Môi trường thể chế với sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam


Trải qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hạn chế và khó khăn trong quá trình phát triển như thu nhập bình quân vẫn còn thấp, khả năng tiếp cận các cơ hội phát triển chưa đảm bảo công bằng, thể chế quản trị còn yếu… Điều đó cho thấy, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách để phát triển doanh nghiệp hiệu quả hơn. Một trong những cải cách quan trọng đó là cải cách thể chế để đáp ứng được những yêu cầu đang thay đổi trong bối cảnh mới...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Công cuộc đổi mới thể chế

Từ khi xây dựng thể chế kinh tế mới, Việt Nam đã nhiều lần sửa đổi Hiến pháp để phù hợp hơn với định hướng, với thực tế phát triển của nền kinh tế - xã hội.

Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1991: Năm 1986 là bước ngoặt khi Việt Nam bắt đầu đổi mới với 3 trụ cột: (i) Chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường; (ii) Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần; (iii) Hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Pháp luật Việt Nam có những đổi mới cơ bản. Sau đó, Luật Đầu tư nước ngoài (1987) và Luật Đất đai (1987), Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế (1989) hay Luật Doanh nghiệp (DN) tư nhân (1990) và Luật Thuế xuất nhập khẩu (1989) được thông qua, đánh dấu tiến trình mở cửa nền kinh tế, loại bỏ sự độc quyền nhà nước về ngoại thương, cho phép DN tư nhân tham gia vào ngoại thương.

Giai đoạn từ năm 1992 – 2000: Hiến pháp sửa đổi năm 1992 đưa ra cơ sở pháp lý quan trọng tạo lập sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế (Điều 23, Hiến pháp 1992). Tiếp đó là hàng loạt các đạo luật quan trọng của nền kinh tế thị trường như Luật Đất đai, Luật Phá sản… Trong giai đoạn này, pháp luật trong lĩnh vực kinh tế có sự phát triển nhanh chóng với sự ra đời của hàng chục đạo luật về đầu tư, về DN, về ngân sách, thuế, ngân hàng, đất đai, thương mại…

Giai đoạn từ năm 2001 - 2012: Trong giai đoạn này, lần lượt ra đời các Luật DN Nhà nước 2003, Luật Cạnh tranh 2004, Bộ luật Dân sự 2005, Luật Thương mại 2005, Luật Đầu tư 2005, Luật Sở hữu trí tuệ 2005… Cũng trong năm 2004, Cục Quản lý cạnh tranh Việt Nam và Hội đồng cạnh tranh Việt Nam được thành lập. Điều đó đã đáp ứng nhu cầu điều chỉnh pháp luật và hơn nữa cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong tiến trình đổi mới và hoàn thiện thể chế để đảm bảo môi trường kinh doanh tốt cho các chủ thể trong nền kinh tế thị trường. Sau đó, Luật Cạnh tranh (2004), Luật DN và Luật Đầu tư (2005) ra đời được coi là bước đột phá trong tư duy và cải cách hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam.

Môi trường thể chế với sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 1

Giai đoạn từ năm 2013 - nay: Hiến pháp sửa đổi (2013) và hàng loạt Luật sửa đổi vào năm 2014 như Luật DN sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi là những minh chứng khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong việc tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và thuận lợi hơn nữa cho DN và nhà đầu tư. Cùng với việc sửa đổi Luật Thuế, quy định mức thuế suất phổ thông là 22% (riêng DN có doanh thu dưới 20 tỷ đồng thì áp dụng thuế suất 20%...) đã góp phần khuyến khích DN đầu tư, phát triển...

Những kết quả đạt được

Sau hơn 30 năm đổi mới, sự thay đổi trong thể chế chính trị và thể chế kinh tế đã dẫn đến những thay đổi rõ rệt trong phát triển kinh tế. Hiện nay, Nhà nước tiếp tục đổi mới thể chế bằng các hành động cụ thể, đó là nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân, tiến hành cổ phần hóa mạnh mẽ DN nhà nước; Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DN tư nhân tốt hơn bằng cách xóa bỏ các điều kiện kinh doanh của các ngành nghề khác nhau...

- Về năng lực hiệu quả của Nhà nước: Chính phủ Việt Nam đã khẳng định được đáng kể sự thay đổi của mình trong việc hoạch định chính sách cũng như sự đổi mới của bộ máy Nhà nước. Chỉ số quản trị toàn cấu của Việt Nam thuộc hàng tốt nhất trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Từ năm 2004, Việt Nam được xếp hạng thuộc nhóm có mức quản trị thấp nhất về chỉ số “Tiếng nói và trách nhiệm giải trình”. Chỉ số “Ổn định chính trị và không có bạo lực” được đánh giá cao nhất trong 6 chỉ số, xếp trong nhóm từ 50-75. Bốn chỉ số còn lại thuộc nhóm từ 25-50.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều dấu hiệu đáng lo ngại về khả năng duy trì tốc độ phát triển cao. Những thành tựu kinh tế đạt được không phải là những thay đổi cơ cấu của nền kinh tế nên tăng trưởng thiếu tính bền vững. Hầu hết các DN ở Việt Nam đều không có năng lực quản lý các quá trình công nghệ và quản lý phức tạp, không biết tận dụng lợi thế quy mô, cũng như việc kiểm soát chi phí và kiểm soát chất lượng, hay cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Hiệu quả hoạt động của Nhà nước còn nhiều hạn chế khi mà những quy định pháp luật thiếu rõ ràng, thậm chí còn mâu thuẫn, xảy ra tình trạng chồng chéo nhau trong việc giao nhiệm vụ cho các cơ quan Nhà nước. 

Môi trường thể chế với sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 2

- Về vấn đề kiểm soát tham nhũng: Trong năm 2017, chống tham nhũng là một trong các chiến lược cải cách của Nhà nước. Những văn bản luật pháp được đưa ra nhằm tăng cường sự giám sát của người dân, tăng tính minh bạch thông tin. Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về chỉ số PCI: Chi phí không chính thức đã có sự giảm tương đối (năm 2011: 6,81 điểm, đến năm 2017: 5,31 điểm). Kết quả đó cũng cho thấy, những nỗ lực kiểm soát tham nhũng của Chính phủ đang khẳng định sự đúng đắn của Chính phủ nhằm chống tham nhũng, giảm thiểu chi phí không chính thức cho DN.

- Về chi phí gia nhập thị trường: Chỉ số gia nhập thị trường là một trong những chỉ số đã có nhiều cải thiện rõ rệt. Theo kết quả công bố PCI của VCCI thì chỉ số gia nhập thị trường năm 2017 đạt cao nhất trong tất cả các chỉ số thành phần khi đạt 7,84 điểm.

- Về một số tiêu chí của chỉ số gia nhập thị trường giai đoạn từ 2006 – 2017, có thể thấy: Năm 2006, thời gian đăng ký kinh doanh trung bình là 21,9 ngày, đến năm 2017 chỉ còn 6 ngày. Điều đó cho thấy, cải cách hành chính đã đạt được những kết quả kỷ lục, giúp cho việc thành lập DN trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Năm 2017, đã có 126.859 DN đăng ký thành lập, với số vốn đăng ký là 1.295.911 tỷ đồng, tăng 15% về số DN và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016. Những con số ấn tượng đó đã phản ánh những quyết tâm mạnh mẽ của Nhà nước với chủ trương khuyến khích “khởi nghiệp” và xây dựng “chính phủ kiến tạo”.

- Về thủ tục hành chính: Nhà nước đã ban hành một loạt nghị quyết nhằm cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể như Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/01/2017 yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương lập kế hoạch chi tiết để cải thiện tất cả các lĩnh vực PCI có liên quan đến các quy định và thủ tục hành chính”. Cùng với đó là Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia...

- Về thiết chế pháp lý: Kết quả điều tra PCI 2017 cho thấy, về cơ bản, chỉ số thiết chế pháp lý có sự thay đổi tích cực so với các năm trước khi đạt 5,94/10 điểm; Tỷ lệ DN tin tưởng vào hệ thống pháp luật sẽ đảm bảo quyền tài sản/thực thi hợp đồng của DN đạt tương đối cao (85%). Tuy nhiên, tỷ lệ DN sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp giảm chỉ còn 36% vào năm 2017, trong khi ở năm 2013 là 60%.

- Về cạnh tranh bình đẳng: Năm 2013, khi điều tra PCI, VCCI đã thay chỉ tiêu ưu đãi DN nhà nước được cho vào điều tra từ những năm đầu tiên điều tra PCI (năm 2005) bằng chỉ tiêu “cạnh tranh bình đẳng”. Đến nay, việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng đang là vấn đề đáng quan tâm hơn bao giờ hết khi nghiên cứu về môi trường thể chế và DN tại Việt Nam.

Theo kết quả điều tra PCI 2017, các DNNN và DN FDI được các tỉnh hỗ trợ nên gặp nhiều thuận lợi hơn các DN dân doanh trong các vấn đề về tiếp cận đất đai, tiếp cận các khoản vay, hay trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.

Chất lượng môi trường kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp

Theo báo cáo môi trường kinh doanh năm 2018 được Ngân hàng Thế giới công bố, Việt Nam đứng vị trí 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm 2017. Bức tranh kinh tế Việt Nam đang phát triển tốt với số lượng DN tăng nhanh. Thời gian qua, số lượng DN đăng ký thành lập mới trong cả nước tăng nhanh với tổng vốn đăng ký bình quân một DN đạt 10,2 tỷ đồng. Khu vực DN, với vai trò đóng góp lớn nhất vào quy mô phát triển của nền kinh tế, chiếm trên 60% trong GDP... Điều này đã cho thấy, môi trường và xu hướng sản xuất kinh doanh đã được tạo dựng do Chính phủ luôn thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, môi trường thể chế của Việt Nam vẫn còn bộc lộ những hạn chế như:

- Việc tiếp cận đất đai vẫn còn sự phân biệt đối xử giữa các khu vực DN, khả năng tiếp cận đất đai vẫn còn rất hạn chế, do quỹ đất có hạn, ngay cả khi có đất rồi thì DN cũng phải đối mặt với rủi ro lớn trong quá trình sử dụng đất.

- Việc tiếp cận thị trường của DN chưa được đảm bảo bằng luật, văn bản dưới luật dẫn đến quyền kinh doanh của người dân và nhà đầu tư bị hạn chế. Chẳng hạn như: thủ tục đăng ký kinh doanh vẫn còn mất nhiều thời gian và thủ tục hành chính vẫn chưa thực sự tối giản mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể.

- Chi phí thời gian vẫn ở mức cao.

- Còn thiếu thiết chế pháp lý an toàn để đảm bảo được các quyền hợp pháp của DN cũng như tăng cường niềm tin của DN đối với hệ thống tư pháp để giảm thiểu tranh chấp, mâu thuẫn cũng như giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả.

Giải pháp nâng cao chất lượng thể chế ở Việt Nam

Để đạt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, Việt Nam cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần khẩn trương rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh. Cụ thể

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thủ tục hành chính trong mọi lĩnh vực từ thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục xuất nhập khẩu…, tạo môi trường thông thoáng cho các DN hoạt động hiệu quả hơn.

Thứ hai, cần tổ chức các cuộc đối thoại giúp DN nắm rõ về quyền và nghĩa vụ của mình, cũng như nắm bắt được tâm tư nguyện vọng, những vướng mắc trong hành động để đưa ra những giải pháp hợp lý, hiệu quả hơn.

Thứ ba, đẩy mạnh việc hỗ trợ DN, tổ chức nhiều hội chợ thương mại để thúc đẩy, hỗ trợ DN mở rộng hợp tác đầu tư, tìm kiếm thị trường mới.

Thứ tư, cần cải thiện định chế pháp lý hơn nữa, chính quyền địa phương cần đảm bảo một môi trường pháp lý an toàn hơn, tạo niềm tin cho DN về hệ thống tư pháp để mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh, không e ngại rủi ro xảy ra mà không được giải quyết, hay bảo vệ quyền lợi của DN.

Thứ năm, cần thúc đẩy hơn hiệu quả sáng tạo của lãnh đạo tỉnh, nghiêm túc xem xét quá trình hoạt động của lãnh đạo địa phương trong việc đảm bảo thực hiện kế hoạch đúng định hướng để nâng cao chất lượng thể chế ở tại địa phương.