Lo thẻ vàng thủy sản

Theo Thanh Thanh/thoibaonganhang.vn

Đoàn thanh tra của EC cho rằng Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn còn một số vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu của EC và cần phải tiếp tục cải thiện...

DN xuất khẩu hải sản Việt Nam còn phải đương đầu nhiều khó khăn. Nguồn: internet
DN xuất khẩu hải sản Việt Nam còn phải đương đầu nhiều khó khăn. Nguồn: internet

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Ủy ban Hải sản (thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam – VASEP), sau đợt kiểm tra mới nhất (tháng 5/2018) của Ủy ban châu Âu (EC) về việc thực hiện chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) của Việt Nam, EC đã quyết định vẫn giữ thẻ vàng với hải sản Việt Nam và sẽ có đợt đánh giá tiếp theo vào tháng 1/2019.

Đoàn thanh tra của EC cho rằng Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn còn một số vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu của EC và cần phải tiếp tục cải thiện. Điều này dẫn đến việc DN xuất khẩu hải sản Việt Nam còn phải đương đầu nhiều khó khăn.

Nhiều DN Xuất khẩu hải sản thuộc VASEP cho hay, hơn 5 tháng trở lại đây, số lượng nguyên liệu hải sản khai thác được xác nhận tại các cảng rất ít, không đủ để DN thu mua chế biến hàng xuất khẩu. Nguyên nhân một phần cũng bởi việc chuyển giao nhiệm vụ xác nhận nguyên liệu khai thác từ Chi cục Thủy sản sang Cảng cá (theo Thông tư 02/2018/TT – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Cụ thể, tổ chức quản lý cảng cá chỉ ký xác nhận sau khi đối chiếu nhật ký khai thác với thông tin về vị trí hoạt động của tàu do các trạm bờ cung cấp. Trong khi trên thực tế, nhiều tàu khi truyền dữ liệu về bờ, chủ tàu ấn nút truyền dữ liệu vị trí của tàu, trạm bờ đặt tại các Chi cục Thủy sản sẽ nhận tín hiệu và lưu vào hệ thống máy tính. Việc chuyển thông tin nhiều khi bị nghẽn mạch do điều kiện kỹ thuật chưa đáp ứng được. Do đó, có chủ tàu phải chủ động gọi điện cho Chi cục để xác nhận, có tàu lại không, nhất là ở ngoài khơi xa.

Để khắc phục tình trạng này, khi tàu vào cảng, chủ tàu báo Ban quản lý Cảng cá giám sát cân nguyên liệu cùng DN thu mua để xác nhận số lượng. Sau đó DN phải hoàn tất hồ sơ gửi các cơ quan chức năng, để đề nghị xác nhận. Nhưng đến khi xét hồ sơ, một số Ban quản lý Cảng cá do không có đủ nhân lực, thiếu trang thiết bị cần thiết, nên xử lý chậm. DN phải làm thủ tục nhiều lần, mất thời gian và ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất.

Nguyên liệu khan hiếm, thu mua không đủ số lượng cho sản xuất chế biến hàng xuất khẩu, lại còn chật vật qua thủ tục xác nhận nguyên liệu… khiến nhiều DN lo không giữ được thị trường châu Âu (EU).

Theo ông Nguyễn Thái Hiểu - Phó giám đốc Công ty TNHH Thịnh Hưng (tại tỉnh Khánh Hòa), DN chuyên xuất khẩu hải sản sang thị trường EU, nhưng từ khi Việt Nam bị cảnh báo thẻ vàng, các lô hàng xuất khẩu hải sản của DN vào thị trường này đều bị tăng tần suất kiểm tra hồ sơ, nguồn gốc sản phẩm khai thác nhập khẩu. Từ đó, đã phát sinh chi phí kiểm tra, chi phí lưu kho đối với DN xuất khẩu vào thị trường này.

Trước khó khăn này, DN đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh và cải thiện đồng bộ cơ chế chặt chẽ hơn với ngư dân, để họ nộp đầy đủ nhật ký khai thác và gửi tin nhắn về trạm bờ, lấy cơ sở xác nhận. Các cảng cá cần phân định rõ trách nhiệm cải thiện nghiệp vụ và cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc xác nhận nguyên liệu một cách đầy đủ, kịp thời, để giúp DN và ngư dân khắc phục khó khăn, tạo điều kiện cho DN sản xuất, xuất khẩu và đáp ứng quy định của thị trường EU.

Thấu hiểu khó khăn này, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang dự thảo Thông tư quy định việc ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản và nội dung, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, tích cực đưa thủy sản Việt Nam thoát thẻ vàng sau tháng 1/2019, giữ được thị trường EU.