Môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện

PV.

Mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp FDI vẫn từng bước tăng trưởng mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển theo đà tích cực.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Giải ngân vốn FDI - Động lực mới cho nền kinh tế

Vốn giải ngân tăng nhanh, nhiều dự án FDI đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng để “tăng lực” cho nền kinh tế trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của khối doanh nghiệp trong nước đang còn khó khăn.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khối doanh nghiệp FDI đã đóng góp tới 105,15/148,7 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trong 11 tháng đầu năm, chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Vốn giải ngân tăng cao, đạt trên 13,2 tỷ USD sau 11 tháng qua, nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đi vào hoạt động và tiếp tục tạo động lực cho nền kinh tế.

2015 là năm giải ngân vốn FDI đạt được kết quả tích cực nhất từ trước tới nay. Vẫn còn 1 tháng cuối năm, nhưng theo số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giải ngân vốn FDI đã đạt trên 13,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giải ngân vốn FDI những năm gần đây chỉ xoay quanh ngưỡng 11 - 12 tỷ USD. Năm ngoái, con số là 12,5 tỷ USD và đã được đánh giá là ở mức cao, dù vẫn thấp so với gần 22 tỷ USD vốn đăng ký.

Không chỉ là vốn giải ngân, số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài công bố cho thấy, vốn đăng ký cũng đạt nhiều kết quả tích cực trong 11 tháng qua, cả số dự án cấp mới và tăng thêm vốn, số vốn đăng ký đều tăng cao so với cùng kỳ. Cụ thể, có 1.855 dự án cấp mới, tăng 30% so với cùng kỳ và 692 lượt dự án tăng vốn, tăng 34,4%, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm ước đạt trên 20,22 tỷ USD, tăng 16,7% (trong khi cùng kỳ giảm 16,7%).

Nhà đầu tư tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến hấp dẫn

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “ Những con số tăng trưởng của khu vực FDI là tín hiệu cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng lựa chọn điểm đến Việt Nam”,

Trong một chia sẻ gần đây, ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Văn phòng Jetro tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, có đến 25% số doanh nghiệp Nhật Bản rời Trung Quốc đã chọn Việt Nam để đầu tư. “Ngoài giá nhân công rẻ, doanh nghiệp Nhật đánh giá cao việc cơ sở hạ tầng của Việt Nam được cải thiện nhiều cầu đường được xây dựng, rút ngắn thời gian di chuyển”, ông Yasuzumi Hirotaka nói.

Vị thế và vai trò của nguồn vốn FDI ngày càng được khẳng định là nguồn vốn quan trọng, tạo động lực cho nền kinh tế của Việt Nam. Hiện nay, doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 24,6% vốn của cả nền kinh tế, chiếm 25,3% doanh thu thuần, nhưng đã đóng góp tới 67% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong thời gian tới, để tập trung nguồn lực chính sách phát triển doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao sức cạnh tranh, nội lực của nền kinh tế, bảo đảm phát triển cân đối, hài hòa giữa doanh nghiệp trong nước và khu vực FDI thì cần có cơ chế chính sách để những đồng vốn mà nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam mới thực sự có tác động lan tỏa mạnh mẽ đối với nền kinh tế.

Trong trung và dài hạn, Việt Nam chủ trương tiếp tục thu hút mạnh mẽ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên của Việt Nam sẽ hướng vào nguồn vốn FDI “chất lượng cao”, cụ thể là các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Nguồn vốn FDI vẫn luôn là một nguồn lực quan trọng của nền kinh tế, cần tăng cường thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng, hiệu quả của nguồn vốn này nhưng đồng thời phải làm sao để khu vực doanh nghiệp trong nước mạnh lên và phát triển song hành với khu vực FDI.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Việt Nam cam kết cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Rất nhiều giải pháp đồng bộ đã được đặt ra, trong đó Chính phủ Việt Nam đặt trong tâm vào 3 lĩnh vực “đột phá chiến lược” thực hiện từ nay cho đến năm 2020. Đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và khung khổ pháp luật; xây dựng hệ thống kết cầu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia; thúc đẩy đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Bên cạnh đó, với việc coi thành công của các doanh nghiệp FDI cũng chính là thành công của mình, Chính phủ Việt Nam cam kết bảo đảm môi trường chính trị - xã hội ổn định, bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam.

Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới, các dòng vốn FDI đang dần phục hồi và sẽ gia tăng tại các nền kinh tế năng động. Với triển vọng tích cực của kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.