Lợi ích của mô hình kinh tế chia sẻ và những Thách thức cho nhà quản lý

ThS. Nguyễn Thị Hải Bình, ThS. Lưu Ánh Nguyệt - Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính

Mô hình kinh tế chia sẻ ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nền kinh tế các nước hiện nay, trong đó có lĩnh vực tài chính. Hai hình thái phổ biến nhất của mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính là cho vay ngang hàng và huy động vốn cộng đồng.

Mới phát triển tại Việt Nam trong một thời gian ngắn, song mô hình KTCS đã phát triển mạnh mẽ và đang phổ biến rộng rãi trong xã hội. Nguồn: Internet
Mới phát triển tại Việt Nam trong một thời gian ngắn, song mô hình KTCS đã phát triển mạnh mẽ và đang phổ biến rộng rãi trong xã hội. Nguồn: Internet

Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển cho vay ngang hàng và gọi vốn cộng đồng, với sự gia nhập của nhiều công ty cung cấp các nền tảng với các gói sản phẩm, dịch vụ đa dạng. Tuy nhiên, sự phát triển của các mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn.

Khái quát về mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính

Việc tận dụng tối đa nguồn lực để tiết kiệm chi phí sử dụng tài sản, tránh lãng phí khiến mô hình kinh tế chia sẻ trở nên được yêu thích và đón nhận của thị trường. Theo đánh giá của PwC (2018), mô hình kinh tế chia sẻ sẽ có tác động tới tất cả các ngành công nghiệp, tạo ra doanh thu lên tới 335 tỷ USD vào năm 2025.

Lĩnh vực tài chính – ngân hàng, với vai trò huy động và phân phối vốn cho nền kinh tế, cũng sẽ chịu nhiều tác động từ mô hình kinh tế chia sẻ. Theo PwC, những ảnh hưởng của mô hình kinh tế chia sẻ đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ theo 2 hướng chính: (i) Liên quan đến cách thức tương tác của các đối tác tài chính; (ii) Tiết giảm chi phí liên quan đến thanh toán và chuyển tiền dựa trên các nền tảng dịch vụ kỹ thuật số do các tổ chức cung cấp. Sự phát triển của công nghệ chuỗi khối (blockchain) và tiền mã hóa (crypto currency) sẽ thúc đẩy phát triển hơn nữa mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực tài chính trong tương lai.

Cũng trong xu hướng của toàn cầu, mô hình kinh tế chia sẻ đã manh nha xuất hiện ở lĩnh vực tài chính tại Việt Nam, với hai hình thái phổ biến nhất và đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, đó là cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending P2P) và gọi vốn cộng đồng (crowdfunding)

Cho vay ngang hàng

Mô hình hoạt động ngang hàng là 1 trong 6 hình thái của mô hình kinh tế chia sẻ (Selloni, 2017). Thuật ngữ “cho vay ngang hàng” (Peer-to-peer, hay P2P) sử dụng để chỉ các tương tác giữa 2 chủ thể mà không cần sự tham gia của bên trung gian. Cho vay ngang hàng là mô hình cho vay dựa trên nền tảng trực tuyến (online platform) để kết nối các cá nhân, tổ chức nhỏ có nguồn tiền nhàn rỗi với các cá nhân hay doanh nghiệp (DN) có nhu cầu vay nhưng không thông qua trung gian tài chính truyền thống (như tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, công ty tài chính hay quỹ tín dụng…). Mô hình cho vay ngang hàng cũng bao gồm các hình thức cho vay đảm bảo (thể chấp) và không đảm bảo (tín chấp) giống với hình thức các ngân hàng đang áp dụng hiện nay. Điểm khác biệt lớn nhất giữa mô hình tín dụng truyền thống và cho vay ngang hàng là việc thẩm định sẽ được tiến hành trực tuyến, bên cho vay có quyền lựa chọn đối tác để cho vay trên nền tảng công nghệ.

Gọi vốn cộng đồng

Gọi vốn cộng đồng được hiểu là cách dùng nền tảng kỹ thuật web để thực hiện việc kêu gọi và gom vốn cho các dự án, mà chủ yếu là các dự án khởi nghiệp của các cá nhân hay một dự án mới của một DN có quy mô nhỏ. Theo định nghĩa trong Dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất năm 2016, gọi vốn cộng đồng là hình thức huy động vốn từ số đông các cá nhân thông qua tổ chức trung gian cung cấp thông tin và các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ việc huy động vốn trực tuyến. Bên cung cấp vốn và bên gọi vốn tự chịu rủi ro, trách nhiệm từ việc cấp vốn và hoàn trả vốn. Bên gọi vốn có thể hoàn trả bằng quà tặng, cổ phần, vốn vay hoặc dưới các hình thức khác. Dự thảo Luật trong giai đoạn đầu đã đưa gọi vốn cộng đồng vào nội dung, cho phép các DN khởi nghiệp được phép sử dụng gọi vốn cộng đồng như một kênh huy động vốn. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy, những hỗ trợ thiết thực của Chính phủ đối với cộng đồng khởi nghiệp. Tuy nhiên, trong Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa được thông qua năm 2017, nội dung này không được đề cập đến. Điều này có thể hiểu, gọi vốn cộng đồng không phải là một hình thức hỗ trợ DNNVV một cách trực tiếp trong khi phạm vi điều chỉnh của Luật (là những khoản hỗ trợ trực tiếp đối với DN).

Các website gọi vốn cộng đồng cho phép cá nhân hoặc nhóm tổ chức mới khởi nghiệp chia sẻ ý tưởng, giải thích ngắn gọn và rõ ràng sản phẩm và mục đích sử dụng của số vốn huy động từ cộng đồng cho dự án. Cộng đồng quen thuộc của mỗi website gọi vốn cộng đồng sẽ theo dõi các dự án và quyết định mức độ đầu tư để thực hiện ý tưởng đó. Tương ứng, chủ dự án sẽ có những phần quà cảm ơn người hỗ trợ nhưng không chuyển nhượng quyền sở hữu đối với sản phẩm hay dự án. Sau thời gian quy định, nếu dự án không gây đủ số tiền ban đầu đề ra thì toàn bộ số tiền đã gây quỹ được sẽ trả về cho từng người hỗ trợ. Điều này thúc đẩy chủ dự án phải thường xuyên tương tác với cộng đồng, cập nhật tiến độ thực hiện dự án, giới thiệu các ưu đãi với các mức độ đầu tư, trả lời các ý kiến đóng góp. Mức độ tương tác càng cao thì càng thuyết phục được cộng đồng về sự tin cậy và tâm huyết của chủ dự án.

Xu hướng phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính trên thế giới

Cho vay ngang hàng

Mô hình hoạt động cho vay ngang hàng được ứng dụng vào lĩnh vực tài chính chính thức xuất hiện từ khi 2 công ty Zopa của Anh (2005) và Prosper của Mỹ (2006) hoạt động. Cả 2 công ty này đều cung cấp nền tảng trực tuyến cho phép bên cho vay và bên có nhu cầu vay được giao dịch trực tiếp với nhau trên thị trường và bỏ qua vai trò của ngân hàng. Hiện nay, trên thế giới có 5 công ty lớn nhất về cho vay ngang hàng đó là: Lending Club, Prosper, SoFi (ở San Francisco - Mỹ), Zopa và RateSetter (ở London - Anh) và rất nhiều công ty nhỏ hoạt động ở nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam). Theo thống kê năm 2015 của Prime Meridian Capital Management và China News, thị trường cho vay ngang hàng tại Mỹ đạt khoảng 18 tỷ USD, tại Trung Quốc là 150 tỷ USD về quy mô giao dịch. PwC dự báo, quy mô giao dịch tại thị trường Mỹ có thể tăng lên đến 150 tỷ USD vào năm 2025.

Gây vốn cộng đồng

Trên thế giới, hình thức gây vốn cộng đồng bắt đầu hình thành từ năm 1997 bởi nhóm nhạc rock Marillion tại Anh và xuất hiện tại Mỹ từ năm 2000 với việc thành lập công ty gọi vốn cộng đồng ArtistShare. Tuy nhiên, phải đến năm 2006, nền tảng công nghệ gọi vốn cộng đồng mới được hoàn thiện với sự ra đời của một loạt website góp vốn nổi tiếng như Sellaband (2006), Indiegogo (2008), Pledge Music (2009), Kickstarter (2009), RocketHub (2009), InvestedIn (2010), GoFundMe (2010), Rock The Post (2011).

Gọi vốn cộng đồng đang càng ngày càng chứng tỏ sức hút của mình trong giới đầu tư và đem về nhiều quyền lợi cho DN khởi nghiệp trên toàn cầu. Năm 2012 có 536 website hoạt động về gây quỹ cộng đồng hỗ trợ huy động 2,7 tỷ USD trên toàn thế giới. Theo báo cáo của Massolution, vốn huy động toàn cầu từ hình thức gọi vốn cộng đồng đã tăng 167% trong năm 2014, đạt 16,2 tỷ USD. Tính đến năm 2015, tổng số vốn huy động được thông qua hình thức này trên toàn cầu là 34,4 tỷ USD. Tốc độ huy động vốn tăng nhanh nhất tại khu vực châu Á, 210%/năm vào năm 2015, theo sau là châu Phi, 101%, châu Âu, 98,6%, tại Bắc Mỹ là 82%. Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Massolution, ngành công nghiệp gây quỹ cộng đồng trên toàn cầu đã thu về được khoảng 34,4 tỷ USD vào cuối năm 2015. Hiện nay, trên thế giới có đến hơn 2.000 quỹ cộng đồng đang hoạt động. Từ những số liệu trên có thể thấy, sự phát triển nhanh chóng của mô hình gọi vốn cộng đồng và vai trò ngày càng tăng của vốn huy động từ gọi vốn cộng đồng.

Sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính tại Việt Nam

Tại Việt Nam, cho vay ngang hàng đã xuất hiện từ năm 2015 và ngày càng có nhiều công ty cung cấp nền tảng cho hoạt động vay ngang hàng. Hiện nay, một số công ty đã cung cấp nền tảng trực tuyến cho hoạt động vay ngang hàng như huydong.com (thuộc Công ty cổ phần Finsom), Tima (Công ty cổ phần tập đoàn TIMA), SHA, Mobivi, Mofin, Lenbiz. Trong đó, Tima được xem là mô hình cho vay ngang hàng thành công điển hình tại thị trường Việt Nam. Tính đến ngày 6/11/2018, sau 2 năm hoạt động, đã có hơn 27 nghìn người tham gia cho vay, gần 2,5 triệu người đăng ký vay, với hơn 3,7 triệu đơn vay và khoảng 50,4 tỷ đồng đã được giải ngân thông qua nền tảng do Tima cung cấp.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), ở Việt Nam có khoảng 79% người dân không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức, và thị trường tài chính tiêu dùng tăng trưởng theo cấp số nhân trong vài năm qua với dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 47,84 tỷ USD vào cuối năm 2017. Đây chính là dư địa cho phát triển các dịch vụ tài chính hướng tới tài chính toàn diện, bao gồm cả cho vay ngang hàng. Tuy nhiên, hiện nay khung khổ pháp luật của Việt Nam chưa có các quy định cụ thể đối với loại hình kinh doanh này, do đó, mô hình cho vay ngang hàng tại Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các đối tượng tham gia. Mô hình cho vay ngang hàng vẫn chưa được coi là một loại hình kinh doanh để cấp phép nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư hoặc công ty công nghệ như Finsom, Tima…

Cùng với xu hướng phát triển của loại hình dịch vụ huy động vốn cộng đồng trên thế giới, Việt Nam hiện đã có nhiều nền tảng website gọi vốn cộng đồng ra đời, phát triển và đã xây dựng được uy tín, niềm tin từ cộng đồng đầu tư. Mô hình gọi vốn cộng đồng chính thức xuất hiện lần đầu tiên tại thị trường Việt Nam vào cuối năm 2012. Cho đến nay, một số website kêu gọi vốn cộng đồng nổi bật là: IG9.vn, FirstStep, Comicola, Fundstart, Charity Map, FundingVN. Trong đó, FirstStep là website cho nhiều lĩnh vực về khởi nghiệp như: nông nghiệp, phần mềm, giải trí, games, từ thiện… với nhiều tính năng nổi bật về hệ thống thanh toán qua ví điện tử, hoàn trả tiền tự động và linh hoạt, minh bạch, dễ quản lý danh sách những người đóng góp, tỷ lệ thành công của các dự án được gây quỹ khá cao, đã đóng góp không nhỏ trong việc gia tăng niềm tin thị trường về gọi vốn cộng đồng tại Việt Nam.

Thách thức đối với phát triển mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính tại Việt Nam

Phát triển mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính tại Việt Nam mặc dù có những lợi ích rõ nét về tăng khả năng tiếp cận và giảm chi phí vốn cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, các DN khởi nghiệp, tuy nhiên hoạt động này vẫn phải đối mặt với một số thách thức về: (i) Hành lang pháp lý; (ii) An ninh mạng và bảo mật thông tin, (iii) Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, (iv) Môi trường và văn hóa kinh doanh. Cụ thể:

Một là, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện. Luật pháp Việt Nam chưa có quy định về hình thức cho vay ngân hàng và huy động vốn cộng đồng nên các hoạt động này vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro cho những người tham gia. Những quy định hiện nay về tín dụng đều không phù hợp với mô hình hoạt động cho vay ngang hàng huy động vốn cộng đồng và cũng không phù hợp với các công ty cung cấp nền tảng đối với các dịch vụ này.

Việc chưa được nhìn nhận đúng về bản chất hoạt động kinh tế chia sẻ khiến hoạt động kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam dễ bị lợi dụng, biến tướng và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với những người tham gia. Kinh nghiệm phát triển cho vay ngang hàng trong bối cảnh thiếu kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc cho thấy những tổn thất nghiêm trọng tới xã hội của loại hình kinh doanh này. Chính phủ Trung Quốc coi cho vay ngang hàng là hệ thống trao đổi thông tin khoản vay, khiến các quy định tương đối lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho các vi phạm. Các công ty cho vay ngang hàng tại Trung Quốc đã hoạt động ngày càng biến tướng, huy động vốn bất hợp pháp hoặc theo mô hình đầu tư đa cấp, dẫn tới hàng loạt công ty công bố phá sản và chủ doanh nghiệp ôm tiền bỏ trốn. Trong hai tháng (6-8/2018), đã có hơn 400 công ty cho vay ngang hàng của Trung Quốc dừng hoạt động. 

Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể về tư cách, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên trong quan hệ gọi vốn cộng đồng. Gọi vốn cộng đồng cần được ghi nhận như một kênh huy động vốn chính thức, được tạo điều kiện để hoạt động và quản lý trong khuôn khổ pháp luật phù hợp với nhu cầu và xu thế chung của thị trường cũng như chủ trương của Chính phủ về tận dụng khả năng của những nhà khởi nghiệp và nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội mà không sử dụng đến ngân sách nhà nước để hỗ trợ trực tiếp cho các dự án khởi nghiệp. Có thể thấy, trong khối ASEAN, Malaysia là quốc gia đầu tiên chính thức ban hành khung khổ pháp lý cho hoạt động gọi vốn cộng đồng vào năm 2015 thông qua sửa đổi và bổ sung Luật Thị trường vốn và dịch vụ. Luật quy định về số tiền đầu tư tối đa thông qua gọi vốn cộng đồng, dưới 5 triệu RM, các DN vừa và nhỏ được phép huy động số tiền lên tới 3 triệu RM trong một năm. Đối với các nhà đầu tư, số tiền đầu tư tối đa là 5.000RM cho mỗi công ty và 50.000RM mỗi năm cho tổng số tiền đầu tư dưới dạng gọi vốn cộng đồng.

Hai là, thách thức đối với an ninh mạng và bảo mật thông tin: Trong bối cảnh an ninh mạng và bảo mật thông tin tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, việc các khách hàng dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân cho các nền tảng cho vay ngang hàng khiến tăng nguy cơ rủi ro mất dữ liệu, thông tin cá nhân, tạo kẽ hở cho các vụ tấn công tin tặc. Xu hướng tội phạm công nghệ đang chuyển dần từ tấn công cơ học sang khai thác các lỗ hổng về công nghệ và người dùng. Lỗ hổng từ người dùng có thể khai thác qua việc người dùng vô tình truy cập vào những đường dẫn lạ, truy cập các trang website không an toàn. Trong khi đó, nhận thức và hành vi của người dùng trong việc đảm bảo an toàn thông tin khi truy cập mạng tại Việt Nam vẫn còn rất yếu.

Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, do đó việc ban hành các quy định, văn bản pháp lý để điều chỉnh hoạt động này là cần thiết và nên thực hiện nhanh chóng, tránh để xảy ra các tổn thất lớn cho xã hội.

Ba là, thách thức đối bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính gặp nhiều thách thức do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tài chính (Fintech), đặc biệt mô hình cho vay ngang hàng. Hình thức giám sát cơ chế bảo vệ người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính tại Việt Nam hiện nay cũng đã đang bị đánh giá là khá bị động. Theo khảo sát ở 6 quốc gia khu vực châu Á (Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam) của Tổ chức Tài chính quốc tế IFC hiện nay, hoạt động bảo vệ người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính ở Việt Nam được đánh giá là khá sơ sài.

Cụ thể, trong 6 tiêu chí để đánh giá hoạt động bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính thì Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được 2 yếu tố là: Có cơ quan quản lý khiếu nại và có hỗ trợ khách hàng bằng đường dây nóng. Các tiêu chí khác như: phổ cập các chương trình về rủi ro tiêu dùng; xử lý trực tiếp khiếu nại; nhận báo cáo khiếu nại từ các tổ chức tài chính và kiểm soát chất lượng phục vụ… đều được các quốc gia khác áp dụng nhưng chưa ghi nhận có áp dụng tại Việt Nam.

Bốn là, môi trường và văn hóa kinh doanh: Văn hóa phương Đông và tập quán kinh doanh tại châu Á thường đề cao cá nhân và bi kịch hóa sự thất bại trong kinh doanh. Việc chia sẻ và công bố rộng rãi về ý tưởng kinh doanh còn bị hạn chế do yếu tố tâm lý. Do đó, gọi vốn cộng đồng có thể giúp phát triển và mở rộng nhiều ý tưởng kinh doanh mới mẻ tại châu Âu và Bắc Mỹ nhưng lại gặp khó không chỉ riêng tại Việt Nam mà còn tại các quốc gia khác trong châu Á. Ngoài ra, với môi trường làm ăn chú trọng đến mối quan hệ như tại Việt Nam thì việc đầu tư cho một người xa lạ trên Internet không phải dễ dàng.

Bên cạnh đó, tại châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, sự sáng tạo và sự cải tiến thường không được phân biệt cụ thể. Sự khác biệt trong cách hiểu về sáng tạo giữa nền văn hóa Đông – Tây đã tạo nên sự xung đột về pháp lý, bản quyền công nghệ hay ý tưởng. Khi tham gia gọi vốn cộng đồng, chủ dự án phải minh bạch dự án, do đó thường có tâm lý lo sợ về việc mất ý tưởng khi kêu gọi cộng đồng góp vốn, đặc biệt trong môi trường kinh doanh bằng sáng chế và quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều hạn chế như tại Việt Nam.

Sự phát triển của các mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính trên thế giới và trong thời gian qua tại Việt Nam cho thấy xu hướng tất yếu của mô hình này. Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển của các mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, do đó việc ban hành các quy định, văn bản pháp lý để điều chỉnh hoạt động này là cần thiết và nên thực hiện nhanh chóng, tránh để xảy ra các tổn thất lớn cho xã hội.  

Tài liệu tham khảo:

  1. Đỗ Thị Nhung (2018), Phát triển mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam và một số đề xuất, Tạp chí Tài chính;
  2. BIDV (2018), Báo cáo phân tích về hoạt động cho vay ngang hàng;
  3. Bachmann, A., Becker, A., Buerckner, D., Funk, B. (2011), Online Peer-to-Peer Lending – A literature review. Journal of Internet Banking and Commerce;
  4. Davis, Kevin Thomas and Murphy, Jacob, Peer to Peer Lending: Structures, Risks and Regulation (October 31, 2016), Kevin Davis and Jacob Murphy "Peer to Peer Lending: Structures, Risks and Regulation" JASSA: The Finsia Journal of Applied Finance, 2016:3, 37-44, Available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=2862252;
  5. Milne, A. and Parboteeah, P. (2016), The business models and economics of peer-to-peer lending, Research report. European Credit Research Insitute.
  6. Ranjbari, M., Morales, G., Gallego, R.C. (2018), Conceptualizing the sharing economy through presenting a comprehensive framework. Sustainability;
  7. Selloni, D. (2017), CoDesign for Public-Interest Services, Springer International Publishing AG 2017 Research for Development, DOI 10.1007/978-3-319-53243-1_2;
  8. Một số trang websites liên quan.