Luật Quản lý thuế (sửa đổi) áp dụng hóa đơn điện tử trên diện rộng

Theo Trung Kiên/tapchithue.com.vn

Chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/7/2007, sau hơn 10 năm đi vào cuộc sống, Luật Quản lý thuế (QLT) đã tạo khung pháp lý cơ bản để thống nhất chính sách quản lý thu, đồng bộ với các luật thuế và hệ thống pháp luật nói chung. Tuy nhiên, để nội luật hóa đầy đủ hơn các chuẩn mực quốc tế, đồng thời tạo hành lang pháp lý để điện tử hóa công tác quản lý, Luật QLT đang được Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi và lấy ý kiến rộng rãi để tiếp tục hoàn thiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Kết quả sau 10 năm thực hiện
Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật QLT đã thay đổi căn bản phương pháp quản lý theo cơ chế người nộp thuế (NNT) tự tính, tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nghĩa vụ thuế. Cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế chủ yếu theo chức năng kết hợp một phần với quản lý theo đối tượng và hướng tới quản lý rủi ro dựa trên cơ sở thông tin về NNT.
Trên cơ sở này, các chức năng quản lý thuế ngày càng được chú trọng cả về chiều sâu và chiều rộng. Theo đó, công tác tuyên truyền hỗ trợ được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú đa dạng, cập nhật công nghệ hiện đại.
Công tác quản lý kê khai thuế, hoàn thuế được ứng dụng điện tử với hệ thống khai thuế điện tử đã triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% các chi cục thuế trực thuộc với trên 635.000 doanh nghiệp tham gia sử dụng, đạt tỷ lệ 99,94% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động (tính đến 31/7/2017).
Cạnh đó, có 8.300 doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử; riêng trong năm 2017, ngành thuế đã giải quyết trên 6.600 hồ sơ hoàn thuế với số tiền được hoàn là 35.052 tỷ đồng theo phương thức điện tử.
Việc ra quyết định thanh kiểm tra thuế đã cơ bản được thực hiện trên cơ sở thu thập và phân tích thông tin, đánh giá mức độ tuân thủ và xác định rủi ro, phân loại doanh nghiệp. Qua 10 năm, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra bình quân 51.863 doanh nghiệp/năm; phát hiện truy thu và phạt qua thanh tra, kiểm tra bình quân 11.554 tỷ đồng/năm.
Cùng lúc, hiệu quả công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế ngày càng được nâng cao; tỷ trọng nợ chờ xử lý trên tổng nợ có xu hướng giảm dần từ 22,9% (tại thời điểm 31/12/2009), xuống còn 4,32% (tại thời điểm 31/12/2015).
Tốc độ tăng nợ thuế cũng có xu hướng giảm dần, nếu như năm 2013 tăng 37,3% so với năm 2012, thì năm 2015 tăng 0,4% so với năm 2014, năm 2016 giảm 2% so với năm 2015, năm 2017 giảm 2,8% so với năm 2016.
Có thể nói, Luật QLT là bước tiến quan trọng, tạo sự đồng bộ và nâng cao tính rõ ràng, minh bạch; tăng cường vai trò giám sát của Nhà nước, xã hội trong công tác quản lý thuế, tạo cơ sở để ngành thuế thực hiện nhiệm vụ thu đúng, thu đủ vào ngân sách. Đồng thời, góp phần kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý thuế hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả. 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật QLT cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đáng chú ý là, quy định về chính sách quản lý chưa bắt kịp với sự thay đổi của chính sách tại từng sắc thuế, dẫn đến những hạn chế trong công tác tổ chức thu thuế, chưa bao quát hết các nguồn thu phục vụ cho việc mở rộng cơ sở thuế.
Quy định về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế mặc dù đã được ban hành, nhưng chưa theo kịp với thực tiễn phát triển của giao dịch thương mại toàn cầu, chưa hỗ trợ tốt cho mục tiêu hiện đại hóa quản lý thuế, chức năng. Thẩm quyền của cơ quan thuế cũng chưa được bổ sung kịp thời với diễn biến phức tạp của tội phạm trong lĩnh vực thuế, làm giảm hiệu quả của hoạt động đấu tranh, xử lý vi phạm về thuế.
Ngoài ra, Luật QLT đã có những điểm chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Chưa kể, một số quy định trong Luật QLT chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan đã được sửa đổi, thay thế hoặc không còn phù hợp với thực tế làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thuế và làm phát sinh vướng mắc khi tổ chức thực hiện.
Nhiều điểm mới tác động đến doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh  
Để xây dựng mô hình quản lý thuế hiện đại, hoạt động hiệu quả, chính sách thuế minh bạch, quy trình thủ tục hành chính đơn giản khoa học trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, có tính liên kết, tự động hóa cao, Luật QLT đang tiếp tục được hoàn thiện theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, trong đó có bổ sung thêm các quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) và phân loại hộ kinh doanh (HKD) theo quy mô để có biện pháp quản lý phù hợp.
Trên thực tế, mặc dù pháp luật hiện hành đã có quy định về HĐĐT, nhưng chưa bắt buộc áp dụng rộng rãi, nên đa số các doanh nghiệp vẫn chọn sử dụng hóa đơn giấy. Việc sử dụng hoá đơn giấy phổ biến theo hình thức đặt in, tự in và không có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế nên một số đối tượng đã lợi dụng để mua  bán hóa đơn bất hợp pháp.
Tuy nhiên, các văn bản hiện hành lại chưa tạo điều kiện pháp lý đầy đủ cho việc triển khai rộng rãi, phổ biến HĐĐT trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 
Để khắc phục triệt để vấn đề này, dự thảo Luật QLT sửa đổi quy định, những doanh nghiệp đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, không thuộc loại có rủi ro về thuế khi bán hàng hóa, dịch vụ phải xuất HĐĐT; các doanh nghiệp khác sử dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế. Hộ kinh doanh quy mô lớn có nhu cầu sử dụng hoá đơn thường xuyên có thể sử dụng HĐĐT khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ.
Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không sử dụng HĐĐT, thì sử dụng máy tính tiền có phần mềm bán hàng hoặc thiết bị thanh toán có kết nối với cơ quan thuế và phải có hoá đơn giấy in từ máy tính tiền hoặc phần mềm bán hàng giao cho người mua.
Một số trường hợp do đặc thù kinh doanh hoặc do điều kiện địa lý thuộc vùng sâu, vùng xa không áp dụng được HĐĐT thì áp dụng hóa đơn giấy, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. 
Đối với HKD trong lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng ăn uống, vui chơi giải trí thường giao dịch thanh toán bằng tiền mặt, cơ quan thuế sẽ tăng cường quản lý thông qua việc đẩy mạnh sử dụng HĐĐT, kết nối thông tin doanh thu bán hàng thông qua máy tính tiền hoặc các thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán.
Đối với HKD quy mô nhỏ, vẫn áp dụng hình thức thuế khoán như hiện nay, song sẽ tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương và các tổ chức có liên quan trên địa bàn trong việc kiểm soát hạn chế tối đa việc khoán thuế không sát thực tế.