Mời nhà đầu tư: Phải là “mời định cư”!

Việt Nguyễn - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KH&ĐT) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2014, 3 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ đang đứng đầu cả nước về thu hút FDI. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh đứng thứ nhất, với khoảng 12,9% tổng vốn, Bình Dương đứng thứ 2 với 12,8% và Đồng Nai đứng thứ 3, với 10% tổng vốn FDI cả nước.

Theo Sở KH&ĐT TP. Hồ Chí Minh, tính chung 6 tháng đầu năm 2014, TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 1,08 tỷ USD vốn FDI đăng ký, gồm cả cấp mới và tăng vốn, bằng 202% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, kinh doanh bất động sản đứng đầu, với số vốn 386 triệu USD. Tiếp theo là công nghiệp chế biến chế tạo, có vốn đăng ký là 234 triệu USD. Đứng thứ ba là buôn bán và bán lẻ, với khoảng 200 triệu USD. Và thứ tư, là sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác, với 178 triệu USD vốn đầu tư…

FDI công nghiệp: được quyền lựa chọn

Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương cho biết trong 6 tháng đầu năm 2014, tỉnh Bình Dương đã thu hút 1,014 tỷ USD vốn FDI, gồm 83 dự án đăng ký mới với tổng số vốn 400 triệu USD và 69 dự án điều chỉnh vốn tăng thêm 614 triệu USD. Dự kiến cả năm, thu hút FDI của tỉnh sẽ bằng so với thực hiện năm 2013 khoảng 1,4 tỷ USD.

Thống kê của Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết tổng số vốn FDI thu hút của tỉnh từ đầu năm đến 15/7 là 834 triệu USD, trong đó có 40 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký 351 triệu USD; 34 dự án tăng vốn với tổng vốn đăng ký 482,54 triệu USD.

Điều này cho thấy sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu… đã mang lại niềm tin cho doanh nghiệp.

Cùng với việc cải thiện môi trường, thực hiện các chính sách thu hút mạnh dòng vốn FDI các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ cũng đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng của dòng vốn FDI thông qua việc thu hút các dự án có trình độ công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, không gây ô nhiễm môi trường và có tác động lan tỏa sang các ngành, lĩnh vực khác trong vùng.

Cụ thể, theo Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương, xu hướng đầu tư vào các lĩnh vực như thương mại, dịch vụ, phát triển đô thị, sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như chip điện tử, phụ kiện máy tính, camera, phụ tùng ô tô… đang được các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện ngày càng nhiều.

Ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Đầu tư Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza), cho biết hiện các dự án FDI vào TP. Hồ Chí Minh đều hướng đến sản xuất sạch, như cơ khí, dược phẩm, chế biến thực phẩm và công nghệ sinh học, công nghệ cao và công nghệ thông tin do đây là những ngành ưu tiên thu hút đầu tư của Thành phố, doanh nghiệp (DN) đầu tư sẽ được nhiều ưu đãi về thuế, đất đai và nguồn nhân lực.

Mời nhà đầu tư: Phải là “mời định cư”! - Ảnh 1

Năm 2014, do thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án ở một số lĩnh vực trọng điểm như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường, lĩnh vực dịch vụ, hạ tầng... nên chỉ tiêu thu hút vốn FDI mà tỉnh Đồng Nai đặt ra chỉ ở mức 700 - 900 triệu USD.

Lý giải về nguyên nhân đề ra chỉ tiêu thu hút vốn FDI thấp hơn so với năm trước, bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai, cho biết trước đây tình trạng cấp phép đầu tư quá dễ dãi nên nhiều DN FDI vào đầu tư không quan tâm bảo vệ môi trường. Vì vậy, năm 2014, tỉnh sẽ không thu hút FDI bằng mọi giá.

“Hơn nữa, 31 khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã đạt tỷ lệ lấp đầy khá cao, nên thu hút FDI sẽ có chọn lọc và chú trọng chất lượng chứ không phải số lượng DN cũng như số lượng vốn đầu tư”, bà Thu nói.

FDI nông nghiệp: đã ít lại teo tóp

Trái ngược với sự “thăng hoa” của đầu tư FDI vào bất động sản, công nghiệp chế tạo hay thị trường bán lẻ, đầu tư FDI vào lĩnh vực nông thủy sản Việt Nam đã ít, lại teo tóp dần.

Tại một cuộc hội thảo tham vấn về thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp vừa được tổ chức mới đây, bà Lê Thị Khánh Hòa, đại diện Tập đoàn Syngenta tại Việt Nam, cho biết chính sách đất đai bất cập đang gây cản trở các nhà đầu tư, nhất là đơn vị làm giống.

Ba năm qua, Syngenta đầu tư một Trung tâm sản xuất giống lúa lai, khoảng 5ha ở Nam Định, nhưng phải làm việc với trên 100 nông dân mới có diện tích đó. Dù có ủng hộ của Chủ tịch tỉnh, nhưng sau 3 năm, chi phí đầu tư đội lên hơn 200.000 USD. “Chúng tôi làm trung tâm này cho Việt Nam, nhưng đến khi gần làm giống lại mắc ở đất đai. Quy hoạch vùng thế nào cũng chưa có”, bà Hòa nói.

Đó chỉ là một trong những “phàn nàn” về những vướng mắc liên quan đến thu hút nguồn FDI vào nông nghiệp nước ta. Ông Nguyễn Bá Cường, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), cho biết vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp vừa ít, lại có xu hướng giảm dần vì nhiều cản trở. Tính đến hết tháng 4/2014, có 16.300 dự án FDI được cấp phép đầu tư vào nước ta, với tổng vốn 237 tỷ USD. Tuy nhiên, vốn FDI vào nông nghiệp chỉ được 503 dự án, chiếm 3,36 tỷ USD, tương đương khoảng 1,4% tổng vốn đầu tư. Vốn FDI ít nhưng chủ yếu đầu tư vào Đông Nam bộ, ĐBSCL, Tây Nguyên. Còn các tỉnh vùng sâu, vùng xa hầu như chưa có dự án nào.

Các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu đến từ châu Á, nơi có nền công nghệ chưa thực sự phát triển cao, như Thái Lan, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Trung Quốc. Các lĩnh vực cũng tập trung vào dự án thu hồi vốn nhanh là chế biến nông sản thực phẩm, lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn gia súc.

“Dù có ưu đãi đầu tư, nhưng môi trường kém hấp dẫn nên vẫn chưa hút được những nhà đầu tư từ nền nông nghiệp mạnh, như Nhật Bản, Mỹ, Australia hay các nước EU. Hơn nữa, sự hỗ trợ của địa phương chưa cao, thậm chí nhiều địa phương để DN làm việc trực tiếp với nông dân, lúc đầu có thể bình thường, nhưng sau dễ xảy ra tranh chấp”, ông Cường thừa nhận.

Vẫn theo ông Cường, quan điểm của nhiều địa phương là muốn hút FDI vào khu công nghiệp và nông nghiệp gần như bị bỏ quên. Có nơi tổ chức các buổi tiếp xúc, kêu gọi thu hút, nhưng làm chưa đến nơi đến chốn.

Nhiều chuyên gia cho rằng mời nhà đầu tư đến không như mời đến dự một bữa tiệc, ăn xong rồi về, mà nó là một cuộc hôn nhân, sau kỳ trăng mật, cần có quan tâm, chăm sóc lẫn nhau để duy trì quan hệ.

Cần chính sách rõ ràng, minh bạch, nhất quán

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát

Quan trọng không chỉ đưa chính sách để khuyến khích, mà chính sách rõ ràng, minh bạch, nhất quán, ổn định lâu dài, để nhà đầu tư biết rõ, yên tâm. Không chỉ chính sách đúng, kêu gọi được nhà đầu tư, mà cần đồng hành, hỗ trợ, thường xuyên quan tâm để nhà đầu tư làm ăn hiệu quả lâu dài. Đây không phải bữa tiệc mà cuộc hôn nhân hạnh phúc.

FDI là lực đòn bẩy cho Việt Nam
Ông Chris Jackson, Trưởng bộ phận NN&PTNT của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

FDI là lực đòn bẩy cho Việt Nam. Để làm được điều này, cần phải đánh đổi nhất định. Quá trình thực hiện dự án, không phải chỉ cần giấy phép đầu tư, Nhà nước cần có sự đồng hành, giúp đỡ họ.

Việt Nam cần có doanh nghiệp đủ lớn
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Vấn đề là Việt Nam cần có doanh nghiệp đủ lớn, làm đối tác tin cậy với nhà đầu tư. Một số nhà đầu tư Ấn Độ đầu tư vào mía đường đến gặp tôi kêu khóc, rằng họ đầu tư, cung ứng cho các ông giống, phân bón, đến khi thu hoạch, thì các ông lại bán ra ngoài, họ không biết túm lấy ông nào. Những chuyện này, cần phương án giải quyết rõ ràng. Nếu làm được điều trên, thì giải quyết được bài toán chuỗi giá trị.

Vấn đề ai được thu mua nông sản của nông dân sẽ được giải quyết. Ai đầu tư sẽ được thu mua phần đã đầu tư, sau đó chịu trách nhiệm chế biến, xuất khẩu. Từ đó, cũng tránh được chuyện hàng trăm, nghìn xe dưa hấu của ta chờ chực ở cửa khẩu. Nếu Trung Quốc không nhập thì lại thối, đổ đi.