Maersk lạc quan về môi trường kinh doanh Việt Nam

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Tỷ lệ lạm phát thấp và tiền đồng ổn định đã góp phần phát triển hoạt động kinh doanh của Damco tại Việt Nam ở mức 10% trong năm nay, và dự báo lạc quan cho năm 2014.

Maersk lạc quan về môi trường kinh doanh Việt Nam
Việt Nam tiếp tục là điểm đến gia công sản xuất hấp dẫn. Nguồn: internet

Thông tin trên được ông Marco Civardi, Giám đốc điều hành Damco tại Việt Nam cho biết trong Báo cáo Thương mại Việt Nam trong 3 quý đầu năm 2013 ngày 10/12 tại TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn A.P. Moller-Maersk (Đan Mạch).

Trong đánh chung tình hình kinh tế Việt Nam, theo Maersk nhiều triển vọng tích cực đã đang đến với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng ổn định và giá trị giao dịch thương mại gia tăng trong 3 quý đầu năm 2013.

Về dài hạn “Việt Nam tiếp tục là điểm đến gia công sản xuất hấp dẫn với các lợi thế cạnh tranh như chi phí nhân công thấp, vị trí địa lý chiến lược, cơ sở hạ tầng cảng nước sâu thuận lợi, dẫn đầu về xuất khẩu nông sản, tăng trưởng GDP cao, ổn định chính trị lâu dài và Nhà cước cam kết tăng cường ổn định và phát triển kinh tế”, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Tổng Giám đốc Maersk Line Việt Nam & Campuchia nhận định.

Nhìn nhận về khả năng gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) của Việt Nam rất cao. Maersk nhận định sẽ có một cuộc đổi mới tiếp theo trong quá trình tự do hóa kinh tế ở Việt Nam với vai trò trung tâm sản xuất vành đai Thái Bình Dương.

Nhìn nhận về cơ hội TTP, Maersk cho biết, Việt Nam sẽ trở thành thị trường cạnh tranh hơn nhờ lợi thế là trung tâm sản xuất mới ở khu vực Thái Bình Dương. Trong số mười hai quốc gia tham gia TPP thì Việt Nam có chi phí nhân công thấp nhất và điều này giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có khả năng cạnh tranh nhất đặc biệt là trong ngành công nghiệp dệt may và may mặc. Việc tái cơ cấu nguồn lực như hiện nay sẽ mang lại cho Việt Nam một lợi thế đáng kể so với Trung Quốc.

Maersk cho biết, trong những tháng gần đây dòng FDI từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đổ vào Việt Nam để xây dựng nhà máy trong lĩnh vực dệt may tăng lên nhanh chóng, với mong muốn đón đầu hướng thuế quan 0% thay vì mức thuế từ 17-35% khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức  của TTP.

Tuy nhiên, cũng còn có rất nhiều thách thức và hạn chế đi kèm với hiệp định TPP, cụ thể là trong các lĩnh vực quản lý phát triển, vấn đề thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ và những ràng buộc nhất định như là "quy định về nguồn gốc xuất xứ của sợi" ("yarn forward rule of origin”).

“Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu của mình, và hiện nay có tới gần 90% nguyên liệu và máy móc được nhập khẩu từ các nước khác, bao gồm cả Trung Quốc và các đối tác khác không phải là thành viên TPP”, ông Marco Civardi, Giám đốc điều hành Damco tại Việt Nam và Campuchia, cho biết thêm. Việt Nam sẽ cần phải xây dựng các ngành công nghiệp nội địa trong vài năm tới, điều đó sẽ giúp Việt Nam hưởng những lợi ích của TPP một cách đầy đủ”.

Cảng bãi là một mảng thuộc cơ sở hạ tầng Việt Nam dự kiến được hưởng lợi từ TPP. Ông Robert Hambleton, Giám đốc điều hành Cảng Quốc tế Cái Mép (Cai Mep International Terminal - CMIT) giải thích CMIT hiện đang phục vụ các tuyến đi Mỹ và với bất kỳ hiệp định thương mại nhằm thúc đẩy quan hệ kinh doanh giữa Việt Nam và Bắc Mỹ sẽ dẫn đến nhu cầu cần phải có những con tàu lớn hơn để phục vụ các tuyến hàng hải nối liền giữa hai khu vực này. Điều này có nghĩa là CMIT cũng sẽ được hưởng lợi.

CMIT cùng với các cảng nước sâu khác tại Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những thách thức dư thừa công suất cảng do làn sóng đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực này từ giữa những năm 2000. Tuy nhiên, CMIT tin tưởng mạnh mẽ vào tiềm năng tăng trưởng lâu dài của Việt Nam và những thách thức về dư cung sẽ được cải thiện trong một thời gian nhất định, với sự phát triển của đất nước, những hiệp định thương mại như TPP và các con tàu lớn hơn đang gia nhập thị trường.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng gánh chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khi thương mại của Châu Âu và Mỹ đang đối mặt với tốc độ tăng trưởng chậm lại, ở quanh mức 5%. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ La-tinh và châu Phi.

Giao dịch thương mại bằng container giữa các quốc gia tại châu Á có mức tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới và Việt Nam là một trong các quốc qia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất. "Châu Á là một nơi hứa hẹn nhiều cơ hội với tốc độ tăng trưởng GDP vượt xa phần còn lại của thế giới và nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các quốc gia Châu Á không ngừng tăng lên theo từng năm," Ông Albert Van Rensburg, Giám đốc MCC Transport Việt Nam & Campuchia cho biết.

Tập đoàn A.P. Moller-Maersk gồm nhiều công ty hoạt động trong hai ngành công nghiệp chính là vận tải và năng lượng. Maersk thành lập văn phòng đại diện đầu tiên của mình tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 1991. Hiện nay có bốn bộ phận kinh doanh khác nhau trực thuộc Công ty TNHH Maersk Việt Nam: Maersk Line là hãng vận tải container lớn nhất thế giới; Damco là một trong những nhà cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu thế giới; MCC Transport là Hãng vận tải nội Á và Safmarine là Hãng vận tải container chuyên phục vụ các tuyến vận tải châu Phi.