Logistics Việt Nam làm thế nào để hưởng lợi từ EVFTA?

Theo Văn Toàn/doanhnhansaigon.vn

Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam EVFTA đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội giao thương, kết nối và phát triển kinh tế. Đây được xem là bước tiến đột phá trong mối quan hệ Việt Nam - EU kể từ ngày 28/11/1990 khi Việt Nam và EU chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam EVFTA đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội giao thương. Nguồn: internet
Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam EVFTA đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội giao thương. Nguồn: internet

Trải qua hành trình dài gần 20 năm, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Trung Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ) của Việt Nam với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng dệt may, giày dép, cà phê, hải sản, máy vi tính, linh kiện điện thoại với mức độ tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương ngày càng lớn về cả số lượng và chất lượng.

Năm 2016, kim ngạch thương mại song phương đạt 45,1 tỷ  USD, tăng gấp 7,9 lần so với năm 2015 và tăng gấp 10 lần kim ngạch năm 2001. Tổng giá trị thương mại cho năm 2018 giữa hai bên đã tăng gấp đôi kể từ năm 2012. 

Thương mại Việt Nam - EU từ 2013-2018

Màu xanh: EU nhập khẩu từ VN; màu vàng: VN nhập khẩu từ EU (Nguồn: eurostat)
Màu xanh: EU nhập khẩu từ VN; màu vàng: VN nhập khẩu từ EU (Nguồn: eurostat)
 

Cùng với những bước tiến về thương mại này, khối lượng vận chuyển container cũng liên tục tăng với mức 163% trong 5 năm qua. Tính từ cuối năm 2015 (thời điểm mà EU và Việt Nam kết thúc đàm phán FTA) và đầu năm 2016, vận chuyển container đã tăng đáng kể cùng với dòng chuyển động của nhu cầu xuất - nhập khẩu giữa hai bên. 

Nhu cầu vận chuyển, kho bãi tăng cao theo kim ngạch xuất - nhập khẩu

EVFTA được ký kết đồng nghĩa với việc 99% thuế hải quan giữa hai bên sẽ được loại bỏ. Trong đó, 65% thuế hàng xuất khẩu từ EU sang Việt Nam sẽ được dỡ bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực. Phần còn lại sẽ giảm theo lộ trình 10 năm. Ở chiều ngược lại, 71% thuế xuất khẩu từ Việt Nam qua EU sẽ được loại bỏ và phần còn lại giảm dần theo lộ trình 7 năm. Cùng với các điều khoản về thuế, vì là một hiệp định thế hệ mới, EVFTA bao gồm cả những điều khoản về bảo vệ sở hữu trí tuệ, tự do đầu tư và phát triển bền vững.

Trước cơ hội rộng mở của giao dịch thương mại song phương, câu hỏi được đặt ra ở đây là: làm thế nào để ngành Logistics Việt Nam có thể hưởng lợi từ hiệp định thương mại tự do này? Bởi mối quan hệ thương mại được tăng cường trong khuôn khổ FTA có thể làm tăng nhu cầu vận chuyển không chỉ giữa EU và Việt Nam mà còn là với cả EU và Đông Nam Á. Sau EVFTA, không chỉ có nhu cầu về vận chuyển, kho bãi tăng mà nhu cầu nâng cao chất lượng, điều kiện của kho bãi và công tác vận chuyển cũng sẽ được đặt ra, nhất là trong điều kiện ngành Logistics Việt Nam và châu Âu còn rất nhiều khoảng cách. 

Trong lộ trình miễn thuế, với các mặt hàng như thực phẩm, dược phẩm, thiết bị máy móc từ EU xuất khẩu sang Việt Nam, nhu cầu của các doanh nghiệp châu Âu sẽ đòi hỏi một hệ thống Logistics và vận chuyển đảm bảo được các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và quy trình kiểm soát quốc tế, để mọi hàng hóa của châu Âu được đảm bảo giữ nguyên chất lượng tới người tiêu dùng Việt Nam. 

Ở góc tiếp cận của hàng xuất khẩu từ Việt Nam, các mặt hàng truyền thống hay các mặt hàng mới cũng cần có sự bảo đảm tốt hơn về chất lượng bảo quản, vận chuyển đặc biệt là nhóm hàng nông sản, mây tre đan, đồ gỗ, là những mặt hàng dễ bị thay đổi chất lượng do điều kiện nhiệt độ, môi trường. 

Đối với các mặt hàng có lộ trình dỡ bỏ thuế sau từ 5-10 năm như xe và phụ tùng xe từ phía EU và quần áo, giầy dép sản xuất tại Việt Nam, sự gia tăng nhu cầu vận chuyển có thể muộn hơn, nhưng không có nghĩa là không cần sự chuẩn bị về mặt phương tiện, thiết bị, quy trình quy chuẩn để vận chuyển các mặt hàng này chu đáo, chất lượng theo các cam kết trong hiệp định EVFTA. 

Vận hội cho ngành Logisitcs Việt Nam 

Việt Nam hiện có khoảng 1.300-1.500 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, đứng thứ 39/160 quốc gia tham gia điều tra của World Bank về chỉ số năng lực Logistics (LPI) năm 2018. Đồng thời, đứng thứ tư trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. 

Từ năm 2017, chính phủ Việt Nam đã xác định mục tiêu cụ thể cho ngành Logistics là đưa Việt Nam trở thành trung tâm Logistics của khu vực vào năm 2025. Kế hoạch chính sách này đã, đang được dần hiện thực hóa với rất nhiều nỗ lực như: thu hút đầu tư nước ngoài, cải cách thủ tục hải quan và hợp tác với các đối tác nước ngoài trong các dự án cơ sở hạ tầng. Với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16-20%, EVFTA sẽ là cánh cửa mở ra rất nhiều vận hội cho Logistics Việt Nam có thể tăng tốc hơn nữa nếu biết khai thác hết các tiềm năng. 

Có thể nhìn thấy ngay trước mắt, cơ hội tuyệt vời cho vận tải, vận tải biển Việt Nam sau EVFTA. Bởi dịch vụ vận tải, đặc biệt là vận tải biển đang là ngành xuất khẩu dịch vụ lớn thứ hai của EU. Nhưng hiện tại không có quốc gia ASEAN nào nằm trong top các nước nhận dịch vụ này của EU. 

Tự do hóa cũng sẽ mời gọi các nhà đầu tư EU cùng tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ Logistics, vận tải hàng hải khác nhau cho thị trường Việt Nam, bao gồm doanh nghiệp hàng hải, dịch vụ xử lý hàng hóa/ container, dịch vụ lưu trữ và kho bãi. Các doanh nghiệp Logistics Việt Nam sẽ có cơ hội hợp tác, học hỏi, và gọi vốn từ các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại và chiếm thị phần lớn trên thị trường Logisitcs thế giới đến từ châu Âu. Đây có thể coi là một lợi thế của Việt Nam sau EVFTA. Bởi theo bảng xếp hạng LPI 2018, Đức là quốc gia đứng đầu trong lĩnh vực logistics. Hai quốc gia đồng hạng thứ hai cũng nằm trong khối EU, là Hà Lan và Thụy Điển.

Tại Hội thảo Quốc tế Vận tải Biển và Logistics châu Á (ICASL 2019), do Đại học RMIT Việt Nam đăng cai tổ chức cuối tháng 6/2019, tất cả các chuyên gia tham dự đều cho rằng, Việt Nam cần đầu tư vào hạ tầng ngay, đặc biệt là ứng dụng công nghệ 4.0. Đồng thời, nâng cao nguồn lực trong lĩnh vực vận tải biển và Logistics, để sẵn sàng chớp lấy cơ hội trong tương lai. Đó là trở thành công xưởng thế giới. 

Và EVFTA cũng sẽ như một đòn bẩy để mục tiêu công xưởng thế giới đến nhanh hơn. Khi mà các công ty sản xuất của châu Âu dịch chuyển mục tiêu đầu tư của mình về hướng Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động cũng như chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. 

Để có thể đáp ứng được các nhu cầu, yêu cầu về Logistics theo tiêu chuẩn chất lượng châu Âu, đồng thời nắm lấy vận hội phát triển, sớm trở thành trung tâm Logistics của khu vực, ngay sau EVFTA, các doanh nghiệp Logistics nói riêng, ngành Logistics Việt Nam nói chung sẽ rất cần được đầu tư bài bản, đột phá về công nghệ, nguồn lực, quy trình cũng như sự hỗ trợ về chính sách từ phía chính phủ và các cơ quan ban ngành.