với mức thuế sơ bộ, các doanh nghiệp ngành tôm vẫn cho rằng mức thuế này sẽ “bóp nghẹt” xuất khẩu tôm vào Mỹ.

  Lo ngại thuế chống trợ cấp “bóp nghẹt “ xuất khẩu tôm
Con tôm Việt Nam sẽ gặp khó trên thị trường Mỹ. Nguồn: thesaigontimes.vn

Ông Trần Văn Lĩnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Giám đốc Công ty thủy sản Thuận Phước, Đà Nẵng cho biết kết quả mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố là “thất bại toàn tập” đối với ngành chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Theo ông, tôm Việt Nam sẽ không còn khả năng cạnh tranh với tôm của các nước trong và ngoài khu vực cùng tham gia với tư cách bị đơn trong vụ kiện chống trợ cấp tôm.

Vụ kiện chống trợ cấp do Liên minh công nghiệp tôm vùng vịnh Mỹ khởi xướng từ cuối năm 2012 đối với tôm của 7 nước xuất khẩu vào Mỹ do nghi ngờ ngành tôm những nước này nhận được các khoản trợ cấp không chính đáng từ chính phủ. DOC cho rằng một loạt chính sách của các chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp như hỗ trợ lãi suất, thuế.

Tuy nhiên, phía Việt Nam cho rằng những cáo buộc đó là sai sự thật, còn quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng năm 2020 chỉ là văn bản để cung cấp khung định hướng phát triển cho ngành. Với những lập luận trên, việc đánh hai loại thuế (thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp) lên cùng một sản phẩm tôm nhập khẩu vào Mỹ là không công bằng.

Dù giảm so với mức thuế sơ bộ 6,07% nhưng đây cũng là khó khăn của các doanh nghiệp tôm khi hai đối thủ chính là Thái Lan và Indonesia không phải chịu thuế. Ngoài Việt Nam, các nước khác gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Ecuador cũng chịu mức thuế từ 10- 54%, nhưng theo ông Lĩnh, đây không phải là những đối thủ chính của tôm Việt Nam vì Mỹ không phải là thị trường chính của các nước nói trên.

Chưa kể, DOC đã sớm công bố Thái Lan được miễn thuế từ cách đây 2 tuần lễ, và các doanh nghiệp nước này đang đẩy nhanh xuất khẩu vào Mỹ trong khi hàng loạt các nước khác, trong đó có Việt Nam phải nhận kết quả trễ hơn và chịu thuế cao hơn đáng kể so với nước này.

Ông Lĩnh giải thích, nếu như trước đây, giá bán (sỉ) của tôm đông lạnh Việt Nam tại Mỹ là 20 đô la Mỹ, doanh nghiệp sẽ nhận được mức lãi khoảng 10%, thì với mức thuế DOC vừa công bố, các nhà nhập khẩu của Mỹ sẽ giảm giá mua tôm của các doanh nghiệp tương ứng với mức thuế họ phải chịu.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Minh Phú, một trong hai bị đơn bắt buộc, cho biết mặc dù hội đồng quản trị công ty đề ra mục tiêu tăng trưởng 25- 30% về doanh thu trong năm nay, khả năng mục tiêu này sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi kết quả vụ kiện chống trợ cấp và chống bán phá giá tôm sẽ công bố vào các tháng cuối năm 2013.

Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Nhật Bản. Theo Vasep, tính từ đầu năm đến ngày 15/7, kim ngạch xuất khẩu tôm vào Mỹ đạt 289 triệu đô la Mỹ, chiếm tỷ lệ 23,5% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam, so với tỷ lệ 26,3%, tương đương với giá trị xuất khẩu 323 triệu đô la Mỹ vào thị trường Nhật Bản.

Mặc dù không phải là thị trường lớn nhất tính về kim ngạch và chỉ có 25 doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam nhưng theo đại diện Vasep đây là 25 doanh nghiệp hàng đầu về tôm và thuế suất này sẽ tác động mạnh đến kết quả kinh doanh các tháng cuối năm của các doanh nghiệp này.