Luật Đầu tư công: Không nên "khóa" cải cách tài chính công

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Đây là ý kiến được đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn đại biểu TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh khi đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Đầu tư công trong phiên thảo luận tại hội trường về dự luật này chiều 24/5.

Cần bổ sung tiêu chí toàn diện để đánh giá hiệu quả, về giám sát đầu tư. Nguồn: internet
Cần bổ sung tiêu chí toàn diện để đánh giá hiệu quả, về giám sát đầu tư. Nguồn: internet
Đây là một dự luật đã được trông đợi rất lâu, được chỉnh lý và xem xét qua nhiều kỳ họp Quốc hội, vì vậy đa số các đại biểu đề nghị sớm thông qua Luật này để quản lý đầu tư công hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự luật trước khi thông qua ngày 18/6 tới theo dự kiến.

Làm rõ khái niệm "hiệu quả đầu tư"

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, Luật phải tạo đột phá về thể chế, phải gắn kết với các luật liên quan, phải phân định rõ thẩm quyền, gắn với trách nhiệm cá nhân ở từng ngành, từng địa phương, hạn chế thấp nhất tiêu cực lãng phí trong đầu tư công.

Theo đại biểu này, điều quan trọng hàng đầu để chấn chỉnh đầu tư công là phải làm rõ khái niệm hiệu quả đầu tư công, tạo cơ sở để đánh giá trách nhiệm. Đây là căn cứ không thể thiếu khi quyết định chủ trương đầu tư, là động lực nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong đầu tư công. Hiện nay, việc đánh giá hiệu quả chưa toàn diện về mặt kinh tế, xã hội, môi trường và thực tế đã có nhiều bài học về vấn đề này. Đồng thời, cần thống nhất chế tài xử lý các vi phạm, bởi chỉ quy định bồi thường là chưa thoả mãn với việc vi phạm trong quản lý thiết kế, tư vấn thiết kế đầu tư.

Đồng thuận với quan điểm đó, đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị bổ sung, đề cao nguyên tắc đảm bảo hiệu quả đầu tư. Trong thực tế, có những dự án đã thực hiện đúng quy trình, thủ tục nhưng hiệu quả rất hạn chế. Vì vậy, cần bổ sung tiêu chí toàn diện để đánh giá hiệu quả, về giám sát đầu tư.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đề xuất, Luật cần có điều khoản cụ thể bảo vệ quyền lợi của bên tư nhân trong dự án đầu tư công có tư nhân góp vốn, để thu hút nhà đầu tư này tham gia các dự án đầu tư công.

Nên quy định mở về phân loại dự án

Một quy định nhiều đại biểu băn khoăn là quy định về tiêu chí phân loại dự án, phê duyệt dự án. Đại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng, Luật cần cụ thể hoá các tiêu chí phân loại, dự án nhóm A, B, C. Luật này mới chỉ dựa vào quy mô dự án mà chưa dựa vào nguồn vốn, chưa tạo điều kiện, khuyến khích địa phương tự cân đối nguồn vốn đầu tư. Đồng thời chưa quy định rõ về trách nhiệm trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư cũng như các trách nhiệm liên quan.

Vì vậy, đại biểu đề nghị điều chỉnh quy định, giao cho địa phương tự quyết định phê duyệt dự án nhóm A từ nguồn địa phương, để địa phương tự chịu trách nhiệm. Đối với các dự án nhóm C, đại biểu đề nghị cho Hội đồng nhân dân quyết định cụ thể, bởi 99% các dự án địa phương là nhóm C, nếu chỉ giao cho một người lãnh đạo quyết định là không ổn.

Hết sức ủng hộ việc thông qua Dự luật, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, đây là kết quả tốt nhất có thể đạt được trong điều kiện thể chế tài chính công hiện hành. Tuy nhiên, đại biểu cũng đặc biệt nhấn mạnh những băn khoăn của mình.

Theo đại biểu, Luật Đầu tư công là một phần quan trọng trong thể chế tài chính công, mà chi phối lớn nhất hiện nay với thể chế tài chính công là Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, liên quan đến quyền tự chủ về ngân sách địa phương. Hai luật này mở ra hướng đổi mới một cách triệt để về thể chế tài chính công. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn nếu như dựa trên nền luật này thì có thể sẽ đóng khung, cản trở tiến trình đổi mới mạnh mẽ của hành chính công, tài chính công.

Vì vậy, đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị nên quy định mở về điều khoản phân định dự án đầu tư A, B, C liên quan đến tính chất của nguồn vốn, theo cơ chế tự chủ của ngân sách địa phương hay do Quốc hội phân bổ. “Quy định thế nào để có điều khoản mở, không khoá lại tiến trình cải cách toàn bộ về vấn đề hành chính công, tài chính công mà chúng ta sẽ đổi mới theo Hiến pháp mới”, đại biểu đề nghị.

“Nếu không cải cách hai lĩnh vực đó theo Hiến pháp mới, thì giải quyết đầu tư công theo luật này chỉ giải quyết được cái ngọn, chưa giải quyết được gốc. Tôi nêu vấn đề này không phải để cản trở việc thông qua mà rất ủng hộ. Nhưng nếu không dự liệu điều này, thì khi thảo luận các luật kia, lại lấy luật này làm căn cứ, có nghĩa là chúng ta chấm hết tiến trình cải cách về tài chính công và hành chính công”, đại biểu cho biết.