Một số chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Theo Chinhphu.vn

(Tài chính) Phấn đấu GDP năm 2014 đạt khoảng 6%; từ 1/7, nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng; huy động tối đa lực lượng xử lý lái xe vi phạm;... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2013 (đầu cầu Hà Nội). Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2013 (đầu cầu Hà Nội). Ảnh VGP/Nhật Bắc

Phấn đấu GDP năm 2014 đạt khoảng 6%

Tại Chỉ thị xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2014, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2013-2020.

Bên cạnh đó, tập trung rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6%.

Đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển nền kinh tế. Tập trung nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nhất quán thực hiện mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Thực hiện chính sách tiền tệ với mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam và bảo đảm cung ứng vốn một cách có hiệu quả cho nền kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Phấn đấu kiềm chế lạm phát khoảng 7%. Tiếp tục lành mạnh hóa thị trường tiền tệ, giảm dần tỷ lệ nợ xấu. Đẩy mạnh các kênh huy động vốn ngoài hệ thống ngân hàng. Triển khai có hiệu quả Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và thực hiện tốt Đề án cơ cấu lại các ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa phối hợp hiệu quả với chính sách tiền tệ đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường quản lý ngân sách Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả.

Từ 1/7, tăng lương cơ sở lên 1.150.000 đồng/tháng

Theo Nghị định 66/2013/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang vừa được Chính phủ ban hành, từ ngày 1/7/2013, mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng/tháng.

Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng theo quy định.

Đồng thời, mức lương cơ sở cũng được dùng làm căn cứ tính mức hoạt động phí theo quy định, tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Từ 1/7, nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng

Theo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân, từ 1/7/2013, cá nhân cư trú có thu nhập tiền lương, tiền công, thu nhập từ kinh doanh được giảm trừ gia cảnh vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế là 9 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế (108 triệu đồng/năm).

Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc mà người nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng là 3,6 triệu đồng/tháng kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng.

Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo quy định thì thực hiện theo mức do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Huy động tối đa lực lượng xử lý lái xe vi phạm

Tại Chỉ thị số 12/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an huy động tối đa lực lượng, trang thiết bị, phương tiện, đẩy mạnh tuần tra lưu động, tập trung xử lý lái xe vi phạm các lỗi có nguy cơ gây tai nạn cao như: chạy quá tốc độ, đi sai làn đường, tránh vượt xe trái quy định, vi phạm nồng độ cồn, chở quá tải, quá số người quy định.

Đồng thời, Bộ Công an cần chỉ đạo công tác điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, khởi tố để sớm đưa ra xét xử một số trường hợp vi phạm điển hình trong lĩnh vực trật tự ATGT.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, Bộ GTVT, Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành thanh tra công vụ, kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị và cán bộ, công chức các cơ quan quản lý nhà nước về bảo đảm ATGT có hành vi vi phạm quy định trong thực thi công vụ; đình chỉ chức vụ để tiến hành điều tra đối với những trường hợp có dấu hiệu bảo kê, tiếp tay, dung túng cho các cơ sở kinh doanh vận tải, các cơ sở kiểm định, cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe, các bến xe và lái xe vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải và trật tự ATGT.

Bảo đảm tiến độ đường dây 500 KV

Để hoàn thành xây dựng các đường dây 500 kV: Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, Sông Mây - Tân Định và Phú Lâm – Ô Môn vào cuối năm 2013 nhằm bảo đảm cung cấp điện cho các tỉnh khu vực miền Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bàn giao mặt bằng các vị trí móng cột còn lại của đường  dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông trước ngày 15/7/2013, hoàn thành bồi thường hành lang tuyến trước ngày 15/8/2013.

Chủ tịch UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đường dây 500 kV Sông Mây – Tân Định trước ngày 15/7/2013, giải phóng mặt bằng đường dây 500 kV Phú Mỹ - Sông Mây trong tháng 7/2013.

Cũng trong tháng 7/2013, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo hoàn thành bàn giao mặt bằng các vị trí móng cột còn lại của đường dây 500 kV Phú Lâm – Ô Môn; tiếp đó, hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phần móng và hành lang tuyến trong tháng 8/2013.

Đẩy nhanh GPMB cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ thi công Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc di chuyển hệ thống hạ tầng kỹ thuật (các tuyến điện, cáp viễn thông, điện thoại, hệ thống cấp thoát nước.....) còn vướng trên tuyến tại địa bàn quận Long Biên, huyện Gia Lâm. Đồng thời, chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc còn 17 hộ đất thổ cư (1.842 m2) chưa bàn giao mặt bằng.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các cơ quan Ban ngành phối hợp cùng Chủ đầu tư tiếp tục tuyên truyền, vận động, giải thích để giải quyết dứt điểm việc cản trở thi công của nhân dân thôn Ninh Đạo, xã Tân Phúc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên đối với việc thi công cống chui dân sinh tại lý trình Km30+360.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan Ban ngành, UBND huyện Tứ Kỳ phối hợp giải quyết dứt điểm 1 hộ dân chưa di dời tại Km57+350 thuộc xã Tái Sơn, huyện Tứ Kỳ.

Doanh nghiệp bị giám sát tài chính đặc biệt trong 4 trường hợp

Theo Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước, có 4 trường hợp doanh nghiệp bị giám sát tài chính đặc biệt.

Cụ thể, doanh nghiệp được đặt vào tình trạng giám sát tài chính đặc biệt nếu tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm hoặc qua công tác giám sát tài chính, kiểm toán phát hiện có tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc một trong 4 trường hợp sau:

1- Kinh doanh thua lỗ, có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá mức an toàn theo quy định.

2- Có số lỗ phát sinh từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên hoặc số lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu.

3- Có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5.

4- Báo cáo không đúng thực tế về tài chính, làm sai lệch lớn kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.