Một số vấn đề nảy sinh khi thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế


Xử phạt vi phạm hành chính thuế là một nội dung gắn với việc rà soát thủ tục thuế và chức năng kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước mà trực tiếp và thường xuyên nhất là cơ quan thuế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngoài cơ quan thuế, các cơ quan có liên quan khác như Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán,... cũng phát sinh nội dung này khi thực hiện công việc thanh tra chuyên ngành hay đối chiếu sự tuân thủ pháp luật thuế theo qui định. Chế tài xử phạt hành chính về thuế hiện tại là khá đầy đủ và bao quát. Tuy nhiên, từ thực tiễn áp dụng vẫn còn bộc lộ một số vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung để hoàn thiện hơn đảm bảo hiệu quả, đồng bộ.

Xử phạt về phí, lệ phí gắn với việc quản lý thuế

Việc xử phạt vi phạm về thuế hiện hành chủ yếu đang thực hiện theo Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ. Tuy nhiên, Điều 1 (Phạm vi điều chỉnh và đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế) Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016), qui định:

“1. Phạm vi điều chỉnh

Chương này quy định về hành vi vi phạm hành chính về thuế, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

Vi phạm hành chính về thuế bao gồm vi phạm quy định của Luật quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế (sau đây gọi là Luật quản lý thuế) đối với: Các loại thuế; tiền thuê đất, thuê mặt nước; tiền sử dụng đất; thu từ khai thác tài nguyên khoáng sản và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý thu theo quy định của pháp luật.

Nghị định này không áp dụng đối với vi phạm hành chính về phí, lệ phí, hóa đơn và vi phạm hành chính về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.”

Với qui định này, một số khoản thu từ phí như phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản hiện do ngành Thuế quản lý và trực tiếp theo dõi thu nộp thì có thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định 129/2013/NĐ-CP của Chính phủ hay không vẫn là câu hỏi đang được đặt ra, bởi theo Điều 1 Nghị định 129/2013/NĐ-CP nêu trên thì có thể thấy việc xử phạt hành chính về phí, lệ phí đã bị loại trừ điều chỉnh của Nghị định này.

Mặt khác, chế tài xử lý về khai, nộp phí, lệ phí hiện nay là một nội dung điều chỉnh của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn nhưng, nếu áp dụng Nghị định 109/2013/NĐ-CP thì các hành vi như khai thiếu, khai sai, chậm nộp phí bảo vệ môi trường lại chưa được qui định cụ thể và rõ ràng. 

Phối hợp xử lý về thuế giữa cơ quan Thuế và cơ quan Thanh tra và Kiểm toán nhà nước về tuân thủ pháp luật thuế.

Hiện nay cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra thuế đối với doanh nghiệp có thể thông qua nhiều cơ quan như: Cơ quan Thuế, cơ quan Thanh tra Nhà nước, Thanh tra chuyên ngành, Cơ quan Kiểm toán Nhà nước... Việc phối hợp lập kế hoạch làm việc theo chức năng giữa các cơ quan nói trên đã được thực hiện ngay từ đầu năm theo hướng tránh trùng lắp, đảm bảo đã có 01 cơ quan Nhà nước thanh tra, kiểm tra hay đối chiếu với Người nộp thuế (NNT) thì cơ quan khác sẽ không thực hiện nữa.

Tuy nhiên, ở đây chúng tôi muốn bàn về cơ chế xử lý sau thanh tra, kiểm toán: Do qui định chức năng, thường thì cơ quan Thanh tra Nhà nước và cơ quan kiểm toán chỉ ra kết luận truy thu hay kiến nghị thu hồi số thuế nhà nước đã hoàn cho doanh nghiệp mà không tiến hành xử phạt hành chính theo qui định mà việc này được giao cho cơ quan thuế. Cơ quan thuế khi tiếp nhận Kết luận và tiến hành xử phạt thường phải xem xét thêm các tình hình cụ thể trong việc khai thuế và nghĩa vụ của doanh nghiệp, ví dụ: Cơ quan Thanh tra, cơ quan Kiểm toán có kết luận truy thu số thuế GTGT doanh nghiệp khai thiếu đầu ra nhưng trong trường hợp doanh nghiệp tại thời điểm đó nếu tính cả số được phát hiện thêm thì vẫn đang âm thuế (còn thuế GTGT được khấu trừ), như vậy sẽ không thể coi là hành vi khai sai dẫn đến tăng số thuế GTGT phải nộp.

Mặt khác nếu doanh nghiệp thực hiện việc nộp số thuế GTGT theo kiến nghị của Thanh tra NN hoặc Kiểm toán NN trong trường này có được tính là khoản thuế nộp thừa để bù trừ thuế phát sinh về sau (nếu có) hay không vẫn đang là vấn đề gây không ít lúng túng và tranh luận tại cơ quan thuế, nơi chịu trách nhiệm thực hiện kiến nghị của Thanh tra hoặc Kiểm toán NN.

Đó là chưa kể việc các cơ quan Kiểm toán hay Thanh tra Nhà nước khi thực hiện đối chiếu, thanh tra doanh nghiệp, với một khoản phát hiện trong kỳ chỉ mới kiến nghị về tăng thuế GTGT, trong khi khoản thuế khác có liên quan như thuế TNDN lại không kiến nghị. Trường hợp, này khi thực hiện xử lý sau kiến nghị, kết luận, cơ quan thuế với tư cách là người chấp hành rất khó để xử lý một cách hoàn chỉnh do không được trực tiếp làm việc về vấn đề liên quan với doanh nghiệp.        

Xử phạt về sử dụng hóa đơn bất hợp pháp

Xử phạt về sử dụng hóa đơn hiện nay đang chịu sự điều chỉnh bởi 2 nghị định: một là Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 (qui định tại Chương 4 và được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 10/2014/TT-BTC ngày 17/01/2014 của bộ Tài Chính), và thứ hai là Nghị định 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của định Chính phủ (được hướng dẫn chi tiết bới Thông tư 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính)

Khoản 2 Điều 39 Nghị định 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ qui định:

“2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.”

Theo Điều 108 Luật Quản lý thuế thì hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là hành vi trốn thuế, gian lận thuế, và theo điểm c Khoản 1 Điều 3 Nghị định 129/2013/NĐ-CP thì:

“c) Đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế: Phạt từ 1 đến 3 lần số tin thuế trốn, gian lận. Mức phạt tiền quy định tại Điu 11 Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với người nộp thuế là tổ chức, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt áp dụng đối với tổ chức.

Như vậy hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp có thể tổng hợp: Ở mặt sử dụng hóa đơn phải chịu mức phạt trung bình 35.000.000 đồng/01 lần (20.000.000 + 50.000.000)/2); còn theo qui định về quản lý thuế thì phải chịu truy thu 1-3 lần số thuế trốn (là số thuế liên quan đến số hóa đơn bất hợp pháp).

Trên thực tế, có rất nhiều ý kiến từ phía NNT và cơ quan chức năng cho rằng: Người mua có phần thiệt thòi khi mà chế tài xử phạt hóa đơn bất hợp pháp đối với người mua (nơi nhận hóa đơn) và người bán hàng (nơi xuất hóa đơn) là như nhau, rõ ràng trong nhiều trường hợp người mua là người rất bị động, không hề cố ý mà do không may sử dụng phải hóa đơn bất hợp pháp, nếu người bán không xuất hóa đơn không đúng qui định thì người mua sẽ không chịu rủi ro liên quan. Các lý do dẫn đến tình trạng “bị động” này còn được phân tích ở khía cạnh về xử lý thông tin như:

(i) Thông tin có được phục vụ việc tra cứu hóa đơn người bán giao cho người mua có hợp pháp hay không là rất hạn chế: Với nền tảng quản lý thuế hiện hành thì chỉ có trang website tra cứu hóa đơn giúp làm việc này, tuy nhiên trong trường hợp việc nhập dữ liệu hóa đơn bất hợp pháp từ cơ quan thuế không đầy đủ hoặc chưa kịp thời thì không thể có thông tin chính xác về hóa đơn được, và vì thế việc rơi vào tình trạng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là rất dễ xảy ra. Trong khi đó, phân định trách nhiệm để xảy ra lỗi thông tin không đầy đủ đó là chưa thật sự rõ ràng và minh bạch.

 (ii) Việc thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng (nghĩa là hóa đơn trong dải thông báo là hóa đơn bất hợp pháp) khi bên người bán bị áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu nợ thuế theo qui định của Luật quản lý thuế hiện tại được thực hiện bằng các Quyết định của cơ quan thuế có thẩm quyền, tuy nhiên việc thực hiện quyết định đó mang độ “trễ” nhất định: cả “trễ” về hiệu lực của quyết định, cả “trễ” về khoảng  hóa đơn được điều chỉnh trong quyết định, bởi nhiều khi cơ quan thuế chỉ có thể căn cứ vào báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn của NNT nợ thuế tại kỳ trước liền kề để quyết định trên thông báo mà chưa kịp cập nhật các số hóa đơn thực tế còn lại đến thời điểm ra quyết định thông báo. Từ đó, với các số hóa đơn có sử dụng trong khoảng thời gian áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn, việc phân định là “hợp pháp” hay “bất hợp pháp” là khó khăn và đôi khi gây nhiều tranh cãi và mất thời gian tra cứu.

Rõ ràng, cần có chế tài xử phạt hợp lý và nên có sự phân biệt giữa bên bên bán và bên mua trong việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (nếu có).

Một số kiến nghị

Thứ nhất, Phối hợp xử lý vi phạm về thuế giữa các cơ quan Thuế - Thanh tra – Kiểm toán Nhà nước một mặt thể hiện tính đồng bộ và nhất quán của bộ máy Nhà nước ta, mặt khác tạo ra sự ý thức tuân thủ pháp luật cũng như chấp hành tốt nghĩa vụ của doanh nghiệp, NNT trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Từ đó việc xử lý hành chính các nghiệp vụ có liên quan cần phải được quán triệt bằng qui định một cách chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo thuận lợi cho NNT, nên chăng cần qui định: khi các cơ quan Nhà nước khác là Thanh tra hay kiểm toán đã xử lý về thuế thì cần xử lý hoặc phối hợp xử lý dứt điểm và toàn diện các vấn đề về thuế có liên quan, hạn chế việc xử lý nhiều lần, nhiều lúc gây tâm lý và làm mất thời gian của NNT.

Thứ hai, Cùng với việc đẩy nhanh việc sử dụng hóa đơn theo hình thức tiên tiến hơn – hóa đơn điện tử, để việc nhận diện, minh bạch thông tin về hóa đơn được đầy đủ, kịp thời thì việc cần thiết sửa đổi chế tài xử phạt theo hướng phân biệt xử lý vi phạm sử dụng hóa đơn trong một số trường hợp nhất định giữa người bán (bên chủ động) và người mua (bên bị động).

Mặt khác cần xem xét các tình tiết giảm nhẹ đối với người mua khi vô tình sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhưng chứng minh được việc giao dịch mua bán là có thật, đã hạch toán, kê khai thuế đầy đủ và đã có ý thức ngăn chặn nhưng do không đủ thông tin hoặc do lỗi có yếu tố khách quan từ việc cung cấp thông tin quản lý hệ thống theo dõi hóa đơn hiện hành.

Thứ ba, Trong cuộc Cách mạng Công nghiệp mới đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc đẩy mạnh hạ tầng công nghệ thông tin ngay tại các cơ quan quản lý nhà nước cần phải được ưu tiên mạnh mẽ và trước hết, các tương tác thông tin giữa khu vực Nhà nước và giữa các khu vực nhà nước với bên ngoài cũng như giữa các khu vực, nhóm người trong hoạt động kinh doanh với nhau là nhu cầu thiết yếu và thường xuyên, liên tục. Có như vậy các tình huống xử lý nói chung, xử lý về thuế nói riêng mới đạt hiệu quả xã hội như mong muốn.

Cuối cùng, trong bối cảnh đó, vai trò của con người, năng lực của chủ thể xã hội là con người cũng phải được nâng lên với một yêu cầu mới cao hơn rất nhiều: cả về nhận thức, hoạch định chính sách,về khả năng tiếp cận và xử lý thông tin, về đảm bảo và phối hợp đảm bảo thực hiện các chức năng cũng như về chế tài lợi ích và chịu trách nhiệm. Tất cả điều đó phải đặt trong bối cảnh mới đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và toàn diện.

 Tài liệu tham khảo:

  1. Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;
  2. Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/ 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế;
  3. Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn;
  4. Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
  5. Thông tư 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế;
  6. Thông tư 10/2014/TT-BTC ngày 17/01/2014 của Bộ Tài Chính hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn.
  7. Công văn số 5857/BTC-TCT ngày 05/5/2015 của Bộ Tài chính về việc kê khai bổ sung và xử lý vi phạm về thuế người nộp thuế theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán.