Minh bạch để xây dựng chuỗi giá trị nông sản

Theo TS ĐÀO THẾ ANH/nhandan.com.vn

Như một nghịch lý, bên cạnh những thành tích trong xuất khẩu nông sản, thì nỗi ám ảnh giải cứu hết củ cải lại đến dưa hấu và nhiều loại khác nữa, vẫn cứ tái diễn. Không phải lần đầu chúng ta bàn đến giải pháp xây dựng chuỗi giá trị nông sản (GTNS), nhưng sẽ không thể thực thi nếu thiếu đi một cơ chế để bảo đảm tính minh bạch trong tất cả các quy trình sản xuất, chế biến.

Hiện nay, người tiêu dùng đã quan tâm nhiều hơn tới chứng nhận chất lượng nông sản thể hiện qua bao bì, nhãn mác. Ảnh: TRẦN HẢI
Hiện nay, người tiêu dùng đã quan tâm nhiều hơn tới chứng nhận chất lượng nông sản thể hiện qua bao bì, nhãn mác. Ảnh: TRẦN HẢI

Chỉ có 50% chuỗi hoạt động hiệu quả - vì sao?

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 700 chuỗi GTNS được chứng nhận là chuỗi cung ứng nông sản an toàn, nhưng chỉ khoảng 50% chuỗi hoạt động có hiệu quả. Tỷ lệ này tạo nên một bức tranh tổng thể không mấy tích cực đối với mục tiêu phát triển chuỗi GTNS.

Muốn nâng được tính hiệu quả của chuỗi phải tạo đột phá trong việc giảm chi phí giao dịch đang ở mức cao như hiện nay, và không thể không tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể, áp dụng công nghệ sau thu hoạch và chế biến thấp, chưa áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, khó khăn lớn nhất trong phát triển chuỗi GTNS chính là khâu lựa chọn và tìm kiếm doanh nghiệp (DN) đầu tàu, các DN đồng hành cùng nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo, sản xuất nhỏ, vùng sâu, vùng xa. Cũng phải lưu ý rằng, nhận thức của người dân về chuỗi hiện còn hạn chế, trong khi đó lại thiếu dịch vụ hướng dẫn, tư vấn.

Một điểm đặc thù của tiêu thụ nông sản chính là việc bảo quản sau thu hoạch, trong khi việc áp dụng công nghệ ở các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm đã được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế. Theo Cel Consulting 2018, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao như rau 32%, thịt 18% và thủy sản 12%. Đặc biệt, hệ thống hậu cần cho chuỗi giá trị nông sản cũng chưa hiệu quả khi chi phí cho logistics hiện chiếm tới 21 - 25% GDP hằng năm (cao hơn Thái-lan 6%, Ma-lai-xi-a 12% và Xin-ga-po 300%).

Mắt xích yếu trong liên kết

Để phát triển chuỗi giá trị nông sản, có nhiều chủ thể tham gia, tuy nhiên, tác nhân quan trọng nhất phải là tổ hợp tác, các hợp tác xã (HTX) kiểu mới và DN. Trong đó, cần nhấn mạnh vai trò của các HTX, tổ hợp tác, bởi qua đó, DN mới có thể hợp tác với người nông dân, chuyển giao công nghệ, áp dụng công nghệ hiện đại, cập nhật và quản lý thông tin trong chuỗi… Tuy vậy, đa phần HTX hiện nay còn yếu về năng lực quản trị.

Tín hiệu tích cực là hiện nay nhờ nắm bắt được nhu cầu của tiêu dùng, một số người dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp đã tự nguyện hình thành chuỗi. Họ đã nhận ra rằng, muốn bán được hàng hóa, thì phải tham gia chuỗi giá trị, phải minh bạch thông tin. Việc phát triển chuỗi giá trị sẽ giúp họ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó giảm tối đa tình trạng giải cứu nông sản… Thời gian qua, nhiều DN và hợp tác xã đã tự nguyện đầu tư áp dụng mã QR Code và các ứng dụng công nghệ thông tin khác trong truy xuất nguồn gốc, giúp sản phẩm minh bạch hơn, được người tiêu dùng đón nhận. Với đề án “nâng chất” cho 15.000 HTX, trong tương lai không xa, có thể hy vọng vào việc, các chuỗi giá trị sẽ được hình thành dễ dàng hơn.

Minh bạch để xây dựng chuỗi giá trị nông sản - Ảnh 1

HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (TP Hà Nội) đã sớm áp dụng KH-KT vào sản xuất. Ảnh: QUANG MINH

Mô hình quản trị thị trường nông sản kiểu mới

Trong phát triển chuỗi giá trị, quan trọng nhất là làm thế nào để liên kết (nông dân - hợp tác xã - DN) được bền vững, tránh hiện tượng phá vỡ hợp đồng hay bẻ kèo. Muốn giảm rủi ro, cần phải minh bạch hóa thông tin theo hai cách, thông qua hợp đồng đối với các sản phẩm có chất lượng đặc thù, và đa dạng hóa khách hàng.

Lâu nay, nông dân quen với việc chờ thương lái đến mua, nên rất bị động. Vậy nên, với các sản phẩm có khối lượng lớn, nông dân cần chủ động tổ chức mang ra chợ đầu mối để bán. Với các địa phương không có chợ đầu mối nông sản, chính quyền cần hỗ trợ thành lập hay kết nối…

Đối với nhiều DN, hợp tác với nông dân là vấn đề mới mẻ, còn đối với nông dân kinh nghiệm đàm phán hợp đồng cũng còn rất hạn chế, vậy nên cần có đơn vị hỗ trợ kết nối, tư vấn đào tạo về thị trường. Công tác khuyến nông cũng cần được đổi mới phương pháp và nội dung để hỗ trợ nông dân sản xuất hàng hóa, tham gia vào chuỗi giá trị hiệu quả hơn.

Nhà nước cũng cần tập trung vào việc xây dựng tiêu chuẩn, thương hiệu và hệ thống dịch vụ chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm. Nhưng cốt lõi là các DN và HTX nhận thức được và cần áp dụng công nghệ quản trị hiện đại như truy xuất nguồn gốc vào quản lý chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu thất bại của thị trường cạnh tranh hiện nay… Với sự thay đổi của cách mạng công nghiệp 4.0, một số DN và HTX trên thế giới đã bắt đầu ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật (IoT), công nghệ blockchain trong quản trị chuỗi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp. Việc truy xuất nguồn gốc đang ngày càng trở nên quan trọng trong quản trị thương hiệu.

Nhìn tổng thể, muốn phát triển chuỗi GTNS bền vững không thể thiếu được vai trò kiến tạo của Nhà nước thông qua việc ban hành các chính sách mang tính tổng hợp. Chẳng hạn như, cần có gói chính sách hỗ trợ tài chính để cải thiện năng lực thu mua sản phẩm cho người dân, đặc biệt là tạo cơ hội cho các hộ nhỏ tham gia chuỗi giá trị. Hay như cần cải cách các hiệp hội ngành hàng; thúc đẩy mối quan hệ hợp tác công - tư trong liên kết chuỗi; đổi mới cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất nông sản theo hướng tập trung, hiện đại; tăng cường liên kết các viện/trường với các DN tạo điều kiện chuyển giao công nghệ vào chuỗi giá trị…

Hiện nay, người tiêu dùng đã quan tâm nhiều hơn tới chứng nhận chất lượng nông sản thể hiện qua bao bì, nhãn mác. Theo nghiên cứu mới đây của ADB/Malica, các chuỗi sản phẩm hữu cơ có chứng nhận bằng hệ thống bảo đảm chất lượng có sự tham gia (PGS) được người tiêu dùng biết đến nhiều nhất (51%), tiếp đến là hệ thống quản lý chất lượng VietGAP với khoảng 32%.

Tuy nhiên, người tiêu dùng lại chưa hiểu biết nhiều về tiêu chuẩn và quy trình thực hành sản xuất. Vậy nên, nếu hình thành được một mô hình thể chế quản trị thị trường nông sản sẽ giúp cải thiện khả năng minh bạch thông tin kết nối người sản xuất và tiêu dùng.

Gia tăng giá trị bằng cách đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Bởi họ xứng đáng phải có được cơ hội tiêu thụ sản phẩm một cách minh bạch với chất lượng và giá cả tương thích. Đó là con đường tất yếu để không còn lặp lại điệp khúc, đến mùa là giải cứu nông sản nữa.

Nếu có công nghệ mà thể chế quản trị chuỗi chưa hoàn chỉnh, quy trình sản xuất không đồng nhất, thông tin không được cập nhật, thì càng làm người tiêu dùng mất niềm tin. Do đó, quan trọng nhất đối với chuỗi giá trị nông sản và truy xuất nguồn gốc vẫn là khả năng cung cấp thông tin minh bạch từ những người nông dân và các HTX, tổ hợp tác.