Loay hoay tìm giải pháp bán nợ xấu

Theo tienphong.vn

(Tài chính) Đến nay, Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua tổng cộng 17.300 tỷ đồng nợ gốc của 20 tổ chức tín dụng với giá trị thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt. Tuy nhiên, không dễ giải quyết đống nợ mua vào này.

Loay hoay tìm giải pháp bán nợ xấu
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tạm thời?

Theo Phó Chủ tịch Thường trực VAMC Nguyễn Quốc Hùng, đã có 24 tổ chức tín dụng gửi hồ sơ bán nợ cho VAMC với số nợ lên tới 40.000 tỷ đồng. Cơ quan này đang rà soát, phân tích, phân loại, sàng lọc các khoản nợ nhất là lĩnh vực bất động sản… để tiếp tục mua vào (cũng như đang chuẩn bị các biện pháp để bán nợ từ năm 2014). Điểm mừng là có một số khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã thu hồi được.

Đến nay, trong số các ngân hàng bán nợ cho VAMC, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và Agribank là 2 đơn vị đứng đầu về số nợ xấu được xóa tạm thời trên bảng cân đối sổ sách (SCB bán nợ đạt 1.739 tỷ đồng còn Agribank là 1.723 tỷ đồng).

Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết, bán nợ cho VAMC sẽ giúp dẹp được một phần nợ xấu trên sổ sách chứ không giải quyết được hết khó khăn. Báo cáo tài chính quý III được nhiều ngân hàng công bố mới đây cho thấy, nợ xấu tại nhiều đơn vị đã “bào mòn” gần hết lợi nhuận đạt được. Tại nhiều đơn vị, tỷ lệ nợ xấu tăng cao so với đầu năm do xuất hiện thêm nhiều khoản nợ xấu mới. Nhiều ngân hàng kiếm được lợi nhuận bao nhiêu thì phải “bù đắp” nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro.

Trao đổi với phóng viên, đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở ở phía Nam cho rằng, dù tạm thời được “xóa” nợ xấu, nhưng các ngân hàng không hẳn mừng. Trong bối cảnh hiện nay, việc bán nợ này giống như giúp ngân hàng dọn dẹp sổ sách cho đẹp hơn.

Nỗi lo làm thế nào thu hồi nợ vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để trong bối cảnh doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản nhiều. “Thực tế, gánh nặng vẫn còn do ngân hàng phải trích lập dự phòng ở mức 20% theo quy định. Việc bán nợ chỉ giống như giúp người bệnh được uống thêm thuốc để kéo dài thời gian”, vị này nói.

Một chuyên gia có hơn 20 năm trong ngành ngân hàng khẳng định, việc các ngân hàng tạm “xóa” nợ xấu khỏi bảng cân đối tài sản giúp các đơn vị có thêm một dòng tiền mới để duy trì hoạt động trước mắt. Vấn đề lớn hơn cả là VAMC sẽ bán các tài sản đảm bảo đã mua như thế nào là bài toán rất khó.

“Bán các tài sản đảm bảo của doanh nghiệp cũng không phải việc dễ làm với VAMC. Bán nợ như hiện nay chỉ giúp tránh cho tổ chức tín dụng tạm thời không phải vào cảnh “giật gấu vá vai” hay chết vì nợ xấu”, vị này phân tích.

Cơ chế?

Như Tiền Phong từng phân tích, chỉ VAMC thì không thể giải quyết được vấn đề nợ xấu. Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng) cũng từng nói: Để xử lý nợ xấu, cần bán lại các khoản này cho các tổ chức khác. Tuy nhiên, việc này không dễ. Bởi vì nếu bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ vướng quy định về sở hữu nhà cửa, sở hữu đất đai, về tỷ lệ góp vốn cổ phần.

Theo ông Đức, vấn đề quan trọng là chừng nào vẫn còn tình trạng ngân hàng sở hữu chéo thì việc giấu nợ xấu vẫn còn xảy ra. Các ngân hàng hiện đang chọn giải pháp tăng cường lấy lợi nhuận thu được để trích lập dự phòng thay vì bán nợ ngay cho VAMC. Việc này có thể giúp giảm tỷ lệ nợ xấu, nhưng không phải là giảm thật sự.

Để xử lý được nợ xấu triệt để, Ngân hàng Nhà nước cần phải hình thành một thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp cho phép các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua nợ và mua những tài sản bảo đảm với giá thị trường. “Cần có giải pháp làm sao để các tài sản thế chấp của doanh nghiệp là dây chuyền, máy móc hoạt động trở lại. Khi đó doanh nghiệp mới có lợi nhuận và trả nợ cho ngân hàng. Còn nếu chỉ thực hiện bán nợ xấu từ chủ nợ này sang chủ nợ khác thì không giải quyết được vấn đề”, ông Đức nói.

Đại diện VAMC cũng thừa nhận, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong xử lý nợ xấu. Cụ thể, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước có ý định tham gia mua lại nợ xấu của VAMC. Tuy nhiên, do vướng rào cản về quy định sở hữu tài sản.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực VAMC, nợ xấu sẽ quay đầu trở lại, thậm chí còn nghiêm trọng hơn, trong vòng 5 năm tới nếu VAMC không xử lý dứt điểm được các khoản nợ xấu đã mua. Tuy nhiên, phải hiểu khi VAMC mua nợ xấu là đã xác định phải chủ động lên phương án xử lý và cần sự phối hợp của các tổ chức có liên quan đến khoản nợ xấu đó (như ngân hàng, doanh nghiệp).

“Về cơ bản, sau 5 năm khoản nợ xấu đó đã được xử lý do các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 20% đối với mệnh giá trái phiếu mỗi năm. Khi đó phần trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt cũng đủ để xử lý số nợ xấu. Công ty đang xây dựng phương án để sang năm 2014 thực hiện việc bán nợ theo giá thị trường”, ông Hùng nói.