Mối quan hệ “tăng trưởng- nhu cầu vốn- lạm phát”: Vấn đề và giải pháp

ThS. Đoàn Hùng Nam, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực II TS. Đinh Thế Hiển, Viện Nghiên cứu Tin học-Kinh tế ứng dụng (IIB)

Đầu năm 2010, Chính phủ đang phải giải quyết hai vấn đề có vẻ đối lập nhau: (i) Cần phải cung một lượng vốn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp để hòa nhịp với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới; (ii) Phải kiềm chế được lạm phát để đảm bảo an sinh xã hội. Hai vấn đề này đã bộc lộ từ cuối năm 2009 và sẽ là một thách thức lớn trong năm 2010.

Chúng ta biết tăng trưởng tín dụng là chỉ tiêu phản ánh lượng tiền đưa vào lưu thông, tăng trưởng tín dụng càng cao tức là lượng tiền trong lưu thông càng nhiều sẽ giúp nền kinh tế có nhiều vốn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất-kinh doan và tiêu dùng. Như vậy, tăng tín dụng sẽ góp phần quan trọng để tăng GDP. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng cao cũng là nguyên nhân quan trọng làm tăng lạm phát. Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với các nhà điều hành chính sách vĩ mô là không được để tăng trưởng tín dụng quá cao gây áp lực lạm phát song vẫn phải bảo đảm được mức tăng trưởng mục tiêu.

Thực tế trên thế giới cho thấy, các quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng/GDP cao nhất trong từng  khu vực đều là những quốc gia có kinh tế yếu kém so với các quốc gia khác trong khu vực đó. Ac-hen-ti-na là một quốc gia có nền kinh tế khá mạnh, tuy nhiên trong giai đoạn 2002 - 2006, nước này đã đứng trên bờ vực phá sản cấp quốc gia. Điều này cho thấy tăng trưởng tín dụng cao là một chỉ báo nguy hiểm.

Một số quan sát về mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP của Việt Nam và một số nước khu vực cho chúng ta một cái nhìn về việc hấp thụ vốn của nền kinh tế Việt Nam.

 Bảng 1:

Một số chỉ tiêu bình quân giai đoạn 2002 - 2008  khu vực Đông Nam Á

 

 

BQ % tăng GDP

BQ % tăng Tín dụng

BQ Lãi suất hàng năm

BQ tăng CPI

Tỷ lệ tăng TD/tăng GDP

1.      China

10.5

16.3

3.1

2.6

        1.56

2.      Korea

4.4

10.3

4.0

3.2

         2.32

3.      Cambodia

9.5

35.7

16.6

6.3

         3.75

4.      Laos

7.2

14.0

17.2

9.0

         1.94

5.      Malaysia

5.7

8.2

3.1

2.6

         1.44

6.      Philippines

5.3

6.7

7.2

5.5

         1.27

7.      Indonesia

5.4

10.6

9.6

8.9

         1.97

8.      Thailand

5.2

9.9

2.5

3.1

         1.92

9.      Vietnam

7.6

33.1

7.4

9.2

         4.34

Nguồn : http://www.adb.org/Documents/Books/Key_Indicators/2009/Country.asp

(1) http://www.eria.org/pdf/ERIA-PB-2009-03.pdf. Tác giả tính số bình quân

 Số liệu Bảng 1 cho thấy, trong các quốc gia khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất so với mức tăng GDP. Bình quân trong các năm 2002-2008, Việt Nam phải tăng đến 4,34% tín dụng mới tăng được 1% GDP, trong khi ở các nước khu vực và Trung Quốc chỉ khoảng 1,5-2,0%. Trong năm 2009, Việt Nam đã tăng trưởng trên 30% tín dụng để cho kết quả tăng GDP 5%, hay nói cách khác là cần tới tăng 6% tín dụng cho 1% tăng trưởng kinh tế, một tỷ lệ quá cao. Như vậy, nền kinh tế Việt Nam đang thâm dụng vốn rất lớn cho đầu tư tăng trưởng. Nhu cần vốn cao cũng như mức độ tăng trưởng lớn của tín dụng không tương xứng với tăng trưởng hàng hóa dẫn đến lãi suất VND và CPI vào mức cao nhất khu vực. Nếu phương thức hấp thụ vốn của nền kinh tế không có chuyển biến thì doanh nghiệp Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu vốn và áp lực lãi vay cao, tạo ra nhiều nguy cơ bất ổn cho việc phát triển, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi vào năm 2010

Mối quan hệ vốn cho phát triển kinh tế và lạm phát

Sang năm 2010, nền kinh tế thế giới được dự đoán sẽ phục hồi không đồng đều. Sự phục hồi từ từ của Mỹ cũng sẽ khiến xuất khẩu của các nước vào Khu vực Mỹ và châu Âu sẽ tăng chậm trong quý 1 và có thể đạt mức tốt vào quý III/2010. Bên cạnh đó, lãi suất đồng USD tăng sẽ thu hút nguồn vốn vào Mỹ trong giai đoạn đầu năm 2010, có nghĩa là dòng vốn FDI chỉ có thể tăng mạnh tại các nước phát triển vào giai đoạn cuối năm 2010. Điều này sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam tăng trưởng theo hình chữ V với mức GDP có thể đạt được 7-8%. Vấn đề là Chính phủ cần phải giải quyết mối quan hệ giữa cung tiền để đáp ứng cơ hội tăng trưởng kinh tế và hạn chế dòng tiền tăng quá mức so với sản lượng hàng hóa tạo ra và tạo việc làm tốt cho người lao động. Tăng trưởng nhưng phải kiềm chế lạm phát là mục tiêu, mà giải pháp chính là sử dụng nguồn tiền vào các lĩnh vực một cách thích hợp.

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 dự kiến sẽ tăng khoảng 6,5%. Trong khi đó, lạm phát sẽ được khống chế khoảng 7%, tương đương chỉ tiêu dự báo của năm 2009. Tuy nhiên khả năng xuất hiện lạm phát ở mức hai con số rất cao do các tác nhân sau: (i) Với lãi suất cơ bản tăng từ 7% lên 8%, dẫn đến lãi  suất (thực tế) cho các doanh nghiệp vay sẽ từ 12%-16%, cộng thêm giá hàng hóa thế giới cao trở lại do phục hồi kinh tế sẽ tác động đến giá cả trong nước, trong khi chúng ta chưa có thay đổi gì đáng kể trong công nghệ và năng suất lao động để kéo giá thành xuống; (ii) Chính phủ đang cố gắng ổn định tỷ giá thấp hơn thị trường tự do. Tuy nhiên, điều này sẽ có tác động tăng nhập siêu, dẫn tới tăng tỷ giá USD trên thị trường tự do gây căng thẳng ngoại tệ. Hệ quả tác động lại giá trị VND và gây sức ép cho các hàng hóa sử dụng ngoại tệ mua ở thị trường tự do để nhập nguyên liệu; (iii) Nền kinh tế đang thâm dụng vốn rất lớn, trong khi lượng tăng tín dụng năm 2009 đã gần mức 40%. Do vậy, để đạt GDP tăng 6,5% thì có khả năng tăng trưởng tín dụng năm 2010 sẽ phải trên 40%. Điều này có thể dẫn đến tình hình như đầu năm 2008, nguồn cung tiền lớn, sử dụng không hiệu quả trong sản xuất hàng hóa và việc làm sẽ dẫn đến lạm phát cao; (iv) Đầu tư từ ngân sách rất lớn, trong năm 2009 đã bội chi ở ngưỡng 7% GDP. Trong năm 2010 nếu tiếp tục duy trì mức đầu tư như năm 2009 trong khi nguồn huy động từ vay nước ngoài và trái phiếu không đạt thì sẽ tạo áp lực lạm phát lớn.

Nhìn chung, tình hình kinh tế Việt Nam năm 2010 sẽ có nhiều thuận lợi và cơ hội hơn năm 2009. Xuất khẩu và thị trường nội địa sẽ tăng trưởng mạnh hơn năm 2009 với GDP dự kiến đạt 6,5% - 7,0%.

Tuy nhiên, đặc tính nền kinh tế vẫn đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi đó nguồn vốn nước ngoài khó tăng mạnh trong giai đoạn đầu năm 2010. Do vậy, áp lực vốn sẽ rất lớn giai đoạn đầu năm 2010; chính sách tiền tệ và kiểm soát luồng vốn đầu tư có vai trò rất quan trọng. Nếu việc cung vốn không hài hòa giữa đầu tư và SX-KD; lĩnh vực sản xuất hàng hóa và nông nghiệp không được chú trọng bằng lĩnh vực bất động sản thì khả năng xuất hiện lạm phát cao và tạo bất ổn kinh tế.

Giải pháp về tài chính

Từ những quan sát và nhận định như trên, có thể thấy năm 2010 chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững nếu không có những chuyển biến về chất của nền kinh tế, đặc biệt là khả năng huy động và sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy đã đến lúc chúng ta cần quyết liệt tái cấu trúc nền kinh tế, nếu không chúng ta sẽ luôn phải đối đầu với mâu thuẫn trong tăng trưởng - nhu cầu vốn - lạm phát. Dưới đây là một số đề xuất dựa trên thực tiễn tình hình kinh tế-tài chính nước ta:

Tập trung nguồn vốn nhà nước đầu tư hạ tầng giao thông khu vực sản xuất hàng hóa

Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam là nơi sản xuất hàng hóa, tạo việc làm và thu ngân sách lớn nhất nước. Nếu được đầu tư tương xứng sẽ nhanh chóng ngang bằng với Malaysia và Thái Lan, từ đó là động lực cho các vùng khác. Tuy nhiên khu vực này nhiều năm qua bị tận thu thông qua việc nộp ngân sách TW cao, nhưng đầu tư hạ tầng lại rất kém. Cảng Cát Lái chiếm 40% lượng container phía Nam nhưng đường chính vào cảng là liên tỉnh lộ 25 chỉ rộng có 8m, nhiều năm gây tắc nghẽn giao thông, tăng chi phí doanh nghiệp (vận chuyển, lưu kho, ..). Cần thay đổi tư duy đầu tư cào bằng và lấy chỗ mạnh bù chỗ yếu. Chính tư duy này đã dẫn đến việc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam không đủ sức cạnh tranh với các nước khu vực, trong khi các vùng không có điều kiện sản xuất hàng hóa thì đường lại thiếu vắng xe chạy. Việc đầu tư có trọng tâm vào khu vực sản xuất hàng hóa sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh, thu hút việc làm và tăng thu ngân sách. Sau khi ngân sách đã dồi dào sẽ bất đầu đầu tư phát triển các khu vực khác. Đó chính là cách sử dụng nguồn vốn còn hạn chế một cách có hiệu quả nhất.

Giải quyết bài toán đầu tư cơ sở hạ tầng và lợi nhuận bất động sản để điều tiết chi phí đúng đối tượng, giảm chi phí doanh nghiệp.

Hiện nay chi phí lưu thông của doanh nghiệp rất cao so với các nước trong khu vực, mà nguyên nhân chủ yếu là do thủ tục nhà nước và cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém. Cải tiến hai vấn nạn này sẽ giúp tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài.

Đối với hạ tầng giao thông thì đang xuất hiện nghịch lý là càng đầu tư hạ tầng giao thông thì chi phí doanh nghiệp càng tăng chứ không phải ngược lại. Nguyên nhân là tất cả chi phí gần như được phân bổ vào việc thu phí giao thông để hoàn vốn đầu tư, trong khi đối tượng thụ hưởng lợi ích rất lớn là những người có đất trong khu vực lại không bị điều tiết. Cụ thể trong 10 năm qua tại khu vực TP.HCM, các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố bị thu phí rất nhiều trạm làm tăng chi phí doanh nghiệp rất lớn (chưa kể bị mất thời gian do dừng xe qua trạm). Ngược lại, với các khu vực được đầu tư hạ tầng (quận 2, 7, 9,...) thì giá đất tăng rất mạnh (từ 50 ngàn đến 200 ngàn/m2 năm 2000 tăng lên 2 triệu đến 10 triệu/m2 năm 2009).  Mức tăng này đem lại nguồn thu nhập khổng lồ cho người dân có đất và các doanh nghiệp đầu tư bất động sản (theo các báo cáo lợi nhuận khổng lồ của các công ty đầu tư BĐS trên sàn HOSE). Chỉ ước tính  điều tiết 10% mức tăng đất khi được đầu tư hạ tầng giao thông của các khu vực nêu trên sẽ thu được vài tỷ USD đủ vốn đầu tư các dự án giao thông hiện nay, người dân và doanh nghiệp không phải gánh chịu vốn và lãi đầu tư.

Tóm lại, doanh nghiệp và người dân đang gánh chịu hai chi phí từ việc đầu tư hạ tầng giao thông: một là phí thu trực tiếp qua trạm, hai là giá đất khu vực đó tăng làm tăng chi phí nhà xưởng văn phòng. Cần phải điều tiết một phần lợi nhuận BDS do đầu tư hạ tầng mang lại để bù chi phí đầu tư. Điều này sẽ góp phần giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN

- Nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ đảng viên về sự cần thiết phải tiếp tục sắp xếp, đổi mới DNNN, phổ cập rộng rãi kiến thức về kinh tế thị trường, về toàn cầu hóa và cạnh tranh, pháp luật về doanh nghiệp trong cơ chế thị trường khi Việt Nam là thành viên của WTO. Bên cạnh đó,  thực hiện tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ cơ quan quản lý nhà nước sang cơ quan kinh doanh nhằm xóa bỏ cơ chế “bộ chủ quản”, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả quản lý, kinh doanh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Khẩn trương tổ chức, sắp xếp lại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước  (SCIC) phù hợp với tình hình thực tế để bảo đảm SCIC trở thành tổ chức tài chính nhà nước hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, cần chú trọng đẩy mạnh việc chuyển đổi tổ chức hoạt động của các tổng công ty nhà nước sang mô hình công ty mẹ - công ty con nhằm mục đích chuyển mối quan hệ giữa tổng công ty với doanh nghiệp thành viên từ quan hệ theo kiểu hành chính đơn thuần sang mối quan hệ tài chính thông qua việc đầu tư vốn của công ty mẹ; khắc phục tình trạng không rõ ràng về địa vị pháp lý và tài sản, quyền lợi và nghĩa vụ của tổng công ty lớn khi phát triển thành tập đoàn kinh tế. Đặc biệt, Quốc hội cần nghiên cứu ban hành Luật Đầu tư vốn nhà nước vào lĩnh vực kinh doanh để điều chỉnh lĩnh vực, ngành nghề Nhà nước đầu tư vốn, trình tự, thủ tục về đầu tư vốn nhà nước cũng như xác định rõ phương thức và mô hình quản lý phần vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp, tổng công ty, tập đoàn kinh tế…    

- Nghiên cứu lộ trình chuyển dần mô hình quản lý nhân sự trong DNNN mang nặng tính hướng nội, khép kín sang mô hình mở, có nhiều sự trao đổi hơn với thị trường sức lao động. Trên cơ sở thay đổi quan niệm và qui định viên chức “suốt đời”, tiến hành sàng lọc những người không đủ năng lực ra khỏi bộ máy quản lý doanh nghiệp; đồng thời tiến hành thi tuyển dụng công khai, thường xuyên những người có trình độ năng lực từ các khu vực khác để bổ sung những người “chuyên sâu, hồng thắm” cho DNNN. Đặc biệt, từng bước nghiên cứu áp dụng chế độ hợp đồng lao động đối với việc thuê giám đốc trong các DNNN. Theo đó, hợp đồng lao động với công chức cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu về trình độ năng lực và chế độ đãi ngộ tương ứng.

- Xây dựng hệ thống chỉ tiêu chuẩn và mạng lưới thông tin quản lý hữu hiệu nhằm theo dõi, đánh giá kịp thời hiệu quả hoạt động và đóng góp của DNNN về cả mặt kinh tế và xã hội. Hướng dẫn hoạt động của Hội đồng quản trị, phân định rõ trách nhiệm của Hội đồng quản trị và tổng giám đốc, giám đốc DNNN. Khẩn trương ban hành chính sách với những biện pháp hữu hiệu nhằm phát huy tính tự chủ, năng động, tự tích lũy để phát triển nhanh và có tính cạnh tranh cao song song với việc khắc phục tình trạng độc quyền trong kinh doanh của một số DNNN lớn.

- Chỉ nên thành lập tập đoàn trong một số lĩnh vực thiết yếu như dầu khí, năng lượng, hạ tầng. Còn tất cả phải chuyển đổi thành công ty cổ phần không do Nhà nước chi phối vốn và quản lý. Như vậy các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh bình đẳng, và cùng với việc bảo hộ bản quyền, chống hàng giả, các doanh nghiệp sẽ tự cạnh tranh tiến hóa theo từng  phân khúc thị trường để xuất hiện các doanh nghiệp có sản phẩm hàm lượng công nghệ xuất khẩu thực chất.

 Trên đây là một số giải pháp cốt lõi nhất về tài chính nhằm từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, giải quyết tốt mâu thuẫn trong tăng trưởng - nhu cầu vốn - lạm phát nhằm tạo ra động lực mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu chung “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, quyết tâm  phấn đấu để nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020./.   

 

Tài liệu tham khảo

Diễn đàn kinh tế thế giới (2008): Xếp hạng quốc tế về cơ sở hạ tầng Việt Nam, Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2008-2009.

IMF (2008), Vietnam: Selected Issues - Decembẻ 2007, IMF Country Report No 07/385

Asia Bond Monitor 2008, 2009

WORLD BANK (2009), East asia and pacific update april 2009

Trần Thọ Đạt (2005): Các mô hình tăng trưởng kinh tế, NXB Thống kê, Hà Nội.

Bộ Kế hoạch Đầu tư: Báo cáo Đầu tư Việt Nam, Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ Việt nam, 12/2009.

Economist Intelligence Unit  (2008), Country Report  Vietnam August 2008, Unit 26 Red Lion Square London WC1R 4HQ United Kingdom