Mối quan hệ giữa chỉ số phát triển con người và giải quyết các vấn đề xã hội

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2, số tháng 3/2017

Phát triển con người trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng đều hướng tới mục đích nâng cao năng lực và tạo điều kiện cho sự phát triển của con người một cách toàn diện, đặc biệt gia tăng về giá trị cho con người ở mức sống, giáo dục và y tế. Dưới góc độ nghiên cứu, bài viết làm rõ mối quan hệ giữa nâng cao chỉ số phát triển con người với việc giải quyết các vấn đề xã hội, chỉ ra mối quan hệ trên là chìa khóa then chốt thúc đẩy sự kết hợp các mục tiêu kinh tế - mục tiêu xã hội ngày càng đồng bộ, hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phát triển con người, chỉ số phát triển con người và một số vấn đề đặt ra

Vào những năm 70 của thế kỷ XX, thuật ngữ phát triển nguồn nhân lực hay phát triển nguồn tài nguyên người (HRD) được hình thành và phát triển dựa trên lý thuyết phát triển của Liên Hợp Quốc về vị trí của con người, bao gồm giáo dục, đào tạo và sử dụng tiềm năng con người nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đến năm 1990, khái niệm “phát triển con người” xuất hiện gắn với báo cáo về phát triển con người trong Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố: “Phát triển con người là quá trình mở rộng sự lựa chọn cho con người. Điều quan trọng nhất của phạm vi lựa chọn rộng lớn đó là để con người sống một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh, được giáo dục và được tiếp cận đến các nguồn lực cần thiết cho một mức sống cao”.

Từ năm 1990, UNDP lần đầu tiên đưa ra chỉ số phát triển con người (HDI), đây là chỉ số so sánh định lượng về mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ và một số nhân tố khác của các quốc gia trên thế giới. HDI trở thành một trong những công cụ quản lý và hoạch định chính sách, nhờ có chỉ số HDI, việc đánh giá thành tựu phát triển được toàn diện hơn, song chỉ số này chưa phản ánh được hết sự phát triển con người trong mối quan hệ với các vấn đề như chính trị, văn hóa, bất bình đẳng trong xã hội…

Theo báo cáo của UNDP năm 2015, trong vòng 25 năm qua đã có nhiều quốc gia và nhiều người thoát ra khỏi nhóm phát triển con người thấp hơn giai đoạn trước (từ 62 quốc gia với 3 tỷ người trên 1990 xuống còn 43 quốc gia với hơn 1 tỷ người năm 2014); đồng thời, có nhiều quốc gia và nhiều người tiến lên nhóm phát triển con người cao và rất cao (từ 47 quốc gia với 1,2 tỷ người năm 1990 tăng lên 84 quốc gia với 3,6 tỷ người năm 2014).

Báo cáo Phát triển con người của UNDP năm 2015 cho biết, chỉ số HDI của Việt Nam xếp hạng 116/188 quốc gia, đạt giá trị là 0,666. Việt Nam được ghi nhận tuổi thọ là 71,5 tuổi, năm đi học bình quân 5,5 năm và số năm đi học kỳ vọng 11,9 năm, tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân đầu người 4.892 USD, GDP bình quân đầu người là 2.109 USD. 

Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay tình trạng bất bình đẳng gia tăng nhanh chóng, các vấn đề an sinh xã hội, chính sách xã hội tồn tại nhiều bất cập như: 50% người nghèo không có trợ cấp xã hội, chỉ có 20% người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội, khoảng 70% việc làm thuộc khu vực không chính thức.

Từ năm 2010, UNDP sử dụng phương pháp tính HDI mới, trong đó giá trị của HDI được tính là trung bình nhân của chỉ số tuổi thọ (LEI), chỉ số giáo dục (EI) và chỉ số thu nhập (II). So với thời điểm trước năm 2010, phương pháp tính mới này có thêm vào chỉ số nghèo đói đa chiều (MPI) gắn với hai yếu tố: bình đẳng và bền vững. Theo chỉ số này, tỷ lệ nghèo đói đa chiều ở Việt Nam đã tăng lên mức 23,3%, thay vì mức 14,5% là tỷ lệ nghèo đói quốc gia nếu chỉ tính theo mức thu nhập trung bình. Do đó, chỉ số HDI  để duy trì ở mức trung bình như hiện nay thì cần gắn bó chặt chẽ với quá trình giải quyết các vấn đề xã hội.

Như vậy, từ nghiên cứu một số chỉ số HDI và vấn đề xã hội, nảy sinh một số vấn đề như sau: Về sự kết hợp mục tiêu phát triển kinh tế với mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội. Kế hoạch phát triển kinh tế phải gắn với mục tiêu xã hội, có sự đồng bộ thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, các chính sách kinh tế cần tính đến những tác động và hậu quả trực tiếp và gián tiếp đến các mục tiêu xã hội. Về hoàn thiện thể chế tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội.

Tăng trưởng kinh tế là điều kiện để thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; tiến bộ, công bằng xã hội là nhân tố động lực để có tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Để mục tiêu xã hội và mục tiêu kinh tế thực hiện có hiệu quả, cần có một khung pháp lý với các quy tắc, chế tài quy định cho các chủ thể tham gia quá trình phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng và hoàn thiện thể chế tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội phải trong từng chính sách phát triển.

Định hướng nâng cao chỉ số phát triển con người và giải quyết vấn đề xã hội

Giải quyết các vấn đề xã hội ở Việt Nam hiện đang trở thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân. Để giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, khuyến khích mọi người dân làm giàu theo pháp luật, thực hiện có hiệu quả mục tiêu xóa đói, giảm nghèo; Tạo cơ hội, điều kiện cho mọi người tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển; Tạo động lực làm giàu trong đông đảo dân cư bằng tài năng, sáng tạo của bản thân, trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức cho phép. Xây dựng và thực hiện có kết quả cao chương trình xóa đói giảm nghèo, đề phòng tái đói, tái nghèo và nâng cao dần chuẩn đói nghèo khi mức sống chung tăng lên.

Hai là, chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo. Giáo dục, đào tạo là chìa khóa then chốt để tạo ra chất lượng nguồn nhân lực cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đổi mới giáo dục, đào tạo cần khắc phục tình trạng yếu và thiếu về số lượng, chất lượng; các yếu tố chuẩn đào tạo các cấp học, ngành học; áp lực, cơ hội phát triển nghề nghiệp và phúc lợi xã hội của giáo viên chưa tương xứng...; hiệu quả quản lý ngành dọc còn hạn chế. Đồng thời, phải có những hoạch định hiệu quả, bền vững cho chiến lược phát triển con người.

Ba là, bảo đảm cung ứng dịch vụ công thiết yếu, bình đẳng cho mọi người dân, tạo việc làm và thu nhập, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng; phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm; Đa dạng hóa các loại hình cứu trợ xã hội, tạo nhiều việc làm ở trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu lao động; Thực hiện chính sách ưu đãi xã hội; Đổi mới chính sách tiền lương; Phân phối thu nhập xã hội công bằng, hợp lý.

Bốn là, thực hiện tốt và có hiệu quả hơn nữa các chính sách xã hội như: Xóa đói, giảm nghèo, lao động, việc làm, phát triển hệ thống y tế; Hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, quan tâm chăm sóc y tế tốt hơn đối với các đối tượng chính sách, phát triển các dịch vụ y tế công nghệ cao, các dịch vụ y tế ngoài công lập; Quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản; Giảm nhanh tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng; Giảm tốc độ tăng dân số, bảo đảm quy mô và cơ cấu dân số hợp lý; Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Như vậy, yêu cầu đặt ra là bên cạnh phát triển kinh tế cần chú trọng tới vấn đề phát triển con người toàn diện. Tăng trưởng kinh tế là phương tiện để con người phát triển chính mình. Khi con người được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển, thì sự phát triển của các lĩnh vực khác phải nhằm tạo ra những tiền đề vật chất và tinh thần cho sự phát triển con người.       

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội;

2. Nguyễn Đình Tuấn (2014), “Nghiên cứu phát triển con người: Quan điểm, xu hướng và gợi mở”, Tạp chí Nghiên cứu con người, số 1;

3.UNDP (1990-2003), Humam Development Report, New York Oxford University Press.

4. Các website: www.gos.gov.vn; www. worldbank. org.vn; www.vn.undp.org.