Mạnh tay với dự án FDI chậm triển khai

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Là tâm điểm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của cả nước song trong thời gian qua, một số địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã mạnh dạn thu hồi những dự án chậm triển khai. Thay vào đó các địa phương sẽ lựa chọn kỹ dự án đăng ký mới theo hướng ưu tiên dự án công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, tài nguyên.

Mạnh tay với dự án FDI chậm triển khai
Một số địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã mạnh dạn thu hồi những dự án chậm triển khai. Nguồn: internet
Kiên quyết thu hồi

Bà Bồ Ngọc Thu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đồng Nai - cho biết, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã kiên quyết thu hồi 22 dự án được cấp phép nhưng chậm triển khai. Đặc biệt, tỉnh cũng quyết định rút giấy chứng nhận đầu tư đối với siêu Dự án xây khu trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch có tổng mức đầu tư 2 tỷ USD do Công ty Berjaya Leisure Cayman làm chủ đầu tư.

Cùng với Đồng Nai, Bình Dương rất quyết tâm trong việc giải quyết tình trạng dự án chậm triển khai. Theo đó, hàng trăm ha đất dự án bất động sản (BĐS) chậm triển khai trên địa bàn vừa bị Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ra quyết định thu hồi. Trong đó TP. Thủ Dầu Một có tới 7 dự án BĐS bị thu hồi với tổng diện tích hơn 265 ha. Ngoài ra, UBND TP. Thủ Dầu Một cũng vừa rà soát một số dự án khác đang triển khai trên địa bàn nhằm theo dõi, đôn đốc, thúc đẩy tiến độ thực hiện đúng như giấy phép.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ đầu năm đến nay cũng đã thu hồi 7 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Đồng thời đã thu hồi giấy phép đầu tư và chủ trương đầu tư của 14 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, diện tích hơn 750ha. Tỉnh sẽ kiên quyết xử lý những dự án chậm triển khai mà nguyên nhân do chính chủ đầu tư.

Tìm giải pháp căn cơ

Thực tế cho thấy, có một số dự án FDI chậm triển khai bởi những lý do khách quan như nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. Với những trường hợp này cần xem xét rút giấy chứng nhận đầu tư, thậm chí có biện pháp tích cực hỗ trợ nhà đầu tư bởi đây chính là những nhà đầu tư có nhu cầu, mong muốn đầu tư thật sự.

Với những dự án FDI xin cấp phép chỉ để giữ đất, nhà đầu tư không có năng lực thực hiện thì việc kiên quyết rút giấy chứng nhận đầu tư là cần thiết nhằm làm trong sạch, lành mạnh môi trường đầu tư.

Bà Nguyễn Phương Lan – Phó Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai– nhấn mạnh, bên cạnh việc thu hồi các dự án chậm tiến độ, phải có biện pháp thúc đẩy các dự án chậm triển khai, xử lý các dự án không triển khai để dành đất đai cho các dự án mới khả thi. Vì vậy, nhằm đảm bảo cho các nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện dự án đã đăng ký, các ngành chức năng liên quan thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, làm việc với các chủ đầu tư để tháo gỡ vướng mắc và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ của các dự án.

Mới đây, Bộ KH&ĐT đã có công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bổ sung vào giấy chứng nhận đầu tư một số điều khoản quy định về việc chuyển nhượng dự án hoặc thay đổi chủ đầu tư của Doanh nghiệp phải được sự chấp thuận của cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, để bảo đảm tính khả thi của dự án, có thể quy định một khoản tiền ký quỹ hoặc một hình thức khác tương đương...