Mậu dịch tự do 2014: Cám treo mà heo nhịn đói!

Theo motthegioi.vn

(Tài chính) Trong khi doanh nghiệp nước ngoài hăm hở tiến vào Việt Nam bằng thế mạnh, hàng hóa xuất xứ của chính họ thì Việt Nam ngậm ngùi vì thiếu “tay thuận” và thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào để có thể hưởng ưu đãi thuế FTA, dù lẽ ra phải là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.

Mậu dịch tự do 2014: Cám treo mà heo nhịn đói!
Mọi thứ mà các FTA bày ra bàn đều không phải dễ "ăn". Nguồn: internet
Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EU), Hiệp định Đối tác xuyên châu Á - Thái Bình Dương (TPP), cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (AEC)... là những từ khóa mậu dịch tự do sẽ được nhắc đến nhiều trong năm 2014.

Những sân chơi này hứa hẹn nhiều ưu đãi thuế quan xuất khẩu, trong bối cảnh hàng Việt muốn vươn ra thế giới để nâng cao giá trị. Tuy nhiên, đến khi làm thủ tục gia nhập, nhiều người mới giật mình vì mọi thứ mà các FTA bày ra bàn đều không phải dễ ăn.

Muốn “ăn” thuế quan 0% phải...

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, trong một lần chia sẻ với báo chí về tầm nhìn xây dựng kinh tế của Thụy Sĩ, có nói người Thụy Sĩ ngoài việc tập trung vào phát triển kinh tế mũi nhọn còn lưu ý kỹ cái gì chưa có thì nỗ lực tạo ra.

Đây là tư duy rất quan trọng trong việc tự chủ nguồn nguyên liệu, đảm bảo nguyên tắc xuất sứ hàng hóa khi tham gia vào sân chơi FTA. Bởi lẽ, để hưởng được ưu đãi thuế quan, hàng hóa nội khối FTA phải được chính quốc gia đó sản xuất (gồm nguyên liệu, phụ liệu nội địa hoặc nhập khẩu nội FTA).
Tuy nhiên khi nước đã lên đến cổ, các FTA rục rịch đi vào chặng đường đàm phán cuối thì Việt Nam vẫn còn mắc kẹt yêu cầu chứng minh nguồn gốc nguyên liệu với hàng hóa xuất khẩu.

Đơn cử, dệt may và da giày là hai ngành đang phải “khốn đốn” trước FTA Việt Nam - EU, cũng như TPP. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 820.000 tấn nguyên liệu, rất nhiều (khoảng 70%) trong đó là từ Trung Quốc - quốc gia không tham gia vào các FTA và TPP mà Việt Nam tham dự sắp tới.

Năm 2013, báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ rõ nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài do ngành công nghiệp phụ trợ còn quá yếu. Do đó, Việt Nam đã tăng cường nhập nguyên phụ liệu dệt may, giày dép, đạt 3,7 tỉ USD, tăng 18,7% so với năm 2012. Trước đó năm 2012, lượng bông nhập khẩu lên tới 415.000 tấn (chiếm 99%). Dù sản xuất nguyên liệu, tạo dựng các ruộng bông không phải là quá khó. Tuy nhiên, lượng bông sản xuất nội địa hiện nay chỉ chiếm 1% nhu cầu.

Như vậy, cái “chết” là ở chỗ, vì nhập nguyên liệu từ Trung Quốc nhiều nên xuất sử hàng hóa Việt Nam không đảm bảo yêu cầu để có thể nhận miễn thuế khi xuất khẩu sang EU hay thị trường TPP.

“Chúng tôi không phải hợp tác với Trung Quốc”

Đó là phát biểu của ông Mauro Petriccione, Bộ trưởng Đại diện đàm phán thương mại Việt Nam - EU, khi thảo luận về FTA của Việt nam - EU. Vấn đề gây tranh cãi lớn nhất hiện nay là xuất sứ hàng hóa.
Đối với hàng hóa Việt Nam nhập vào EU, xuất xứ hàng hóa sẽ được xem xét trực tiếp vào mức thuế nhập khẩu.

Chẳng hạn, quần áo nhiều nước chịu mức thuế 12% khi nhập khẩu vào thị trường EU. Tuy nhiên, quần áo có xuất xứ từ Việt Nam thì mức thuế chỉ còn 9,6%. Bên cạnh đó, mặt hàng giày các loại muốn vào EU phải chịu mức thuế 16,9%, nhưng riêng hàng từ Việt Nam sẽ được giảm thuế còn 13,4%. Mức giảm thuế tuy không lớn về mặt con số, tuy nhiên giá trị giảm thuế này có khi lên đến hàng triệu Euro.
Tuy nhiên, nếu mặt hàng dệt may Việt Nam được làm từ vải sợi nhập từ Trung Quốc hoặc các nước khác, thì lượng hàng xuất khẩu đó vẫn phải chịu mức thuế cao hơn khi vào EU. Như vậy, vì “hàng hóa nguyên liệu từ Trung Quốc” mà hàng hóa Việt Nam chẳng được ích lợi gì.

Phát biểu trên tờ New York Times, ông Mauro Petriccione, Bộ trưởng đại diện đàm phán thương mại Việt Nam - EU, nhấn mạnh tại cuộc họp nội bộ với các doanh nghiệp dệt may, da giày tại EU: “Chúng ta không khắt khe, cũng không có những quan điểm cứng nhắc về việc tổ chức và sản xuất sản phẩm. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có giải pháp để có thể làm rõ các quy định về nguồn gốc xuất sứ của sản phẩm dệt may Việt Nam. Bởi lẽ chúng ta đang hợp tác với Việt Nam, chứ không phải hợp tác với Trung Quốc”, Mauro Petriccione nhấn mạnh.

Trên bàn đàm phán TPP, xuất xứ hàng hóa ngành dệt may, da giày Việt Nam cũng gặp khó khăn tương tự. Các nước đàm phán yêu cầu hàng xuất khẩu Việt Nam không được vượt yêu cầu về nguyên liệu. Sẽ không có ưu đãi thuế nào cho hàng Việt Nam nếu xuất xứ hàng hóa từ… Trung Quốc.
Trong khi đó, chính doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc lại chuẩn bị được nguồn nguyên liệu, phụ liệu cho ngành dệt may, da giày tại Việt Nam. Thế nên, nhiều chuyên gia mới nhận định chỉ có “bánh xe FDI” chạy trong 4 động cơ thúc đẩy kinh tế Việt Nam, đơn giản vì họ có tầm nhìn.

FTA Việt Nam - EU, TPP, sắp tới là Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (AEC) và hàng loạt các quan hệ FTA song phương, đa phương khác sẽ mang đến cho Việt Nam nhiều đối thủ nặng ký trên toàn cầu. Trong khi doanh nghiệp nước ngoài hăm hở tiến vào Việt Nam bằng thế mạnh, hàng hóa xuất xứ của chính họ thì Việt Nam ngậm ngùi vì thiếu “tay thuận” và thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào để có thể hưởng ưu đãi thuế FTA.

Nói “cám treo mà heo nhịn đói” là vì thế!


Ngày 17/1/2014, Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam kết thúc vòng đàm phán thứ sáu của Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).

Tin từ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhận định các nhà đàm phán đã đạt được tiến triển tốt trên tất cả các chương của FTA được đề xuất. Ba lĩnh vực - hải quan và thuận lợi hóa thương mại, những rào cản kỹ thuật đối với thương mại và cạnh tranh (chống độc quyền và quy định về sáp nhập doanh nghiệp) - có sự tiến triển đặc biệt khi hai đoàn đàm phán có thể kết thúc công việc kỹ thật và đạt được thỏa thuận.

Một bầu không khí tích cực bao trùm các buổi thảo luận về phụ lục ô tô, một nội dung được thiết kế nhằm khuyến khích sử dụng những tiêu chuẩn quốc tế vào trong ngành ô tô, từ đó sẽ cải thiện môi trường đầu tư trong ngành này. Hai bên mong muốn kết thúc đàm phán vào tháng 10/2014 này.