Mô hình đặc khu đặt cơ quan soạn thảo trước nhiều áp lực

Theo Ngọc Khanh/thoibaonganhang.vn

Luật Đơn vị - hành chính kinh tế đặc biệt dự kiến sẽ tiếp tục được thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 5 trong tháng 5-6/2018.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Việt Nam đã đi sau khá nhiều nước trong xây dựng đặc khu kinh tế, chứng kiến cả sự thành công cũng như thất bại của các mô hình khác nhau. Đó là lý do tại sao việc xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để tạo hành lang pháp lý vận hành các đặc khu được đánh giá là không đơn giản khi vừa phải đảm bảo tính vượt trội, vừa không trái với quy định hiện hành; vừa kế thừa bài học từ các mô hình đã có, vừa phát huy được tính đặc thù...

Dù khó, song ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, cơ quan soạn thảo luôn đảm bảo cân đối tất cả các vấn đề này.

Thưa ông, dự thảo Luật Đơn vị - hành chính kinh tế đặc biệt đã được trình lên và thảo luận tại Quốc hội vào kỳ họp thứ 4 khóa XIV. Ông có cảm nhận thế nào về sự đánh giá của các đại biểu Quốc hội xung quanh dự luật này?

Ông Trần Duy Đông: Qua kỳ họp thứ 4 cho ý kiến lần đầu, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao luật này ở 3 nội dung chính. Thứ nhất, các cơ chế, chính sách kinh tế - xã hội mà luật đưa ra đã vượt trội so với đang áp dụng tại các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, khu công nghệ cao... đồng thời cạnh tranh so với các đặc khu đang vận hành ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Tính cạnh tranh của các chính sách dành cho đặc khu trong nước đã được tư vấn, đánh giá khách quan từ các hiệp hội trong nước cũng như tổ chức quốc tế.

Thứ hai, về tổ chức chính quyền địa phương, chúng ta đã bám sát chỉ đạo của trung ương và hệ thống chính trị có sự đổi mới, Chính phủ đưa ra và ưu tiên lựa chọn mô hình trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đây là mô hình tinh gọn, đảm bảo hiệu lực hiệu quả, giải quyết nhanh chóng yêu cầu của các NĐT, người dân, đảm bảo phân quyền cho trưởng đặc khu 126 thẩm quyền trên tất cả các lĩnh vực, cùng với đó có cơ chế giám sát để tránh lạm quyền. Quan trọng hơn nữa là đề cao vai trò cá nhân trưởng đặc khu trong xử lý trách nhiệm, thậm chí bổ nhiệm các phó trưởng đặc khu.

Thứ ba là ngay cả cơ quan tư pháp cũng có đổi mới. Hiện nay đối với các chính sách thu hút đầu tư trên thế giới ngoài cơ chế ưu đãi thì các NĐT cũng quan tâm tới giải quyết tranh chấp. Theo dự thảo mới nhất của luật, hầu hết các thẩm quyền liên quan tới giải quyết sơ thẩm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, thương mại đều phân quyền cho toà án tại đặc khu, và để làm được thì Toà án Nhân dân tối cao sẽ phải cử các thẩm phán cao cấp tới đây. Đây là nội dung được đánh giá cao.

So với dự thảo luật được trình lên Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu và bổ sung thêm vấn đề gì để đảm bảo tính vượt trội của mô hình đặc khu, thưa ông?

Dự thảo mới nhất mà cơ quan soạn thảo trình lên Chính phủ đã hoàn thiện thêm mô hình hội đồng đặc khu, khác với hội đồng nhân dân hiện nay. Hội đồng đặc khu do Thủ tướng thành lập bên cạnh trưởng đặc khu, với 3 chức năng chính: tư vấn phản biện các kế hoạch lớn, ban hành các văn bản pháp quy, đánh giá hoạt động của trưởng đặc khu. Hội đồng có tối đa 11 thành viên, là đại diện các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, NĐT chiến lược...

Các thành viên này có nhiệm vụ kịp thời cảnh báo cho trưởng đặc khu, ví dụ dự án đầu tư công nhóm A thuộc thẩm quyền quyết định của trưởng đặc khu nhưng hội đồng này có thể báo cáo nếu thấy không phù hợp. Ngoài ra hội đồng còn có quyền độc lập báo cáo đánh giá hoạt động của trưởng đặc khu để kịp thời thay thế trưởng đặc khu nếu thấy vai trò chưa phù hợp. Chúng tôi cũng quy định cơ chế giám sát rất rõ, hàng năm tiếp dân với hình thức như thế nào, số ngày, ban hành các quy định rất rõ ràng… chắc chắn giám sát sẽ thực chất hơn so với các cơ chế hiện nay của chúng ta.

Về phương án giao đất và cho thuê đất, phương án được cơ quan soạn thảo đề xuất vẫn là 99 năm, nhưng tôi lưu ý rằng sẽ có rất ít dự án thực sự đáp ứng yêu cầu để được hưởng chính sách này, và dự án sẽ do Thủ tướng quyết định để đảm bảo có sự vượt trội. Ngoài ra, dự thảo luật tiếp tục hoàn thiện thêm những chính sách mới, được sự đồng thuận của Ủy ban Pháp luật Quốc hội như khu thương mại tự do, khu thương mại tự do gắn với cảng biển và sân bay, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện giảm đi rất nhiều, tiếp cận thị trường, ưu đãi thuế và hải quan cũng tốt hơn.

Một điểm mới nữa là quy định về công chức hợp đồng. Theo dự thảo chỉ có trưởng đặc khu, trưởng cơ quan chuyên môn là công chức, còn lại là công chức hợp đồng, thực hiện nhiệm vụ theo vị trí được phân công và trả lương theo kết quả công việc.

Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được đặt nhiều kỳ vọng sẽ tạo cực tăng trưởng mới cho Việt Nam. Là người trực tiếp tham gia vào dự án luật, xin ông chia sẻ về áp lực của cơ quan soạn thảo?

Luật dự kiến sẽ tiếp tục được thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 5 trong tháng 5-6/2018. Đây là luật rất khó, ở điểm là chúng ta xây dựng luật khi thế giới đã đi trước ta khá lâu, gần nhất là Trung Quốc hơn chúng ta 40 năm và sự thành công của các đặc khu trên thế giới rất khác nhau, tỷ lệ 50-50, khá nhiều nước thành công nhưng cũng nhiều quốc gia không thành công như Ấn Độ, Nam Phi, Ukraina…

Cái khó khác là chúng ta xây dựng một luật và mong muốn tạo ra sân chơi mới với thể chế vượt trội, cạnh tranh thu hút vốn FDI trong khi chúng ta gia nhập sâu rộng các FTA, các hiệp định song phương, đa phương, cắt giảm khá nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh với NĐT nước ngoài. Vậy cơ chế chúng ta có vượt trội, cạnh tranh được với quốc tế hay không là điều rất khó. Các nước đi trước luôn đổi mới về định hướng phát triển nhằm tạo thuận lợi hơn cho NĐT, đặt ra nhiều áp lực cho cả cơ quan chủ trì và thành viên Chính phủ.

Xin cảm ơn ông!

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội:

 Cần quyết sách và con người đặc biệt

 Hiện nay ngay trong thảo luận về bộ máy hành chính, bộ máy quản lý hành chính của khu hành chính - kinh tế đặc biệt, chúng ta vẫn băn khoăn để dẫn giải nó là mô hình hành chính tương đương cấp huyện hay cấp tỉnh mà chưa thống nhất đó là một mô hình hành chính địa lý đặc biệt, phù hợp với diễn biến của cuộc CMCN lần thứ 3 và thứ 4. Đúng như tên gọi yếu tố đặc biệt của các khu này chính là người đứng đầu được trao rất nhiều quyền mà Hiến pháp, luật quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy quá tập trung vào việc coi nó là mô hình hành chính cấp xã, huyện hay tỉnh đều là không thoả đáng.

 Nhìn lại kinh nghiệm phát triển ở một số mô hình kinh tế đặc thù đã góp phần cho Việt Nam cất cánh trong 30 năm đổi mới mà TP. Hồ Chí Minh là một điển hình, chúng ta có thể kể ra Trưởng Ban quản lý Khu chế xuất Tân Thuận đầu tiên ở Việt Nam là Cựu Thống đốc NHNN Lữ Minh Châu; Giám đốc, Trưởng Ban quản lý KCN cao TP. Hồ Chí Minh đầu tiên là Cựu Phó Ban kinh tế trung ương, Cựu Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Phạm Chánh Trực. Có thể thấy rằng trong trường hợp đặc biệt cần phải có những quyết sách và con người đặc biệt, không câu nệ về thứ bậc hành chính mà chúng ta đang áp dụng như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Đại biểu Quốc hội Khóa XII, XIII, Chuyên gia dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt:

Mô hình đặc khu phải xứng tầm quốc tế

Với đặc điểm về vị trí, tính chất, yêu cầu, mục tiêu, chức năng của đặc khu kinh tế, đòi hỏi phải có mô hình chính quyền phù hợp để bảo đảm thành công cho các đặc khu. Với tất cả các vấn đề đặt ra đó, một mô hình chính quyền đặc khu phù hợp với Hiến pháp là cần nhưng chưa đủ.

Chính quyền đặc khu phải có trình độ, năng lực xứng tầm quốc tế, đủ thẩm quyền quyết đáp kịp thời, tại chỗ các vấn đề của NĐT, đặc biệt là các NĐT nước ngoài, cũng như các vấn đề quan trọng về xây dựng và phát triển đặc khu. Nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và của chính quyền cấp tỉnh cần được phân cấp, phân quyền cho chính quyền đặc khu. Quan điểm của tôi là nên lựa chọn mô hình trưởng đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm như sự lựa chọn ưu tiên của Chính phủ và được đa số đại biểu Quốc hội phát biểu ủng hộ tại kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XIV.

 Tuy nhiên, cần hoàn chỉnh mô hình này để khắc phục những hạn chế như nguy cơ lạm quyền, ban hành quyết định sai lầm của trưởng đặc khu. Cụ thể cần hoàn chỉnh theo hướng bổ sung cơ chế tư vấn, phản biện bắt buộc trước khi trưởng đặc khu quyết định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định một số vấn đề quan trọng;hoàn thiện cơ chế giám sát của HĐND tỉnh đối với trưởng đặc khu;hoàn thiện cơ chế giám sát trực tiếp của nhân dân đặc khu đối với trưởng đặc khu; trong tương lai, sau một thời gian thử nghiệm và sau khi đặc khu đã phát triển ổn định, cần sửa luật để áp dụng mô hình nhân dân đặc khu trực tiếp bầu trưởng đặc khu theo giới thiệu của Thủ tướng Chính phủ.