Một số vấn đề đặt ra trong triển khai chính sách đảm bảo an ninh lương thực quốc gia

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 12/2019

Ngày 23/12/2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, trong đó định hướng “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài”. Sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 63/NQ-CP, nhiều mục tiêu về an ninh lương thực quốc gia đã được thực hiện tốt, tuy nhiên, trong bối cảnh mới, Việt Nam tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự điều chỉnh về cơ chế, chính sách, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tình hình triển khai chính sách đảm bảo an ninh lương thực quốc gia

Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực (ANLT) quốc gia, nêu rõ mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là phải đảm bảo đủ nguồn cung cấp lương thực, nâng cao chất lượng bữa ăn; đảm bảo cho nông dân sản xuất lúa có lãi bình quân trên 30% so với giá thành sản xuất. Kết quả sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 63/NQ-CP cho thấy, nhiều mục tiêu cơ bản về ANLT quốc gia đã được thực hiện tốt, cụ thể như:

Đảm bảo đủ nguồn cung lương thực

Một số vấn đề đặt ra trong triển khai chính sách đảm bảo an ninh lương thực quốc gia  - Ảnh 1

Nghị quyết số 63/NQ-CP đặt mục tiêu “tiếp tục đẩy mạnh thâm canh sản xuất lúa, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, tạo nguồn cung vững chắc, đảm bảo ANLT quốc gia trước mắt và lâu dài. Đến năm 2020, bảo vệ quỹ đất lúa là 3,8 triệu ha để có sản lượng là 41-43 triệu tấn lúa, đáp ứng tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo/năm; tăng diện tích trồng ngô lên đến 1,3 triệu ha, sản lượng 7,5 triệu tấn; diện tích trồng cây ăn quả là 1,2 triệu ha, sản lượng 12 triệu tấn; rau các loại là 1,2 triệu ha, sản lượng 20 triệu tấn; sản lượng các loại cây màu tăng trên 30%; chăn nuôi đạt sản lượng thịt hơi các loại là 8 triệu tấn, sữa tươi 1 triệu tấn, trứng gia cầm là 14 tỷ quả; sản lượng khai thác thủy sản là 2,4 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 4 triệu tấn".

Để ổn định nguồn cung lương thực, Nhà nước chủ trương xây dựng hệ thống kho lưu trữ lương thực, các kho dự trữ này chịu trách nhiệm trong việc thu mua lương thực của nông dân trong trường hợp sản lượng lúa gạo tăng làm giảm giá bán hoặc xả kho giúp ổn định nguồn cung, giá cả khi tình trạng mất mùa xảy ra… Nhờ đó, Việt Nam không chỉ tự đảm bảo được ANLT mà còn góp phần đảm bảo ANLT cho nhiều quốc gia khác thông qua xuất khẩu, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu từ 5-7 triệu tấn gạo.

Theo thống kê của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, giai đoạn 2008-2018, Việt Nam duy trì và phát triển sản xuất nông nghiệp, sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người tăng từ 508,7kg năm 2008 lên 548,5kg năm 2013 và 516,4kg năm 2018, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này, theo đó vai trò hỗ trợ ANLT cho các quốc gia khác của Việt Nam ngày càng tăng. Trong đó, sản lượng lúa gạo bình quân đầu người năm 2018 của Việt Nam tương đối cao, đạt 464,6kg/người/năm, cao gấp 3,6 lần so với sản lượng lúa gạo bình quân đầu người của Ấn Độ (nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới) và gần bằng của Thái Lan (nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới). Sản lượng của các nhóm nông sản khác (trái cây, rau, thịt, trứng, sữa) bình quân đầu người có xu hướng tăng qua các năm. Không chỉ đảm bảo tính sẵn có cấp quốc gia, sản lượng lúa gạo sản xuất được của từng vùng cũng đã đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng gạo của người dân. So sánh lượng gạo sản xuất được của từng vùng với nhu cầu cho thấy, các vùng đã chủ động hơn về việc cung cấp lúa gạo nội vùng.

Nhìn chung, so với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 63/NQ-CP, 5 nhóm chỉ tiêu đạt và vượt, đó là: Diện tích đất lúa cả nước năm 2018 đạt 4.159,3 nghìn ha, vượt mục tiêu đề ra là 359,3 nghìn ha; Sản lượng lúa năm 2018 đạt 44 triệu tấn, vượt mục tiêu đề ra 1 triệu tấn; Xuất khẩu gạo năm 2018 đạt 6,052 triệu tấn, vượt mục tiêu đề ra 2 triệu tấn; Diện tích rau các loại năm 2018 đạt 961 nghìn ha, sản lượng đạt 17,1 triệu tấn (dự kiến năm 2020 đạt mục tiêu đề ra với diện tích đạt 1,2 triệu ha, sản lượng đạt 20 triệu tấn); Sản lượng sữa tươi năm 2018 đạt 936 nghìn tấn, dự kiến đến năm 2020 đạt 1,165 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 165 nghìn tấn); Sản lượng thủy sản năm 2018 đạt 7,75 triệu tấn, trong đó khai thác 3,6 triệu tấn, nuôi trồng 4,15 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 1,35 triệu tấn: khai thác 1,2 triệu tấn, nuôi trồng 0,15 triệu tấn).

Đảm bảo nhu cầu về dinh dưỡng

Nghị quyết số 63/NQ-CP định hướng đến năm 2020, cân đối dinh dưỡng và nâng cao mức tiêu thụ calo bình quân hàng ngày lên 2.600-2.700 Kcal/người và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn dưới 5%; Cải thiện cơ cấu và chất lượng tiêu dùng lương thực, đạt mức tiêu thụ bình quân/người vào năm 2020: gạo giảm xuống còn 100kg, thịt các loại 45kg, cá các loại 30kg, quả các loại 50kg, rau các loại 120kg, tăng mức tiêu dùng trứng, sữa gấp 2 lần so với hiện nay; Toàn bộ nông sản, lương thực tiêu thụ trên thị trường đạt chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm.

Một số vấn đề đặt ra trong triển khai chính sách đảm bảo an ninh lương thực quốc gia  - Ảnh 2

Triển khai mục tiêu trên, các địa phương đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, xác định lợi thế cây trồng, vật nuôi để đầu tư, cải tạo cơ cấu giống, từ đó nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng các sản phẩm cây trồng, vật nuôi góp phần đảm bảo an ninh và đa dạng lương thực thực phẩm. Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2010, sự đa dạng trong chế độ ăn uống của người Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong thập kỷ qua: Tỷ lệ tiêu thụ ngũ cốc (về số lượng) đã giảm, trong khi tỷ lệ thịt, cá, sữa và trứng đã tăng lên; tỷ lệ trái cây và rau quả không đổi. Mức tiêu thụ lương thực, thực phẩm cũng có sự khác biệt giữa nông thôn, thành thị; đặc biệt ở nhóm gạo và nhóm thịt các loại. Qua các năm, khoảng cách chênh lệch mức tiêu thụ lương thực thực phẩm giữa các khu vực đã được rút ngắn hơn, nhất là nhóm thịt (năm 2010, lượng thịt tiêu dùng của người dân sống ở khu vực nông thôn bằng 80,95% khu vực thành thị, đến năm 2016 con số này đã tăng lên 95,45%). Số liệu khảo sát của Tổ chức Lương thực Thế giới cũng cho thấy, trong tổng số 96,2 triệu người dân Việt Nam giai đoạn 2008-2010, có khoảng 10,8% người dân ở trong tình trạng thiếu dinh dưỡng. Đây là một cải thiện đáng kể so với mức 18,2% trong giai đoạn 2004-2006.

Đảm bảo khả năng tiếp cận lương thực của người dân

Nghị quyết số 63/NQ-CP đặt mục tiêu là chấm dứt tình trạng thiếu đói lương thực vào năm 2012, sau năm 2012 đảm bảo 100% người dân ở mọi nơi, mọi lúc có đủ lương thực, đảm bảo thu nhập cho người sản xuất lương thực đến năm 2020 cao hơn 2,5 lần.

Hướng tới mục tiêu trên, trong 10 năm qua (2008-2018), thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 3,87 lần; khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần. Theo khảo sát từng vùng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn trong năm 2016, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng mạnh, thu nhập năm 2016 của hầu hết các vùng gấp 3 lần so với năm 2008. Khoảng cách thu nhập giữa các vùng cũng có xu hướng thu hẹp từ 2,7 lần còn 2,3 lần giữa vùng có thu nhập cao nhất (Đông Nam Bộ) và vùng có thu nhập thấp nhất (Trung du và miền núi phía Bắc). Các chương trình giảm nghèo đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế và giảm nghèo. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng đã giúp cải thiện khả năng tiếp cận lương thực, cụ thể thu nhập bình quân nhân khẩu 1 tháng tăng từ 356.100 đồng năm 2002 lên 3,76 triệu đồng năm 2018.

Một số khó khăn, thách thức

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, quá trình triển khai chính sách bảo đảm ANLT quốc gia còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc sau:

- Sản xuất nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu, thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro nên việc quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch sản xuất lương thực thực phẩm còn khó khăn.

- Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bất cập so với yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa tập trung và cạnh tranh quốc tế.  

- Việc sản xuất không theo quy hoạch gây ra nhiều hệ lụy, đó là sự quá tải về hạ tầng, dư thừa về nguồn cung sản phẩm. Chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho nông dân chưa hiệu quả, nên người dân có xu hướng giữ ruộng làm vật “bảo hiểm”.

- Hệ thống lưu thông, xuất khẩu lương thực còn nhiều tồn tại. Quy mô doanh nghiệp dịch vụ logistic nhỏ, sức cạnh tranh yếu, sự phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp và các khâu trong chuỗi hoạt động dịch vụ logistic chưa đáp ứng yêu cầu. Điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định khá ngặt nghèo, đòi hỏi vốn đầu tư lớn.

- Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn, tập trung. Kinh tế hộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số hộ ở nông thôn, quy mô sản xuất hộ nhỏ lẻ (trung bình chỉ đạt 0,18ha/thửa và 2,5 thửa đất/hộ). Doanh nghiệp nông nghiệp còn ít, quy mô nhỏ, năng lực tài chính thấp, hiệu quả hoạt động chưa cao; liên kết giữa người nông dân với thương nhân xuất khẩu gạo còn chưa phổ biến…

Ngoài những khó khăn, vướng mắc trên, trong bối cảnh hội nhập, công tác đảm bảo ANLT của Việt Nam còn đối diện với nhiều thách thức khác như:

- Xu hướng hội nhập quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tuân thủ các tiêu chuẩn các nước đặt ra trong cả 3 lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.

- Công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ làm gia tăng cạnh tranh các tài nguyên tự nhiên, tăng phát thải khí nhà kính, ảnh hưởng tới ANLT quốc gia.

- Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu và thiên tai. Những dự báo cho thấy, thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra có thể lên tới 3-5% GDP/năm. Tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nông nghiệp Việt Nam có nguy cơ giảm 7,2 triệu tấn lúa và ảnh hưởng đến 32,2% diện tích đất nông nghiệp vào cuối thế kỷ 21.

- Về dân số, Việt Nam là nước có quỹ đất lúa bình quân đầu người thấp, dân số đông lại tăng nhanh, nhất là khu vực nông thôn, nên nguy cơ bùng nổ dân số và mất cân đối lương thực ngày càng lớn…

Dự báo nhu cầu lương thực và định hướng đặt ra cho bối cảnh mới

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ GDP toàn ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt trên 3%. Cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dư địa cho tăng trưởng nông nghiệp giảm, tốc độ toàn ngành Nông nghiệp đạt trên 3% giai đoạn 2026-2030 và trung bình đạt 3% thời kỳ 2021-2030. Với định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu thì diện tích cây lương thực (nhất là gạo) có thể giảm, diện tích cây ăn quả sẽ tăng, thủy sản và sản phẩm chăn nuôi đa dạng hơn, do đó mức cung đối với các mặt hàng thực phẩm giàu đạm, dinh dưỡng tiếp tục tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Theo dự báo, tốc độ tăng GDP toàn ngành Nông nghiệp nước ta giai đoạn 2021- 2025 đạt trên 3%. Cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dư địa cho tăng trưởng nông nghiệp giảm, tốc độ toàn ngành Nông nghiệp đạt trên 3% giai đoạn 2026-2030 và trung bình đạt 3% thời kỳ 2021-2030. Về nhu cầu lương thực, nhìn chung, nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước có sự thay đổi do dân số tăng lên.

Về nhu cầu lương thực, nhìn chung, nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước sẽ có sự thay đổi do dân số tăng lên. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam đạt khoảng 103 triệu người vào năm 2030. Khi dân số tăng, thu nhập của người dân tăng, theo đó, nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng cả về chất lẫn lượng. Nhu cầu gạo trong cơ cấu bữa ăn giảm dần, nhu cầu thịt, cá, trứng, sữa, rau tăng lên. Theo ước tính của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông thôn, nhu cầu tiêu thụ gạo bình quân đầu người của Việt Nam đến năm 2025 chỉ còn 93,7kg/người/năm và đến năm 2030 chỉ còn 93,3kg/người/năm. Như vậy, cần chuyển dần một phần đất lúa sang trồng rau ăn quả, thức ăn chăn nuôi và phát triển thủy sản để đáp ứng nhu cầu về cơ cấu tiêu dùng lương thực, thực phẩm trong nước.

Trên cơ sở các dự báo về cung và cầu lương thực, thực phẩm, vấn đề đảm bảo ANLT quốc gia cần được đẩy mạnh theo định hướng sau:

- Thay đổi quan điểm ANLT không chỉ tập trung vào tính sẵn có, khả năng tiếp cận, chi trả mà còn tập trung vào đảm bảo dinh dưỡng, tính an toàn thực phẩm.

- Đảm bảo ANLT quốc gia trên cơ sở phát huy nguồn nhân lực của nhân dân và các thành phần kinh tế là chính; Nhà nước ban hành cơ chế chính sách, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất và cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo ANLT quốc gia.

- Phát huy lợi thế phát triển sản xuất lúa và tăng cường phát triển các loại cây lương thực, thực phẩm khác; Ưu tiên sử dụng đa dạng hóa, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong khẩu phần ăn.

- Phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, đồng thời, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu thu nhập, việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tăng khả năng chi trả cho lương thực.

- Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng lương thực thực phẩm trong nước cả về số lượng, chất lượng.

- Cho phép chuyển đổi một phần diện tích lúa gạo không hiệu quả sang cây, con khác, giúp tăng thu nhập cho người nông dân; đồng thời, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và hài hòa với bối cảnh mới khi lượng tiêu dùng gạo giảm theo mức tăng thu nhập, thị trường gạo bấp bênh và có xu hướng thu hẹp lại do những nước nhập khẩu gạo lớn, truyền thống của Việt Nam có chủ trương tự túc lương thực và giảm dần nhập khẩu.

- Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ cho các hộ, các tỉnh trồng lúa, góp phần đảm bảo ANLT quốc gia, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.        

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia;

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, World Bank (2019), Tài liệu Diễn đàn chính sách an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới;

3. Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông thôn, an ninh lương thực quốc gia: Thành tựu, thách thức và định hướng;

4. Thạch Huê (2019), an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh mới, bnews.vn;

5. Phương Nhi (2019), Tổng kết 10 năm thực hiện Ðề án an ninh lương thực quốc gia, chinhphu.vn.