Mặt trái của xuất khẩu

Theo hanoimoi.com.vn

(Tài chính) Năm 2013 tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét về kết quả xuất khẩu của nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu cũng bộc lộ những điểm yếu, thậm chí còn ở mức độ ngày càng trầm trọng hơn, đó là sự mất cân đối về cơ cấu thị trường cũng như tỷ trọng đóng góp của các khu vực vào tổng kim ngạch xuất khẩu chung…

 Mặt trái của xuất khẩu
Xuất khẩu còn mất cân đối về cơ cấu thị trường cũng như tỷ trọng đóng góp của các khu vực vào tổng kim ngạch xuất khẩu chung… Nguồn: internet
Doanh nghiệp "nội" lép vé

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài năm qua đạt 88,4 tỷ USD, chiếm tới 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của các DN trong nước chỉ chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong năm 2013, thể hiện sự yếu kém của khu vực này. Thực ra, sự "lép vế" của DN "nội" về xuất khẩu đã diễn ra từ những năm trước, với mức độ ít trầm trọng hơn, nhưng đáng tiếc là không những không được chấn chỉnh để khắc phục mà ngày càng tiếp tục theo hướng tiêu cực.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu của DN "nội" cũng chậm được đổi mới, hầu như không xuất hiện thêm các thị trường mới với kim ngạch xuất khẩu quy mô lớn. Vì vậy, diễn biến xuất khẩu rất phụ thuộc vào tín hiệu và tình hình thực tiễn trên một số thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, các nước ASEAN hoặc Trung Quốc. Từ đó, nếu xuất hiện những yếu tố bất lợi thì DN "nội" khó có khả năng ứng phó kịp thời và phải gánh chịu thiệt hại.

Bên cạnh đó, cơ cấu hàng xuất khẩu cũng chưa được đổi mới như mong muốn, hiện vẫn tập trung chủ yếu vào nhóm hàng khoáng sản hoặc nông sản gồm dầu thô, gạo, hải sản, cao su, cà phê… sơ chế nên giá trị gia tăng không cao. Mặt khác, đến nay những mặt hàng này đều đã được khai thác đến ngưỡng, rất khó tăng thêm về sản lượng; thậm chí không nên khuyến khích xuất khẩu (như dầu thô) vì cần thiết để lại phục vụ nhu cầu lâu dài trong nước.

Doanh nghiệp "ngoại": Tính lan tỏa chưa cao

Các DN đầu tư nước ngoài đang tăng trưởng không ngừng, đạt tốc độ tăng rất cao trong nhiều năm, bỏ xa khối DN trong nước. Đó là nguyên nhân khiến một số chuyên gia băn khoăn về việc các DN "ngoại" chưa làm tốt vai trò cung cấp công nghệ và cơ hội hợp tác đối với DN "nội" nên tính lan tỏa chưa cao. Hầu hết DN đầu tư nước ngoài đều tập trung khai thác nguồn nhân công giá rẻ, mặt bằng, tài nguyên, chi phí quản lý thấp, nhất là thuế suất thấp để đầu tư sản xuất hàng tại Việt Nam nhằm mục tiêu xuất khẩu.

Nếu so sánh với tình hình chung trên thế giới có thể thấy một số nước tiếp nhận đầu tư nước ngoài mạnh và đã khéo léo kết hợp, tạo cơ chế để DN đầu tư nước ngoài trở thành động lực thúc đẩy, hỗ trợ cho DN "nội" cùng phát triển; từ đó cả nền kinh tế sẽ có cơ hội phát triển hài hòa và ổn định từ sự gắn kết giữa hai thành phần quan trọng này.

Thậm chí, có ý kiến cho rằng, nhiều DN nước ngoài đã "phớt lờ" thiện chí hợp tác, chuyển giao công nghệ cho đối tác Việt Nam mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận kinh tế thuần túy. Bởi đến nay số DN đầu tư nước ngoài mua sản phẩm, linh kiện của DN "nội" còn ít, lại chỉ tập trung vào một số loại sản phẩm đơn giản, giá trị thấp.

Đơn cử, sau khoảng 20 năm xuất hiện các dự án liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô nhưng hiện chưa có đơn vị nào có mức nội địa hóa sản phẩm hơn 20%. Điều đó có nghĩa là cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của DN "nội" rất hạn chế. Đó là nguyên nhân gây khó khăn cho mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nói chung.

Tuy vậy, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, năng lực và trình độ sản xuất của DN "nội" còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, kiểu dáng công nghiệp cũng như đơn hàng số lượng lớn khi DN đầu tư nước ngoài đề nghị DN "nội " cung cấp. Như vậy, các DN sản xuất trong nước cũng phải nỗ lực vượt lên, chủ động đầu tư thay đổi công nghệ, tìm bạn hàng là DN "ngoại" để khẳng định năng lực và phát triển nhanh trong thời gian tới.