Môi trường kinh doanh Việt Nam hướng tới chuẩn mực hàng đầu APEC

Theo nhóm PV - TGVN/baoquocte.vn

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit) với chủ đề Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy vừa chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Ariyana, Đà Nẵng (ACC). Đây là sự kiện quốc tế quan trọng trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đang diễn ra tại Đà Nẵng, Việt Nam.

Dù là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Tuần lễ APEC theo sáng kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhưng hơn 2.000 đại biểu là các CEO hàng đầu khu vực và thế giới, các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC, các tổ chức quốc tế đã không "quản mưa bão" tới dự Hội nghị để cùng bàn thảo về tương lai của nền kinh tế Việt Nam và sự nghiệp kinh doanh tại Việt Nam.

Môi trường kinh doanh Việt Nam hướng tới chuẩn mực hàng đầu APEC - Ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hồng

Tin tưởng Hội nghị VBS sẽ mang đến tầm nhìn chân thực, toàn diện về nền kinh tế, các chính sách phát triển của Việt Nam đồng thời mở ra nhiều cơ hội kết nối về đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam – một quốc gia nhiều tiềm năng phát triển to lớn, đang cải cách và mở cửa mạnh mẽ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế hãy đến và cùng Chính phủ, doanh nghiệp và người dân Việt Nam xây dựng một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi và minh bạch hướng theo những chuẩn mực hàng đầu của ASEAN, APEC và thế giới. 

Thông báo với các đại biểu, Thủ tướng khái quát những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế của Việt Nam kể từ khi mở cửa đổi mới, đồng thời nhấn mạnh những tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam như một trong những nền kinh tế năng động của khu vực và thế giới. "Những kết quả mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay chính là nguồn động lực quan trọng để Việt Nam tự tin, vững bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Chúng tôi quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tiếp tục thực hiện mục tiêu duy trì ổn định vĩ mô vững chắc, cải cách thể chế, chính sách pháp luật, phát triển bền vững, chú trọng tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh ba định hướng lớn, cụ thể:

Thứ nhất, tập trung vào cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật, thúc đẩy pháp quyền, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng tăng trưởng bền vững, bảo đảm các thăng tiến xã hội không ngừng, kéo tầng lớp dân cư thu nhập thấp tiến lên hội tụ với nhóm thu nhập trung bình và khá;

Thứ hai, phát triển nền kinh tế khởi nghiệp, sáng tạo thông qua các cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để vun đắp, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp. Việt Nam cam kết bảo hộ các ý tưởng sáng tạo, phát kiến mới trong khởi nghiệp và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Luật Sở hữu trí tuệ cũng như trong khuôn khổ các FTAs mà Việt Nam tham gia.

Thứ ba, thực hiện cải cách thuế theo hướng gia tăng cạnh tranh cho nền kinh tế, hướng đến các chuẩn mực minh bạch, công bằng và hiệu quả theo tiêu chuẩn cao của Tổ chức hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Đại diện giới doanh nghiệp Việt Nam, trong bài phát biểu chào mừng, Chủ tịch VCCI – ông Vũ Tiến Lộc cho biết, với vị trí địa - kinh tế thuận lợi, nơi giao thoa của các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á, với nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, với một nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ cao, với một chính phủ kiến tạo, quyết tâm đổi mới và thúc đẩy hội nhập… những cơ hội kinh doanh đầu tư nói trên đang được khơi dậy.

“Tuy nhiên, là một nền kinh tế đi sau, môi trường kinh doanh của Việt Nam có thể còn nhiều điều cần tiếp tục cải thiện, nhưng có thể khẳng định, ở Việt Nam hiện nay, vị thế, vai trò của doanh nghiệp, của các nhà đầu tư đang được đánh giá cao hơn bao giờ hết. Chính phủ và người dân Việt Nam luôn là người đồng hành, sát cánh với các nhà doanh nghiệp.”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Môi trường kinh doanh Việt Nam hướng tới chuẩn mực hàng đầu APEC - Ảnh 2
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, giám đốc nhiều công ty tên tuổi trong nước và thế giới, cũng như đại diện các tổ chức quốc tế... Ảnh: Nguyễn Hồng

Theo kế hoạch, Hội nghị sẽ dành cả ngày 7/11 tập trung bàn luận về 6 vấn đề quan trọng là: Nông nghiệp thông minh, Dịch vụ tài chính, Y tế & Giáo dục, Kết cấu hạ tầng, Du lịch và Đặc khu kinh tế, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

VBS 2017 còn được tổ chức kết hợp với một triển lãm xúc tiến thương mại, đầu tư có tên "Việt Nam – Đối tác kinh doanh tin cậy và giàu tiềm năng", quy mô xấp xỉ 1100 mét vuông, bao gồm 80 gian hàng tiêu chuẩn với sự tham gia của 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Triển lãm nhằm giới thiệu về địa phương, các dự án kêu gọi đầu tư, tiềm năng kinh tế các ngành: nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp, giao thông và dịch vụ du lịch… cũng như giới thiệu về các chính sách khuyến khích đầu tư từ các địa phương. Triển lãm được hy vọng sẽ là điểm đến lý tưởng để mở rộng thị trường, tăng cường quy mô xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên APEC.

Chủ tịch VCCI - ông Vũ Tiến Lộc cho biết, VBS sẽ là diễn đàn hợp tác quốc tế lớn nhất của giới doanh nhân tại Việt Nam, sẽ được tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2017 để bàn về những cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng.

Môi trường kinh doanh Việt Nam hướng tới chuẩn mực hàng đầu APEC - Ảnh 3
Hội nghị là cơ hội để các nhà đầu tư quốc tế tìm hiểu về chính sách kinh tế và tiềm năng hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hồng

Đại diện giới doanh nghiệp quốc tế phát biểu chào mừng Hội nghị, Giám đốc Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Philipp Rosler đánh giá cao những nỗ lực cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, những cải thiện về năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Tuy nhiên, để môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam hấp dẫn hơn nữa, ông Rosler mong muốn trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thúc đẩy và tạo điều kiện để hợp tác công-tư (PPP) phát triển mạnh mẽ hơn.

Chúc mừng Việt Nam trong vai trò chủ nhà APEC, chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế ngoạn mục, Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, đánh giá cao những cải thiện gần đây của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đồng thời chỉ ra một số thách thức mà Việt Nam cần phải lưu ý, như bài toán tầm nhìn quy hoạch đô thị, tiếp tục lưu ý đến phát triển hợp tác công-tư và các vấn đề liên quan khi Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, Đại diện WB tin tưởng, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Tại phiên hỏi đáp, trả lời câu hỏi của một đại biểu nước ngoài về môi trường đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn nỗ lực đảm bảo tất cả chỉ tiêu phát triển của đất nước, giữ vững phát triển GDP từ 6,5-7%/năm. Thủ tướng cho biết, môi trường đầu tư được đánh giá là liên tục cải thiện trong những năm qua và việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 2 cho thấy Việt Nam là một quốc gia hội nhập quốc tế sâu rộng.

Trả lời câu hỏi về kế hoạch của WB trong quá trình đẩy mạnh phát triển các MSMEs, bà Victoria Kwakwa cho biết, WB đã có rất nhiều kế hoạch và chương trình giúp thúc đẩy sự phát triển của MSMEs thuộc các nền kinh tế APEC. WB cũng đã nhận được rất nhiều yêu cầu từ Chính phủ các nước phát triển như Mỹ, Đức để tạo một quỹ đầu tư, giúp đỡ các MSMEs do phụ nữ nắm quyền, đẩy mạnh vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế khu vực cũng như thế giới.

Giám đốc Điều hành WEF Philipp Roesler cho biết, WEF đã ký những thỏa thuận hợp tác với Chính phủ các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có Việt Nam. Trong thời gian tới, ông Roesler cho biết WEF sẽ tiếp tục thúc đẩy và mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang có những tác động mạnh mẽ.