Một số giải pháp đột phá để xây dựng văn hóa doanh nghiệp


Mỗi doanh nghiệp đều có văn hoá của riêng mình nhưng để văn hóa doanh nghiệp đóng góp lớn vào hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh lại không phải điều đơn giản. Văn hóa doanh nghiệp có các giá trị cốt lõi không tách rời khỏi tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi toàn cầu hóa thế kỷ XXI. Bài viết phân tích một số góc nhìn tạo nên giá trị văn hóa doanh nghiệp và đưa ra một số giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp góp phần phát triển bền vững...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Văn hóa doanh nghiệp là gì?

Cụm từ “văn hoá doanh nghiệp” đã được đưa ra luận bàn từ lâu trên thế giới, song cho đến nay vẫn còn khá nhiều cách hiểu khác nhau. Có quan điểm cho rằng, văn hoá doanh nghiệp (DN) là văn hoá của một tổ chức, vì vậy nó không đơn thuần là văn hoá giao tiếp hay văn hoá kinh doanh.

Tại Việt Nam, cụm từ “văn hóa DN” được nhiều người để ý và biết đến nhiều hơn kể từ ngày 26/9/2016, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết định số 1846/QĐ-TTg lấy ngày 10/11 hằng năm là “Ngày văn hóa DN Việt Nam”, để khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa DN; Tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức về văn hóa DN, thúc đẩy việc xây dựng và phát triển văn hóa DN trong cộng đồng DN Việt Nam và trong toàn xã hội; Tôn vinh các doanh nhân, DN có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và phát triển văn hóa DN; Góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.

Văn hóa DN là các hành vi ứng xử với khách hàng, cộng đồng, cách giao tiếp với đối tác, với xã hội. Văn hóa DN có các giá trị cốt lõi không tách rời khỏi tầm nhìn và sứ mệnh của DN. Xây dựng văn hóa DN chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi toàn cầu hóa thế kỷ XXI.

Văn hóa DN là việc sử dụng các nhân tố văn hóa vào hoạt động kinh doanh, là cái mà các chủ thể kinh doanh áp dụng hoặc tạo ra trong quá trình hình thành nên những nền tảng có tính ổn định và đặc thù trong hoạt động kinh doanh của họ.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và sự chuyển đổi cơ chế kinh doanh, các DN, trong đó có các DN nhà nước phải trở thành đơn vị sản xuất, kinh doanh tự chủ. DN muốn đứng vững trong cạnh tranh thị trường gay gắt nhất thiết phải tiến hành xây dựng văn hóa DN (PGS.,TS. Đinh Công Tuấn, 2012).

Theo “Đại từ điển tiếng Việt” do Nguyễn Như Ý chủ biên: Văn hoá DN là toàn bộ các giá trị văn hoá được gây dựng nên trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của mỗi DN trong môi trường chung, đó là những quan niệm, tập quán, truyền thống của dân tộc, tác động của môi trường tới hoạt động của DN, tác động này chi phối tình cảm, lý trí, cách suy nghĩ và hành vi ứng xử của mỗi thành viên trong DN và trong cộng đồng DN với người sử dụng sản phẩm của DN.

Tóm lại, dù diễn giải thế nào thì văn hoá DN vẫn phải dựa trên cơ sở là cách thức ứng xử của mỗi thành viên trong DN mà biểu hiện của nó là các hành vi quản lý lao động, sáng tạo lao động và các hoạt động của DN phải phù hợp với các quy định của pháp luật trong mặt bằng chung và của hiệp hội ngành nghề nói riêng.

Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập

Trong những năm qua, các DN Việt Nam đã quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng văn hóa DN, thậm chí có những DN sẵn sàng mời các công ty, tổ chức quốc tế đến hoạch định văn hóa DN cho công ty mình. Trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, 2 điểm nhấn nổi bật trong văn hóa DN cần được nhận diện và xử lý: (i) Văn hóa DN trong tôn trọng, bảo vệ quyền người tiêu dùng; (ii) Tình trạng phí “bôi trơn” được mặc định trong hoạt động và quản lý DN. Cụ thể:

Văn hóa DN trong tôn trọng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2017 đã được phát động với chủ đề “DN vì người tiêu dùng”. Đây chính là một nội dung và thước đo quan trọng hàng đầu của văn hóa DN. Tuy nhiên, về bản chất, DN là thực thể kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận nên DN sẽ không tự nguyện coi người tiêu dùng là mục đích tự thân nếu không có luật pháp và các thể chế kinh tế - xã hội và cạnh tranh thị trường buộc DN tuân thủ.

Trên thực tế, tình trạng DN cố tình vi phạm quyền lợi người tiêu dùng còn diễn ra khá phổ biến nhất là ở lĩnh vực an toàn thực phẩm, an toàn thông tin, chất lượng hàng hóa. Đơn cử như tại Hà Nội, trong giai đoạn 2011-2016, các cơ quan chức năng đã kiểm tra hơn 824 nghìn cơ sở sản xuất của các DN, phát hiện hơn 135 nghìn cơ sở sản xuất vi phạm an toàn thực phẩm, qua đó xử lý hơn 41 nghìn vụ với tổng số tiền phạt trên 92 tỷ đồng. Một số vụ kéo dài và phức tạp thiếu hợp tác giữa người tiêu dùng với cơ quan chức năng, còn nhà sản xuất thì thiếu tôn trọng khách hàng và chối bỏ trách nhiệm…

Trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, việc bảo đảm quyền của người tiêu dùng không thể trông chờ thụ động và khoán trắng cho DN, mà tùy thuộc vào sự nhận thức đầy đủ, sâu sắc, sự hoàn thiện luật pháp và sự chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội và chính cộng đồng người tiêu dùng.

Để bảo vệ quyền người tiêu dùng, Nhà nước kiến tạo có vai trò một nhà tổ chức môi trường kinh doanh để DN cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật về bảo vệ quyền người tiêu dùng và coi đó là mục tiêu, động lực cạnh tranh và phát triển bền vững của DN. 

Nhà nước cần tăng cường năng lực thể chế bảo vệ quyền người tiêu dùng từ Trung ương đến địa phương; Điều chỉnh và cụ thể hóa các chính sách, cơ chế hoạt động, quy trình tiếp nhận, xử lý tranh chấp giữa người tiêu dùng và người cung cấp hàng hóa; Luật hóa các tiêu chuẩn chất lượng và các “hàng rào kỹ thuật” quốc gia; Đề cao sự minh bạch nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

Kiện toàn bộ máy và phân công rõ ràng, trách nhiệm cá nhân cụ thể, tăng cường kết nối và kiểm tra theo quy trình đồng bộ với các chế tài nghiêm khắc nhất; nhận diện và loại trừ kiên quyết những hành vi vô cảm, vô trách nhiệm và những biểu hiện phi nhân văn, ích kỷ; Hỗ trợ tích cực cho các tổ chức xã hội, bảo vệ quyền an toàn cho người tiêu dùng.

Các bộ, ban, ngành địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền văn bản pháp luật về bảo vệ quyền người tiêu dùng; Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhận diện đúng và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ quyền người tiêu dùng.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan, tổ chức tham gia công tác bảo vệ quyền người tiêu dùng, khuyến khích thành lập và giới thiệu các tổng đài, số điện thoại nóng, các trang tin và các văn phòng bảo vệ người tiêu dùng nhằm tăng cường kết nối, cập nhật các thông tin về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng; Tổ chức các hội thảo và tăng cường các hoạt động tuyên truyền đa dạng, thiết thực khác về quyền của người tiêu dùng giúp họ nhận thức rõ hơn về quyền của mình và cách thức hợp tác với các cơ quan chức năng để giải quyết quyền lợi của mình.

Quan trọng hơn, người tiêu dùng cũng cần nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình, vượt qua tâm lý ngại khiếu nại, ngại thủ tục, thời gian giải quyết lâu, chi phí cao.

Về phía DN, các DN cần đề cao đạo đức kinh doanh, tuân thủ các quy chuẩn công nghệ sản xuất và minh bạch hóa các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng. Cùng với đó, các DN cần coi người tiêu dùng không chỉ là khách hàng, mà còn là tài sản của mình cần phải bảo vệ; bảo đảm quyền người tiêu dùng phải trở thành nhận thức chung, thước đo nhân quyền và mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân…

Tình trạng phí “bôi trơn” được mặc định trong hoạt động và quản lý DN

Tình trạng phí “bôi trơn” được mặt định trong hoạt động và quản lý DN ngày càng phổ biến cho thấy rõ nét đặc thù trong văn hóa DN ở Việt Nam. Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 cho thấy, tính minh bạch vẫn là mối quan ngại lớn trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Theo đó, DN tiếp tục có xu hướng dùng mối quan hệ cá nhân với công chức nhà nước để tiếp cận thông tin, tài liệu quan trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một môi trường kinh doanh thiếu minh bạch sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho việc nhũng nhiễu, tham nhũng. Qua PCI 2016 cũng cho thấy, tới 66% trong tổng số 11.000 DN được hỏi phải “móc hầu bao” cho chi phí không chính thức. Các DN thường phải chi khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện…

Trong nghiên cứu của dự án PCI năm 2017 do VCCI công bố tháng 3/2018 cho thấy, mặc dù chi phí không chính thức của DN có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Việc quyết liệt trong chống tham nhũng khi các vụ án tham nhũng lớn được điều tra, xét xử, được nhìn nhận là một phần trong chương trình cải cách hành chính tổng thể, trong đó tăng cường minh bạch thông tin và cải cách dịch vụ công, nâng cao tính chịu trách nhiệm của các cán bộ công quyền.

Sau nhiều năm liên tục tăng, năm 2017 ghi nhận mức giảm đáng kể ở 3 chỉ tiêu: Tỷ lệ DN chi trả chi phí không chính thức; tỷ lệ phần trăm trong tổng thu nhập doanh nghiệp phải bỏ ra hàng năm để chi các khoản không chính thức; chi trả hoa hồng (chi phí không chính thức) để đảm bảo trúng thầu.

Nhiều nhà quản lý DN cho rằng, việc chi trả chi phí không chính thức hay tặng quà là phổ biến đến mức 2 bên không cần phải trao đổi với nhau. Thực tế này cho thấy, chi phí không chính thức hay tặng quà đã ăn sâu vào hành vi hàng ngày và đã trở thành một quy tắc ứng xử.

Điều đáng lo ngại hơn, trong khi tình trạng “bôi trơn”, “lót tay” dường như đã khá phổ biến, là tâm lý chịu đựng, dẫn đến chấp nhận các chi phí không chính thức trong giải quyết công việc có liên quan đến chính quyền của nhiều DN.

Những chi phí “bôi trơn” có thể giúp một số DN đẩy nhanh thủ tục hoặc có được những lợi thế nào đó nhưng về tổng thể, chúng làm tăng gánh nặng chi phí của DN, làm chậm hoặc cản trở dòng vốn đầu tư, làm mất cạnh tranh lành mạnh và lệch lạc trong phân bổ nguồn lực, gây thiệt hại chung cho xã hội.

Chi phí “bôi trơn” chính là thước đo mức độ nghiêm trọng của tham nhũng, cũng như là bằng chứng cho thấy sự bất lực, kém năng lực, hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước nói chung, công cuộc chống tham nhũng nói riêng. Những chi phí không chính thức chỉ có thể bị loại bỏ bằng những biện pháp chính thức đồng bộ và nhất quán…

Hiện nay, Việt Nam có hơn 4.000 điều kiện kinh doanh, trong đó nhiều quy định không theo thông lệ quốc tế, không phù hợp đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân; do đó cần bãi bỏ càng sớm càng tốt hơn 50% điều kiện không hợp lý.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN phát triển bền vững, ngày 20/9/2017, Bộ Công Thương có Quyết định số 3610A/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2018.

Theo đó, Quyết định này nêu rõ, cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh giai đoạn 2017 – 2018, chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng và sau khi cắt giảm, số điều kiện còn lại chỉ còn 541, thay vì con số dự kiến ban đầu là 752 điều kiện.

Trên thực tế, đằng sau các thủ tục và điều kiện kinh doanh đó là những nhóm lợi ích chi phối (điều kiện về quy mô sẽ tạo độc quyền cho một số DN lớn; điều kiện về kiểm tra chuyên ngành sẽ mở ra cơ hội cho những người có thẩm quyền liên quan có thể vòi vĩnh).

Cắt bỏ các thủ tục này có nghĩa là cắt bỏ số tiền “lót tay” mà các DN phải chi ra để “lọt” qua cửa này. Cắt giảm các điều kiện kinh doanh, chúng ta có quyền hy vọng môi trường đầu tư trong nước sẽ ngày càng minh bạch, thông thoáng, bình đẳng để người dân, DN tự tin đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh, đóng góp cho sự tăng trưởng và phát triển của đất nước.

Bên cạnh hai vấn đề trên, để tạo được đặc trưng riêng của văn hóa DN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế cần chú trọng tới các nội dung sau:

Một là, tôn trọng con người với tư cách là chủ thể hành vi, coi trọng tính tích cực và tính năng động của con người trong kinh doanh, công việc nâng cao tố chất của con người là điều kiện quan trọng đầu tiên của phát triển DN.

Hai là, coi trọng chiến lược phát triển và mục tiêu cơ bản của DN để bồi dưỡng ý thức văn hóa DN cho toàn thể công nhân viên chức.

Ba là, coi trọng việc quản lý môi trường vật chất và tinh thần của DN, tạo ra không gian văn hóa tốt đẹp, bồi dưỡng ý thức tập thể và tinh thần đoàn kết nhằm cống hiến sức lực, trí tuệ cho DN.

Bốn là, coi trọng vai trò tham gia quản lý của công nhân viên chức, khích lệ tinh thần trách nhiệm của tất cả các thành viên DN.

Cùng với các nội dung trên, trong giai đoạn hội nhập kinh tế hiện nay, DN cần chú ý tới 4 đặc điểm sau: Tính tập thể; tính quy phạm; tính độc đáo; tính thực tiễn.

Giải pháp đột phá trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Để xây dựng văn hóa DN trong bối cảnh hội nhập thì trách nhiệm của từng cá nhân và lãnh đạo DN Việt Nam là phải chủ động tìm hiểu các quy định của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh;  Đồng thời triển khai thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tạo dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh hướng tới thị trường. Việc các DN phải trở thành các DN tự chủ để phù hợp với kinh tế thị trường đòi hỏi DN phải nhanh chóng hình thành quan niệm thị trường linh động, sát với thực tiễn.

Quan niệm thị trường bao gồm nhiều mặt như: Giá thành, khả năng tiêu thụ, chất lượng đóng gói, chất lượng sản phẩm, các dịch vụ sau bán hàng, các kỳ khuyến mãi nhằm hút hàng khách hàng… Tất cả đều phải hướng tới sức cạnh tranh, giành thị phần cho DN của mình. Cần phải coi nhu cầu của thị trường là điểm sản sinh và điểm xuất phát của văn hóa DN.

Thứ hai, xây dựng quan niệm khách hàng là trên hết. Theo đó, DN phải “thấu hiểu” nhu cầu nguyện vọng của khách hàng để khai thác sản phẩm mới và cung cấp dịch vụ chất lượng cao; xây dựng hệ thống tư vấn cho người tiêu dùng, cố gắng ở mức cao nhất để thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng, nâng cao chất lượng phục vụ để tăng cường sức mua của khách hàng; Tiến hành khai thác văn hóa đối với môi trường sinh tồn của DN, xây dựng hình ảnh DN thân thiện với khách hàng.

Thứ ba, các hiệp hội ngành nghề hỗ trợ các DN tăng cường nhận thức về văn hóa DN và văn hóa kinh doanh bằng các hoạt động cụ thể như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tổ chức các hội thảo, các chương trình đào tạo, tham quan học hỏi kinh nghiệm xây dựng văn hóa DN ở một số nước hoặc cấp các dự án cấp bộ về vấn đề văn hóa kinh doanh và văn hóa DN; Tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật và kiến thức chuyên ngành cho tất cả mọi thành viên trong DN.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền với DN; Ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.

Thứ năm, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của DN, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm, bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững; Nâng cao vai trò, tính chuyên nghiệp, năng lực và trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các hiệp hội DN trong hỗ trợ DN đầu tư cả trong nước và nước ngoài...

Thứ sáu, xây dựng chiến lược đầu tư cho con người để phát huy tài năng và sức sáng tạo lao động của mỗi cá nhân trong DN, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Thứ bảy, tổ chức các chuyến đi khảo sát văn hóa DN ở các nước phát triển ở châu Âu, châu Á để nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm phát triển DN của các nước này; Đồng thời, tổ chức các cuộc thi, giao lưu văn hóa và tìm hiểu pháp luật giữa các thành viên của các DN.         

Tài liệu tham khảo:

  1. PGS.,TS. Đinh Công Tuấn (10/2012), Văn hóa DN ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Tri-thuc-viet-nam/2012/18180/Van-hoa-doanh-nghiep-o-Viet-Nam-trong-thoi-ky-hoi-nhap.aspx:;
  2. Nguyễn Văn Kỷ (2012), Giải pháp xây dựng văn hóa DN Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 3/2016;
  3. Hồ Trọng Lại (2/2018) Các mô hình và quy trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, http:// www.thesaigontimes.vn/;
  4. Lữ Ý Nhi (10/2017), Văn hóa DN - nền tảng để phát triển bền vững, htttp://doanhnhansaigon.vn;
  5. Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Tài liệu Tọa đàm khoa học (2017), “Xây dựng văn hóa DN trong sự phát triên bền vững – Bí quyết thành công của các công ty thực phẩm Nhật Bản.